Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giám đốc FBI: Kẻ thù của Clinton và 'cái gai' trong mắt Trump

Trong sự nghiệp của mình, James Comey không ít lần đối đầu các tổng thống, gián tiếp ảnh hưởng cuộc bầu cử vì giữ nguyên tắc của mình, cho đến khi ông trở thành nạn nhân của Trump.

Ngày 9/5, Giám đốc FBI James Comey, người được cho đã góp phần làm nên sự thất bại của bà Hillary Clinton và mang lại chiến thắng cho Donald Trump, bị chính Tổng thống Trump sa thải. Ông rời khỏi vị trí giám đốc FBI khi nhiệm kỳ 10 năm vẫn còn hơn phân nửa và ngay giữa cuộc điều tra của FBI về nghi án Nga can thiệp cuộc bầu cử Mỹ. 

Việc bị Trump sa thải đã làm gián đoạn sự nghiệp với nhiều lần đối đầu các tổng thống của James Comey.

Trump sa thai giam doc FBI anh 1
Cựu giám đốc FBI James Comey. Ảnh: Reuters.

'Tuần trăng mật' ngắn ngủi với Trump

Tháng 10/2016, khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ chỉ còn cách 10 ngày, Comey đã viết thư cho quốc hội để thông báo việc FBI mở lại cuộc điều tra về việc bà Clinton dùng email cá nhân xử lý công việc khi còn làm ngoại trưởng Mỹ. Lá thư của Comey được xem là "bất ngờ tháng 10", tức vụ việc chấn động xảy ra trước thềm cuộc bầu cử, và dẫn đến thất bại của Clinton.

Đến nay, Clinton vẫn tỏ ra bà không thể quên được "cú đá vào mặt" này của Comey. Trong một sự kiện ở New York ngày 2/5, bà nói rằng: "Nếu cuộc bầu cử diễn ra ngày 27/10, tôi đã là tổng thống".

Khi Trump giữ lại Comey, một người do cựu tổng thống Barack Obama bổ nhiệm, người ta cho đây là một phần thưởng vì việc đã phá bĩnh tham vọng tổng thống của Clinton. Trong một sự kiện hồi tháng 1, khi vừa nhậm chức, Tổng thống Trump vừa phát biểu xong thì phát hiện Comey cũng đang có mặt trong phòng. Ông băng qua quan khách để xuống cuối phòng, bắt tay thân mật với Comey và đùa rằng giám đốc FBI đã nổi tiếng hơn cả tổng thống.

Dù vậy, càng ngày Comey càng trở thành "cái gai" trong mắt tổng thống mới. 

Trump sa thai giam doc FBI anh 2
Cái bắt tay thân tình của Tổng thống Trump với James Comey hồi ông Trump vừa nhậm chức. Ảnh: AP.

Trong một phiên điều tra được theo dõi sát sao hồi tháng 3, Comey lần đầu tiên thừa nhận FBI đang điều tra nghi án Nga can thiệp cuộc bầu cử Mỹ và có thể có liên hệ với phía Trump. 

Chưa hết, ngay trong phiên điều trần đó, Comey từ chối ủng hộ các tuyên bố của Tổng thống Trump rằng ông bị cựu tổng thống Obama nghe lén. 

Đứng trước các nhà lập pháp, Comey, không hề chớp mắt, đã tuyên bố rằng cả FBI lẫn Bộ Tư pháp Mỹ đều không có bằng chứng gì cho các cáo buộc của tổng thống.

CNN dẫn lời các quan chức Nhà Trắng tiết lộ rằng tổng thống Trump đã chuẩn bị cho việc sa thải Comey ít nhất một tuần. Những lời xì xào đang râm ran trong chính trường Mỹ rằng việc ông Trump sa thải Comey không khác gì khi cựu tổng thống Richard Nixon sa thải một công tố viên đặc biệt đang điều tra bê bối nghe lén Watergate của Nixon.

Không ngại va chạm

AFP nhận định nếu có một tính từ để miêu tả Comey thì đó là "thẳng thắn". Cựu giám đốc FBI nổi tiếng không ngại đối đầu với các quan chức cấp cao hơn ông và chỉ quan tâm đến việc làm đúng nguyên tắc.

Trong phiên điều trần ngày 3/5 về việc công bố cuộc điều tra Clinton ngay sát ngày bầu cử, Comey nói rằng khi đó ông chỉ có 2 lựa chọn. Nếu nói ra, hậu quả sẽ "rất xấu". Nhưng nếu che đậy, không nói ra, việc đó sẽ là một thảm họa. Vì vậy, Comey chọn cách thông báo với quốc hội về cuộc điều tra.

Trump sa thai giam doc FBI anh 3
James Comey trong phiên điều trần trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ hôm 3/5. Ảnh: Reuters.

Một trong những tranh cãi nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của Comey là vào năm 2004, khi ông đang là phó tổng chưởng lý Mỹ. Tổng chưởng lý John Ashcroft khi đó ốm nặng và Comey trở thành quyền tổng chưởng lý.

Bên giường bệnh của Ashcroft, Alberto Gonzales, cố vấn của tổng thống khi đó George W. Bush, cố thuyết phục FBI cấp phép lại cho một chương trình nghe lén của chính phủ. Comey nghe tin cộng sự của Bush đang đến bệnh viện để cố tìm kiếm chữ ký của Gonzales, người vừa trải qua phẫu thuật và bất chấp việc người đang nắm quyền là Comey. Ông lao đến bệnh viện, cuộc đối đầu diễn ra và các cố vấn của tổng thống phải ra về tay trắng.

Ba năm sau, Comey đã kể lại câu chuyện này trước Thượng viện, thêm một lần gây sóng gió cho chính quyền Bush.

Năm 2016, cũng chính James Comey là người gây tranh cãi khi yêu cầu Apple mở khóa chiếc iPhone của tay súng trong vụ xả súng làm chết 14 người ở San Bernardino (Mỹ). Apple từ chối yêu cầu này, cuộc đấu khẩu giữa FBI và hãng này kéo dài cho đến khi FBI thông báo họ đã tự mở khóa được chiến điện thoại trên.

Trump gây sốc khi bất ngờ sa thải giám đốc FBI

Giám đốc FBI James Comey, người từng tạo ra "bất ngờ tháng 10" bị Hillary Clinton cáo buộc góp phần khiến bà thất bại trong bầu cử Mỹ, đã bị sa thải.

Giám đốc FBI biết tin bị sa thải qua TV

Ông James Comey dường như không hay biết về quyết định sa thải cho đến khi các bản tin trên truyền hình phát đi thông báo của Nhà Trắng tối 9/5.

 

Phương Thảo

Bạn có thể quan tâm