Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

INFOCUS

Giám đốc đài VTC: 'Bà con đỡ phải ăn xôi lạc, thế là vui'

Tiết lộ "chỉ có 48 tiếng" để đàm phán và chốt hợp đồng bản quyền ASIAD, ông Nguyễn Kim Trung khẳng định không có chuyện mua hớ. Thời điểm này, VTC/VOV chắc chắn "không lỗ".

Giam doc VTC noi ve hau truong dam phan ban quyen ASIAD anh 1

Tiết lộ "chỉ có 48 tiếng" để đàm phán và chốt hợp đồng bản quyền ASIAD, ông Nguyễn Kim Trung khẳng định không có chuyện mua hớ. Thời điểm này, VTC/VOV chắc chắn "không lỗ".

Một tuần sau sự kiện VTC sở hữu bản quyền phát sóng ASIAD 18, Giám đốc Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC Nguyễn Kim Trung vui vẻ chào đón phóng viên tại phòng làm việc ở trụ sở 23 Lạc Trung. Ở phòng đối diện, nhóm lãnh đạo các kênh của VTC đang chuẩn bị cuộc họp nhanh bàn việc khai thác trận bán kết giữa Olympic Việt Nam và Hàn Quốc diễn ra ngày hôm sau, lúc 16h 29/8.

Vị giám đốc 44 tuổi của VTC bảo tuần qua thực sự là sôi động và nhiều cung bậc cảm xúc của cá nhân ông. “Nhưng cảm xúc tích cực nhiều hơn, khi VTC đàm phán thành công bản quyền ASIAD 2018, phục vụ người hâm mộ Việt Nam. Nói theo ngôn ngữ dân gian, bà con đỡ phải ăn xôi lạc, thế là vui rồi”, ông nói.

Ông chia sẻ thêm nhịp sống tuần vừa rồi cũng có thay đổi đôi chút. Sau những giờ căng thẳng đàm phán, mất ngủ thì cả tuần qua theo dõi tình hình thi đấu của đội tuyển Olympic Việt Nam “hồi hộp và nhiều cảm xúc”. “Kết quả thi đấu của tuyển Việt Nam quyết định nhiều thứ lắm”, ông nói.

'VTC mua bản quyền ASIAD không phải để kinh doanh' Trao đổi với Zing.vn, Giám đốc VTC Nguyễn Kim Trung khẳng định đơn vị mua bản quyền ASIAD để phục vụ khán giả và chia sẻ phi lợi nhuận với hơn 50 cơ quan truyền thông trong nước.

Chỉ có 48 tiếng để 'mua bằng được' bản quyền

- Vài tuần qua, câu chuyện bản quyền ASIAD 18 đã là tâm điểm thu hút sự chú ý của đông đảo người Việt Nam, khi ASIAD khởi tranh mà Việt Nam là nước cuối cùng chưa có bản quyền. Với VTC, việc đàm phán bản quyền bắt đầu ra sao?

- Thực ra những năm trước VTC là đơn vị thường xuyên mua bản quyền các giải đấu thể thao lớn. Trong giai đoạn 2006-2008, việc mua bản quyền phục vụ các giải đấu chuyên nghiệp thì VTC mạnh nhất, hơn VTV. Sau đó vì nhiều lý do, việc này chững lại.

Với sự kiện lớn như World Cup hay ASIAD 18 năm nay, ở Việt Nam chỉ có 2 đài đủ hệ thống truyền dẫn phát sóng và hạ tầng… để phục vụ người hâm mộ. Chúng tôi cũng có thông tin về chuyện bản quyền khi các đơn vị sở hữu bản quyền gửi thông tin chào. Tuy nhiên, tâm lý chung của chúng ta thường là với các sự kiện này VTV sẽ cáng đáng, VTC, vì thế, gần tạm như bỏ qua.

Tuy nhiên ASIAD 18 khởi tranh mà Việt Nam không có đơn vị phát thanh truyền hình nào có bản quyền, người hâm mộ thể thao Việt Nam không có quyền tiếp cận giải đấu. Họ buộc phải xem thông qua website không chính thức: Xôi Lạc TV, một kênh lậu, không bản quyền, chất lượng thông tin rất có vấn đề.

Bản quyền truyền hình vì thế thành vấn đề chung của cả xã hội. Tại sao một sự kiện thể thao lớn, đoàn Việt Nam hàng trăm vận động viên thi đấu, được hàng triệu người Việt cổ vũ, động viên thế nhưng người dân không có quyền tiếp cận.

Không có ý chí, quyết tâm của TGĐ Nguyễn Thế Kỷ, không dám chắc anh em VTC có đủ quyết tâm hay không.

Giám đốc VTC Nguyễn Kim Trung

Thời điểm đó, VTC có nghĩ đến việc VTV không làm thì mình sẽ làm. Ý nghĩ thì có nhưng để có động lực, quyết tâm để đàm phán và chốt hợp đồng là nhờ ý chí và quyết tâm của Tổng giám đốc VOV Nguyễn Thế Kỷ. Anh Kỷ chỉ đạo chúng tôi phải đàm phán và mua bằng được bản quyền để phục vụ người dân.

Tôi nhớ Tổng giám đốc Nguyễn Thế Kỷ giao phải tiến hành đàm phán ngay trong đêm, bằng nhiều kênh khác nhau và cứ 30 phút đêm 20/8 và sáng 21/8 phải báo cáo tổng giám đốc một lần, kể cả nửa đêm.

Chính ý chí, quyết tâm đó giúp chúng tôi xác định mình phải làm và làm được. Không có ý chí đó, không dám chắc anh em VTC có đủ quyết tâm hay không.

Một điểm thú vị là khi bắt đầu đàm phán thì VTC là đơn vị cuối cùng ở châu Á đàm phán về bản quyền ASIAD 18. Mong muốn của VTC, vì thế, nhận được sự chia sẻ của cộng đồng, và các doanh nghiệp đồng hành hỗ trợ tài chính để chúng tôi đàm phán thành công.

- Khi lãnh đạo quyết tâm như thế, sức ép lên cá nhân anh và đoàn đàm phán ra sao?

- Áp lực thì đương nhiên có, và phải đàm phán với áp lực đó thôi. Áp lực ở đây là phải mua được, nhưng không được mua với giá đắt. Nó đan xen giữa mua đúng lúc, mua bằng được, nhưng không được đắt.

Giam doc VTC noi ve hau truong dam phan ban quyen ASIAD anh 2
"Bà con đỡ phải ăn xôi lạc, thế là vui rồi”, Giám đốc VTC Nguyễn Kim Trung nói.

- Tổng thời gian từ khi VTC tiếp xúc với đối tác Hàn Quốc để đàm phán đến khi ký kết hợp đồng là bao lâu, thưa ông?

- Chúng tôi mất 48 tiếng. Nhóm đàm phán đều là những người va chạm nhiều, đàm phán bản quyền nhiều năm, mạng lưới tốt, có kinh ngiệm hồ sơ, pháp lý, cách làm đã quen. Nhờ đó dù phạm vi thời gian kỷ lục, anh em đã hoàn thành được.

- Yêu cầu ban đầu của đối tác thế nào với VTC thế nào, và đâu là điểm mang tính nút thắt của quá trình đàm phán?

- Câu chuyện muôn thở của đàm phán xoay quanh 2 yếu tố: Những quyền gì và giá bao nhiêu.

Chúng tôi trao đổi theo hướng bằng mọi cách có bản quyền mang về nhưng không đến nỗi bị mua với giá đắt.

Giám đốc VTC Nguyễn Kim Trung

Giá ban đầu mà đối tác sở hữu bản quyền đưa ra không hề thấp. Cũng có thông tin bên lề nói hơn 3 triệu, 4 triệu, 5 triệu USD. Đây cũng là con số không quá xa so với trao đổi ban đầu do bên đối tác đưa ra.

Trong 48 giờ đàm phán căng thẳng, chúng tôi trao đổi theo cách bằng mọi cách có bản quyền mang về nhưng không đến nỗi bị mua với giá đắt.

- Bản quyền ASIAD được ký kết vào thời điểm người hâm mộ đang rất ngóng trông, ngay trước khi Việt Nam đấu với Bahrain. Cảm xúc của anh khi đặt bút ký?

- Rất vui, có thể nói là vỡ òa. Tôi đặt bút ký hợp đồng lúc 10h45 ngày 21/8, sau 48 tiếng.

Chúng tôi đã thực sự có đêm trắng vì lệnh múi giờ. Công ty sở hữu truyền thông là tập đoàn đa quốc gia, trụ sở châu Âu, nhóm bản quyền ở Hàn Quốc, sale ở Indonesia… Việc kết nối để có thống nhất các khâu ở đối tác là một vấn đề.

Việc đàm phán cũng khó khăn, phức tạp. Chúng tôi huy động đủ mọi kênh có thể, khi là dùng conference, khi email, và cả những kênh mạng xã hội như chat, bên cạnh các kênh chính thống bằng như trao đổi văn bản, chứng thực số. Thông qua các kênh không chính thức, chúng tôi chia sẻ quan điểm về việc có thực sự mua hay không, với giá đó thì thực sự khó vì lý do cụ thể.

- Trước khi đàm phán, VTC có tham khảo các quốc gia khác trong khu vực đàm phán bản quyền ASIAD thế nào?

- Họ đàm phán sớm hơn, giá tương tự chúng ta và có nhiều quốc gia đắt hơn.

- Việc đàm phán bản quyền ở các nước có gì khác?

- Khác nhiều chứ, vì họ có rất nhiều thời gian.

Giá bản quyền có thể tốt hơn nếu đàm phán cách đây 1 năm

- Là người trực tiếp đàm phán và ký kết hợp đồng bản quyền ASIAD 2018, anh có thể tiết lộ con số giá trị hợp đồng?

- Dưới 1,5 triệu USD.

- Như anh nói, VTC đàm phán với quyết tâm mua bằng được. Điều này có khiến các anh mua “hớ”, bởi ASIAD đã đi được gần một nửa chặng đường, Olympic Việt Nam đã vào vòng 16 đội. Có thông tin nói rằng nếu không bán cho Việt Nam thì đối tác ngoại cũng phải phát sóng miễn phí cho người Việt?

- Tôi khẳng định không có chuyện mua hớ.

Thực ra việc không bán được cho VTC thì họ cũng chỉ có mất chính là cái thế VTC dựa vào khi đàm phán với đối tác sở hữu bản quyền.

Cũng không có chuyện nếu không bán bản quyền họ sẽ phát không. Nếu VTC, VOV không mua bản quyền thì người hâm mộ Việt Nam sẽ không có cơ hội xem.

Điều chúng tôi trao đổi với đối tác là nếu không bán cho chúng tôi, các anh không thu thêm được. Tuy nhiên, họ có nguyên tắc của họ. Họ không bắt buộc phải bán, mà ngược lại giữ giá chứ không bán chợ chiều. Họ khẳng định có hay không có Việt Nam mua thì cũng không sao cả.

Giam doc VTC noi ve hau truong dam phan ban quyen ASIAD anh 3

Vì thế, chúng tôi xác định tìm một điểm cân bằng hợp lý giữa mong muốn, quyết tâm của mình và khả năng đàm phán của đối tác.

Lãnh đạo Bộ còn đặt câu hỏi với chúng tôi rằng mua với giá bao nhiêu. Nói cách khác, giá bản quyền không phải câu chuyện của doanh nghiệp mà là vấn đề của cả xã hội. Các cơ quan quản lý Nhà nước và cả xã hội quan tâm, giám sát.

- Giải thích về việc không bắt buộc phải bán của đối tác sẽ là dễ hiểu nếu như Việt Nam đàm phán với Dentsu, đơn vị sở hữu bản quyền ở mọi quốc gia châu Á. Tuy nhiên, bản quyền phát sóng ASIAD trên lãnh thổ Việt Nam lại được sở hữu bởi một bên thứ 3, đối tác Hàn Quốc khi có thông tin họ trả tới 3 triệu USD để mua bản quyền phát sóng trên lãnh thổ Việt Nam. Điều gì khiến bản quyền ở Việt Nam được định giá cao như vậy, theo ông?

- Để lý giải hành động của một người, một tổ chức khác là khó vì mình không đủ thông tin. Tuy nhiên tôi nghĩ lý do để thị trường bàn quyển sôi động vì nhu cầu theo dõi, thưởng thức, chia sẻ các sự kiện thể thao của khán giả ngày một lớn. Trước chất lượng kỹ thuật, phương tiện để theo dõi giới hạn, còn giờ thì khác. Mong muốn được xem, được nghe ngày càng cao. Xu hướng bản quyền trên thế giới cũng ngày càng đắt.

Trong xu hướng ấy, tôi không bình luận việc tại sao đơn vị sở hữu bản quyền gốc và đơn vị thứ cấp mua bán với nhau với giá cao như vậy. Nhưng tôi nghĩ họ đánh giá nhu cầu của thị trường và mong muốn, xu hướng của nội dung.

- Liệu chúng ta có thể đạt mức giá, quyền lợi tốt hơn không?

- Nói một cách công bằng, đó là thương vụ thành công. Thành công ở đây là so với mức giá mà họ đưa ra ban đầu, so với những mức giá mình được nghe không chính thức. Đó cũng là một trong những lý do mà đàm phán về bản quyền ASIAD không thành công trước đó.

Vì thế, đấy là một giá tốt và nhóm đàm phán cảm thấy vui, khi đạt được mức giá trong phạm vi mình có thể chấp nhận được.

Tuy nhiên, giá bản quyền có thể tốt hơn, nếu việc này được làm cách đây một năm.

- Thời gian qua, dư luận xã hội có rất nhiều người nghi ngờ về yếu tố tiêu cực, làm giá trong đàm phán bản quyền với đối tác nước ngoài. Làm thế nào để xử lý được các vấn đề tiêu cực này, theo ông?

- Tôi không bình luận gì về các thông tin đó, vì không biết. Tuy nhiên, làm giá với đơn vị nước ngoài là khó, vì đơn vị sở hữu bản quyền thường là doanh nghiệp lớn, quy mô toàn cầu, chịu sự chi phối và giám sát rất mạnh.

Giam doc VTC noi ve hau truong dam phan ban quyen ASIAD anh 4
"Tôi không tin các đơn vị truyền thông Việt Nam có khả năng làm giá khi đàm phán bản quyền", ông Nguyễn Kim Trung nói. 

Nếu có ý định làm giá, thì phải xuất sắc, chi phối ở quy mô rất rất lớn mới làm được. Tôi không tin lắm các cơ quan truyền thông Việt Nam có thể làm được việc này.

Giữa các đơn vị có thể có góc nhìn khác nhau, cách tiếp cận, xử lý bài toán khác nhau mà thôi.

- Ông đúc rút kinh nghiệm gì cho đàm phán bản quyền thể thao sau này trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng tăng?

- Từ kinh nghiệm lần này cũng như các thương vụ bản quyền trước đây của VTC, để có thỏa thuận tốt nhất thì cần thời gian đàm phán nhiều, thông tin phục vụ đàm phán nhiều, đủ và cố gắng trong phạm vi ít công khai nhất có thể, vì thông tin công khai có thể tạo sức ép, hoặc nhiễu loạn.

Yên tâm không lỗ

- Yếu tố tài chính là đặc biệt quan trọng để đạt được hợp đồng bản quyền. Vậy VTC đã lấy điều gì để thuyết phục các doanh nghiệp đồng hành, tài trợ cho mình đàm phán bản quyền?

- Hai lý do để có sự ủng hộ, mà trước hết là quyết tâm phục vụ khán thính giả của Tổng giám đốc Nguyễn Thế Kỷ rất lớn, và nó lan tỏa để mọi người có mong muốn đồng hành cùng VOV trong hoạt động này.

Hai là VTC chia sẻ với các doanh nghiệp góc nhìn là phục vụ khán giả, người hâm mộ, chứ không phải hoạt động kinh doanh.

Đương nhiên VTC phải kinh doanh để bằng mọi cách bù đắp, tạo nguồn thu có liên quan. Nhưng xuất phát điểm là VTC bằng mọi cách có bản quyền để phục vụ người hâm mộ. Chúng tôi xác định sẵn sàng bỏ thêm chi phí của mình, có thể lãi hay lỗ.

Thực tế, VTC không thu đồng nào của mọi đơn vị đối tác có đề nghị tiếp phát, gần 50 đài truyền hình và cơ quan báo chí tiếp phát. Ngay VTV có vài khối cùng tiếp phát: VTVcab, K+, Bóng đá TV, sau đó mới là VTV6. Các đơn vị kia còn làm việc sớm và nhanh hơn để có thể tiếp phát, sớm hơn rất nhiều so với Trung tâm quảng cáo VTV và VTV6.

Quan điểm phục vụ cộng đồng của chúng tôi được doanh nghiệp chia sẻ, như tập đoàn Vingroup tài trợ không kèm theo bất kỳ điều kiện gì, ngoài việc mua được để phục vụ khán giả. Họ không cần một spot quảng cáo hay một câu chữ nào.

Có phải vay tiền để mua bản quyền phục vụ khán giả thì vẫn phải làm.

Tổng giám đốc VOV Nguyễn Thế Kỷ

- Khi mua bản quyền, bên cạnh phục vụ nhu cầu người hâm mộ, VTC phải đảm bảo bài toán kinh tế. Khi đàm phán, các ông tính khả năng thu hồi vốn và sinh lời ra sao?

- Chúng tôi xác định rất đơn giản: nếu có lỗ thì là chúng tôi đi phục vụ khán giả, còn có lãi thì tốt. Tổng giám đốc Nguyễn Thế Kỷ còn nói với chúng tôi: Có phải vay tiền để mua bản quyền phục vụ khán giả thì vẫn phải làm.

- Vậy VTC được lợi gì từ việc này, thưa ông?

- Chúng tôi phục vụ được cộng đồng.

- Đến nay, việc khai thác quảng cáo ra sao?

- Những gì đã diễn ra thì rất tốt. Kinh doanh trên truyền hình phụ thuộc chủ yếu vào quảng cáo. Đây là sự kiện này được người hâm mộ rất quan tâm, các vận động viên Việt Nam, nhất là bóng đá nam thi đấu tuyệt vời. Điều này tạo nên cảm hứng của cả xã hội. Kết quả là lượng người xem rất lớn, kéo theo thu hút quảng cáo tốt.

Giam doc VTC noi ve hau truong dam phan ban quyen ASIAD anh 5
Nhờ thành tích thi đấu tốt của tuyển Việt Nam, VTC đã yên tâm không lỗ khi mua bản quyền ASIAD 18. 

Ví dụ, trong trận Việt Nam gặp Syria, rating cộng dồn của VTC3 lên tới 27.8 Đây là mức rating khủng khiếp, khi rating của kênh truyền hình ở mức 2 là đã tốt, mức 3 rất tốt, và ít kênh duy trì được 6, 7 chấm. Trong trận đấu ngày 27/8, rating của riêng kênh VTC3 là hơn 10, và thêm cộng dồn lên tới 27.8, kéo theo hiệu quả quảng cáo tốt.

- Như anh nói, kết quả thi đấu của bóng đá nam quyết định nhiều thứ. Thời điểm này khi tuyển Việt Nam đã vào bán kết, và còn hai trận đấu phía trước. Với kết quả đó, VTC dự báo bài toán kinh doanh ra sao?

- Thời điểm này thì có thể tuyên bố là yên tâm không lỗ. Còn lãi thế nào thì phải đợi kết thúc giải đấu.

- Có người nói VTC đang phải thực hiện quy trình ngược khi phải trả tiền trước khi tính được nguồn thu từ khai thác quảng cáo. Việc này có gây khó khăn gì cho anh và nhà đài?

- Điều này cũng tùy cách tiếp cận. Nếu nhìn thuần túy bài toán kinh tế thì rất khó, nhưng nếu nhìn từ góc độ một cơ quan báo chí phục vụ khán giả thì lại khác.

Khi chúng tôi tiếp cận dưới góc độ sẵn sàng phục vụ là chính thì lại thấy nhẹ nhàng, lỗ cũng được, miễn là phục vụ được người hâm mộ. Còn bình thường ra, chúng tôi phải tính toán tất cả các yếu tố trước khi đặt bút ký.

- Liên quan đến bản quyền phát sóng, buổi đầu tiên, người ta nói nhiều về việc VTV6 không tiếp sóng được. Thông tin thực sự là thế nào?

- Nó rất đơn giản thôi, chỉ là một trục trặc mang tính thủ tục và kỹ thuật. Sự nguyên trạng của tín hiệu từ VTC không đảm bảo. Chúng tôi có lưu ý, nhắc nhở VTV6 và sau đó họ tự ngắt chương trình.

- Nhiều khán giả thắc mắc tại sao nhiều nội dung có tuyển Việt Nam thi đấu không được phát sóng, trong khi mong muốn của người hâm mộ là được theo dõi và cổ vũ cho các vận động viên Việt Nam?

- Thực ra điều này rất bình thường. Không có đài truyền hình nước chủ nhà nào có thể cung cấp mọi hình ảnh của mọi môn thi đấu. Việc lựa chọn hình ảnh dựa vào đánh giá của chủ nhà về mối quan tâm của khán giả khu vực. Ví dụ, thời điểm bóng đã nữ Việt Nam thi đấu có những nội dung khác có lượng quan tâm lớn hơn, thì họ sẽ cung cấp hình ảnh của môn thi đấu kia.

Trong một số trường hợp, như bóng đá nữ, chúng tôi đã trực tiếp đặt hàng để ban tổ chức cung cấp hình ảnh trận đấu có tuyển Việt Nam tham dự.

Cuộc cạnh tranh không công bằng với Facebook, Google

- Trong hai sự kiện gần nhất, World Cup và ASIAD 18, việc đàm phán bản quyền khiến người theo dõi đặt đấu hỏi khi Việt Nam luôn là nước cuối cùng chưa có bản quyền. Ông có trăn trở gì từ chuyện này?

- Có chứ. Tôi thấy các cơ quan truyền thông Việt Nam đang rất phân tán, thiếu sự hợp tác cùng nhau. Nếu hợp tác chắt chẽ, hoặc có cơ chế điều phối hoạt động này, thì các cơ quan truyền thông, đài truyền hình sẽ có được bản quyền chi phí thấp hơn, chủ động tốt hơn.

Tôi cho rằng không nên để các đài tự cạnh tranh với nhau, vì như vậy sẽ cùng tự nâng giá lên, đối tác bán bản quyền hưởng lợi. Nếu có sự điều phối để các đơn vị ngồi lại với nhau, thống nhất phân vai đàm phán trong từ sự kiện, và thống nhất chia sẻ chéo công bằng, thì sẽ không tạo cạnh tranh trong chính nội bộ các đài truyền hình của Việt Nam.

- Tuy nhiên, câu chuyện bản quyền thể thao bây giờ không còn là sân chơi cạnh tranh riêng của các đài truyền hình nữa. Facebook đã mua bản quyền phát sóng Ngoại hạng Anh tại Việt Nam. Các đài truyền hình như VTC sẽ phải ứng xử ra sao trong cuộc đua với các mạng xã hội, vốn sẵn tiềm lực tài chính này?

- Đây là vấn đề không chỉ VTC, các đài truyền hình mà cả các báo điện tử gặp phải.

Giam doc VTC noi ve hau truong dam phan ban quyen ASIAD anh 6

Với truyền hình và truyền thông trực tuyến, đang có cuộc cạnh tranh rất không cân sức giữa truyền hình truyền thống, các báo chính thống với các dạng thức truyền thông xã hội. Google, Facebook là hai đế chế khổng lồ với tiềm lực kỹ thuật và tài chính quá mạnh đang chiếm đâu đó 80% thị trường quảng cáo trực tuyến.

Chi phối thị trường như vậy, họ thống lĩnh cuộc chơi, trong khi không chịu ràng buộc như truyền hình truyền thống và các cơ quan báo chí khác ở Việt Nam, cả về cơ chế quản lý, hành lang pháp lý. Vô hình chung chúng ta chưa tạo điều kiện để các đơn vị ở Việt Nam có thể phát triển cạnh tranh công bằng. Giờ đang bàn đánh thuế thế nào với Youtube, Facebook còn các cơ quan ở Việt Nam đương nhiên phải nộp thế. Mua bản quyền thuế nhà thầu 18%, bán quảng cáo cũng thuế… còn họ không chia sẻ trách nhiệm gì. Ngay hạ tầng kỹ thuật chúng ta phát triển vô hình chung phục vụ các đế chế kia.

Đây là vấn đề cần bàn tay điều phối của Nhà nước, cần hành lang pháp lý tạo điều kiện cho các cơ quan truyền thông chính thống có thể cạnh tranh. Ngoài Chính phủ, điều này không ai làm được.

- Vậy lựa chọn của chúng ta là gì, để đảm bảo vừa có lợi cho người dùng, cho quốc gia và cho các nhà đài?

- Các đài cần tự thiết lập cơ chế hợp tác chặt chẽ hơn. Sau các sự kiện như thế này, một các tự nhiên, các đài lớn sẽ ngồi lại với nhau tìm cách hợp tác tốt hơn. Các cơ chế hiệp hội cần kết nối, điều phối để cơ chế này hiệu quả tốt nhất. Nên chăng hội nhà báo đóng vai trò như vậy, hoặc Bộ Thông tin Truyền thông cầm trịch. Ở các nước khác, hoặc các nhà đài hợp tác tự thân, hoặc do các hiệp hội nghề nghiệp đứng ra làm đầu mối.

Phương Loan - Thư Hiền

Ảnh, video: Duy Hiếu
Đồ họa: Phượng Nguyễn

Bạn có thể quan tâm