Chiều 12/5, Phạm Anh Khoa xuất hiện trong một cuộc trò chuyện với đại diện Trung tâm CSAGA (Tổ chức Phi chính Phủ, hoạt động trong lĩnh vực bình đẳng giới, bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái) dưới sự chứng kiến của Liên minh truyền thông về quyền của người dễ bị Tổn thương (RIM) về các cáo buộc gạ tình, tấn công tình dục gần đây.
Cuộc trò chuyện diễn ra vào ngày 11/5, đến chiều 12/5 mới được đưa lên mạng. Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc tổ chức CSAGA đã trả lời Zing.vn về một số vấn đề xoay quanh vụ việc.
"Phạm Anh Khoa từng nghĩ mình không có lỗi"
- Về vụ việc ca sĩ Phạm Anh Khoa bị tố gạ tình, quấy rối tình dục, quan điểm của chị ra sao và vì sao chị quyết định tổ chức buổi talk với Phạm Anh Khoa?
- Trước tiên, tôi rất ủng hộ lên tiếng. Sự lên tiếng của bất cứ phụ nữ nào thấy mình không thoải mái và cảm thấy mình bị quấy rối tình dục đều là cần thiết. Chúng ta phải vui mừng vì việc này.
Còn về trường hợp Phạm Anh Khoa, tôi nghĩ nam ca sĩ phải đối diện thôi. Phạm Anh Khoa có lỗi ở đâu thì phải đối diện ở đó. Việc vận động Khoa xin lỗi cũng là một quá trình tư vấn, tôi cũng tham gia.
Trong quá trình đó, Khoa nói rằng nam ca sĩ không thấy mình có lỗi, không hiểu vì sao lại phải xin lỗi. Lúc đó, tôi phân tích và đưa ra các định nghĩa quấy rối tình dục, tôi nói với Khoa rằng như vậy là bạn đã tham gia quấy rối tình dục.
Ở đây, tôi không nhắc đến trường hợp cô stylist tố Phạm Anh Khoa "tấn công tình dục" vì việc đó chưa được xác nhận. Tôi chỉ nói chung thôi. Trong quá trình thực hiện phong trào #MeToo ở Việt Nam, tôi nhận thấy có rất nhiều thông tin mà chúng ta phải rất cẩn thận kiểm chứng vì liên quan đến danh dự, hạnh phúc và rất nhiều thứ của một con người. Chúng ta không thể hồ đồ kết tội.
Bà Nguyễn Vân Anh (giữa) trong cuộc trò chuyện với Phạm Anh Khoa. |
Trong trường hợp của Anh Khoa, tôi cũng tránh hồ đồ kết tội và yêu cầu nam ca sĩ có một buổi gặp mặt, nói chuyện. Trong cuộc trò chuyện, điều gì nam ca sĩ đã làm thì đều nhận. Chẳng hạn, Phạm Anh Khoa thừa nhận đã có những câu nói như vậy với Phạm Lịch và Nga My, thừa nhận "Đó là cái sai của tôi, tôi xin lỗi vì những điều đó".
Sau đó, Phạm Anh Khoa cũng hứa sẵn sàng tham gia các chương trình bảo vệ phụ nữ, vì nam ca sĩ đã có vợ, con gái và rất muốn góp phần làm nên một xã hội an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái.
CSAGA từ lâu đã theo đuổi 2 chương trình song song là làm việc với nạn nhân và làm việc với thủ phạm. Trong chương trình làm việc với thủ phạm, chúng tôi xác định tinh thần xuyên suốt là tìm ra tia sáng tốt đẹp trong phẩm chất của những người này, để có thể khích lệ những điều tốt đẹp, để họ bớt đi những hành vi gây hại cho bản thân và người khác.
Chúng tôi cũng xác định tinh thần như vậy khi làm việc với Phạm Anh Khoa.
- Như chị nói ở trên, Phạm Anh Khoa chỉ thừa nhận có những lời nói với Phạm Lịch và Nga My chứ không đề cập đến lời tố “tấn công tình dục” từ stylist M.P?
- Tôi không nói chuyện nhiều với Phạm Anh Khoa về vấn đề này vì riêng chuyện đó chắc phải có sự tham gia của luật sư. Ở đây, khi tách riêng các trường hợp, thì có trường hợp Phạm Anh Khoa cho rằng đã không làm như vậy mà bị dựng chuyện.
- Câu xin lỗi của Phạm Anh Khoa không nhắc tên các cô gái. Phạm Lịch và M.P cho rằng lời xin lỗi đó chung chung, không dành cho một ai và họ không chấp nhận. Chị nghĩ sao về việc này?
- Chấp nhận hay không là quyền của các bạn ấy, sao tôi có quyền đánh giá được. Nhiều người không chấp nhận các lời xin lỗi, đó cũng là chuyện bình thường, tùy theo mức độ nặng nhẹ mà họ phải chịu hoặc những nấc thang giá trị của bản thân họ.
Còn trong cuộc trò chuyện, tôi cũng khẳng định tôi ủng hộ Phạm Lịch, Nga My và tất cả những ai lên tiếng.
"Muốn người khác thay đổi thì không thể vùi dập, làm họ bẽ mặt"
- Trong cuộc trò chuyện, Phạm Anh Khoa không đề cập thẳng đến những hành vi gạ tình, quấy rối bị tố và gây phẫn nộ dư luận thời gian qua. Vì sao lại như vậy?
- Bất cứ ai xem nghĩ video cuộc trò chuyện đều nhận thấy chúng tôi tạo điều kiện cho Khoa lên tiếng chứ không phải là bao biện về hành vi của mình. Và để Khoa lên tiếng như thế này cũng là kết quả của một quá trình vận động và tư vấn từ phía chúng tôi. Chúng tôi đã cố gắng giúp Khoa hiểu rằng nam ca sĩ cần phải xin lỗi.
Tôi cho rằng, trong lĩnh vực phát triển, để làm thay đổi một con người hay một vấn đề, chúng ta cần dùng đến thái độ tích cực chứ không phải vùi dập.
Ai mắc tội đến đâu thì sẽ có pháp luật xử lý đến đó, chứ chúng tôi không thể làm thay pháp luật, nhất là khi mới có cáo buộc từ một phía. Người ta sẽ phải nhận hình phạt từ pháp luật và các hình phạt khác, thay vì đập tan họ khi chưa có đầy đủ thông tin. Đó không phải là cách làm tích cực trong phát triển.
"Chẳng lẽ họ sẽ thay đổi nếu như chúng ta đập cho họ tan tành? ". Ảnh: FBNV. |
Bởi điều chúng ta muốn là gì? Chúng ta muốn những người đàn ông và cả những người phụ nữ phải thay đổi đúng không? Chẳng lẽ họ sẽ thay đổi nếu như chúng ta đập cho họ tan tành à? Họ vi phạm pháp luật thì họ sẽ phải chịu. Nếu pháp luật xử lý chưa đúng đắn thì chúng ta lại lên tiếng vì điều đó. Còn xử lý một người theo kiểu làm bẽ mặt, vùi dập khiến người ta không thể đứng dậy nổi, đó không phải là cách làm của trung tâm tôi.
Nếu cứ vùi dập vậy, chúng tôi cũng chẳng thể thành công trong các chương trình làm việc với nam giới. Chúng tôi không thể đến một địa phương rồi kêu gọi "Mời tất cả các anh nam giới gây bạo lực với phụ nữ ra đây", chắc chắn chẳng ai ra cả. Nhưng nếu chúng tôi chỉ dẫn những cách tích cực để làm người chồng, người cha tốt thì người ta sẽ đến nghe và nhận ra hành vi của mình sai trái ở đâu.
- Khi thực hiện chương trình #MeToo ở Việt Nam, trung tâm chị có tính đến việc liên hệ với các cô gái tố Phạm Anh Khoa để tìm hiểu sự việc từ phía họ không?
- Tôi đã theo dõi tất cả ý kiến của họ và tôi thấy tương đối đầy đủ trên báo chí rồi. Sở dĩ tôi mời Anh Khoa là vì chúng ta cần sự thay đổi của nam ca sĩ, và phía Anh Khoa cũng chưa hề lên tiếng trước đó. Còn lại, trung tâm tôi sẵn sàng tư vấn và hỗ trợ cho những phụ nữ đã trải qua cảm giác bị quấy rối tình dục.
- Có những trường hợp bị tố trong phong trào #MeToo ở nước ngoài, chẳng hạn nhà sản xuất người Mỹ Harvey Weinstein, họ phải gánh chịu hậu quả nặng nề sau khi thừa nhận. Phải chăng dư luận ở các nước đó cũng vùi dập và thiếu nhân văn với họ?
- Tôi không nói điều đó là thiếu nhăn văn. Như Harvey Weinstein, ông ấy xứng đáng chịu hậu quả như vậy. Ông ấy là người đã dùng quyền lực để quấy rối và tấn công tình dục nhiều người trong suốt 30 năm, rồi dương dương nghĩ rằng không ai làm gì được ông ấy.
Tôi nghĩ tất cả những trường hợp đó càng được phát hiện và thay đổi sớm thì càng tốt. Đừng để đến khi thủ phạm lớn tuổi như ông ta mới bị tố cáo và vạch trần.
Tố cáo sớm giúp giảm bớt số nạn nhân và thủ phạm cũng bị ngăn chặn từ sớm.
"Phong trào #MeToo ở Việt Nam yếu ớt và lẻ tẻ"
- Là người hoạt động xã hội về quyền phụ nữ và trẻ em gái, chị nhận định phong trào #MeToo ở Việt Nam đang phát triển ra sao so với các nước?
- Nó yếu ớt và lẻ tẻ. Nếu muốn thúc đẩy, cần sự lên tiếng mạnh mẽ của các nạn nhân. Nhưng điều sợ nhất với phong trào #MeToo là bằng chứng yếu hoặc bịa đặt. Nếu như vậy thì rất tệ và làm hỏng phong trào, tạo nên những ấn tượng xấu của dư luận, tạo tiền lệ xấu và khiến người ta mất niềm tin vào tính nhân văn của phong trào.
- Còn tình trạng "đổ lỗi cho nạn nhân" mà các cô gái lên tiếng ở Việt Nam gặp phải?
- Sự chửi bới trên mạng xã hội diễn ra như thế này: người ta chửi bới nạn nhân rồi chửi bới thủ phạm rồi quay lại nạn nhân. Tại sao lại chửi bới khi người ta tố cáo? Đúng hay sai, người đó đều phải chịu trách nhiệm. Tại sao lại nói "vì con bé này ăn mặc như thế, vì nó lẳng lơ" thế là dội bom người tố cáo.
"Người ta chửi bởi nạn nhân rồi chửi bới thủ phạm rồi quay lại nạn nhân". Ảnh: Nguyễn Thành. |
Còn các thủ phạm cũng bị chửi bới. Khi họ xin lỗi, người ta lại nói: "A, thằng đó giả vờ. Không cho phép xin lỗi". Kể cả xử lý pháp luật thì người ta cũng có quyền xin lỗi và lời xin lỗi đó phải được trân trọng chứ. Kể cả những người hiếp dâm, đi tù rồi vẫn còn quyền xin lỗi và phục thiện chứ.
- Sau cuộc trò chuyện chiều nay với Phạm Anh Khoa, chị kỳ vọng kết quả như thế nào?
- Tôi kỳ vọng Phạm Anh Khoa thay đổi và nhận thức được đâu là hành vi được phép và không được phép. Nam ca sĩ không thể hành động theo bản năng, cho đó là chuyện đùa vui, những ngôn ngữ như "Anh đã sờ soạng cơ thể em" là không được.
Tôi kỳ vọng vào sự thay đổi của bản thân nam ca sĩ, lẫn việc Phạm Anh Khoa truyền thông điệp đến các bạn bè trong giới giải trí để cùng có cách cư xử văn minh, tiến bộ, tôn trọng phụ nữ và trẻ em gái.