Sáng 7/6, thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, đọc tờ trình dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi). Dự thảo bổ sung, sửa đổi nhiều quy định liên quan việc tổ chức bộ máy, cấp bậc hàm.
Những trường hợp nào được mang quân hàm cấp tướng?
Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội Khoá XIII, Luật Công an nhân dân năm 2014 được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành kể từ 1/7/2015.
Thượng tướng Tô Lâm. Ảnh: Quân Minh. |
Nêu lý do cần ban hành Luật Công an nhân dân (sửa đổi) lần này, Bộ trưởng Tô Lâm nói luật hiện hành đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc, bất cập về đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong tình hình mới. Việc Bộ Công an đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, không tổ chức cấp Tổng cục, nâng cao chất lượng cấp cục trực thuộc Bộ Công an, sáp nhập Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy với công an tỉnh, xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy... cũng đòi hỏi sửa đổi các quy định chưa phù hợp.
Ngoài ra, Quốc hội đã thông qua nhiều luật, bộ luật có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của công an nhân dân như: Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, Luật cảnh vệ năm 2017… Do đó, cần phải sửa đổi, bổ sung Luật Công an nhân dân năm 2014 bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Dự thảo luật không quy định cứng số lượng các vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng mà chỉ xác định các chức vụ, chức danh có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng để bảo đảm linh hoạt và phù hợp với tổ chức bộ máy mới của Bộ Công an. Theo đó, Bộ trưởng công an được mang quân hàm đại tướng, các thứ trưởng mang quân hàm trung tướng hoặc thượng tướng.
Cục trưởng cục đặc biệt và tương đương, Giám đốc Công an Hà Nội, Giám đốc Công an TP.HCM được mang quân hàm cao nhất là trung tướng. Thiếu tướng gồm các chức danh trợ lý Bộ trưởng Bộ Công an, Cục trưởng và tương đương, Giám đốc công an địa phương là đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I và Phó cục trưởng cục đặc biệt, Phó giám đốc Công an Hà Nội và TP.HCM.
Giám đốc công an tỉnh, các bệnh viện trực thuộc Bộ và Hiệu trưởng các trường trung cấp có cấp bậc hàm cao nhất là đại tá.
Ngoài ra, dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi) cũng sửa đổi quy định về thẩm quyền của Thủ tướng. Theo đó, Thủ tướng sẽ bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Công an, Cục trưởng cục đặc biệt, nâng lương cấp bậc hàm đại tướng, thượng tướng. Còn Bộ trưởng Công an được thêm thẩm quyền nâng lương cấp bậc hàm trung tướng, thiếu tướng.
Dự thảo bổ sung quy định về hạn tuổi phục vụ cao nhất của hạ sĩ quan (45 tuổi), nữ sĩ quan cấp tướng trong công an (60 tuổi), giảm thời hạn công dân thực hiện nghĩa vụ từ 3 năm xuống còn 2 năm, đồng thời kéo dài thời gian phục vụ tại ngũ trong một số trường hợp.
3 loại ý kiến về hàm cấp tướng với giám đốc công an tỉnh
Báo cáo thẩm tra dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt nói cơ quan này tán thành sự cần thiết sửa đổi luật nhưng yêu cầu nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng, bảo đảm tính khả thi ổn định và phát triển trước mắt và lâu dài, bảo đảm sự đồng thuận cao trong xã hội, hạn chế tối đa những tác động bất lợi đối với cán bộ, chiến sĩ công an và công an xã.
Ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội. Ảnh: Quân Minh. |
Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho rằng dự thảo luật đã cơ bản bám sát chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và phù hợp với quy định của Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, một số quy định mới như không quy định cụ thể vị trí và số lượng chức vụ có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng; bổ sung quy định cục đặc biệt để phong hàm trung tướng; bổ sung quy định cấp bậc hàm thiếu tướng đối với giám đốc công an địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I là chưa phù hợp với chỉ đạo của Bộ Chính trị về chủ trương phong, thăng cấp bậc hàm cấp tướng.
“Các nội dung này cần báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, đồng thời đề nghị cần tiếp tục rà soát các quy định liên quan để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và tính khả thi của luật khi được ban hành”, ông Việt nói.
Theo Ủy ban Quốc phòng - An ninh, có 2 ý kiến về quy định vị trí chức vụ có cấp bậc hàm cấp tướng. Nhiều người đề nghị quy định cụ thể ngay trong luật vị trí chức vụ có cấp bậc hàm cấp tướng như luật hiện hành để bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch.
Loại ý kiến thứ hai tán thành quy định như dự thảo luật vì cho rằng phù hợp với yêu cầu đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an, bảo đảm bí mật về tổ chức cũng như để linh hoạt trong thực tiễn. Tuy nhiên, cần bổ sung quy định cụ thể tiêu chí Cục đặc biệt, số lượng vị trí cấp phó có cấp bậc hàm cấp tướng để tránh thực hiện thiếu thống nhất hoặc lạm dụng khi áp dụng điều luật.
Ủy ban Quốc phòng - An ninh nhận thấy quy định cụ thể vị trí chức vụ có cấp bậc hàm cấp tướng như Luật Công an nhân dân hiện hành là phù hợp. Tuy nhiên, vấn đề này đã được Chính phủ cân nhắc kỹ, thể hiện trong dự thảo Luật theo hướng không quy định cụ thể vị trí và số lượng chức vụ có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng nên đề nghị Quốc hội thảo luận, cho ý kiến.
Về quy định Giám đốc công an cấp tỉnh có cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng, có 3 loại ý kiến.
Ông Võ Trọng Việt nói loại ý kiến thứ nhất tán thành với quy định của dự thảo luật vì cho rằng việc quy định Giám đốc công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I có cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng là đúng nhu cầu, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tổ chức công an nhân dân theo hướng “bộ tinh, tỉnh mạnh”.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định tất cả Giám đốc công an cấp tỉnh có cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng vì chức năng, nhiệm vụ của giám đốc công an tỉnh là tương đương, đều thuộc sự chỉ huy, điều hành trực tiếp của lãnh đạo bộ, đồng thời bảo đảm bình đẳng và thuận lợi trong việc xem xét quy hoạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo Bộ Công an.
Loại ý kiến thứ ba không nhất trí như quy định của dự thảo luật với lý do quy định cấp bậc hàm cao nhất của Giám đốc công an cấp tỉnh phải tương đương với chỉ huy cơ quan quân sự cấp tỉnh để bảo đảm tương quan trong hệ thống chính trị và giữa lực lượng. Mặt khác, việc phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I như không căn cứ vào tiêu chí về an ninh, trật tự và quá trình thực hiện, số lượng tỉnh, thành phố được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I có thể sẽ tăng lên dẫn đến tăng số lượng cấp tướng.
Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho rằng đây là vấn đề hệ trọng đã được cấp có thẩm quyền quyết định khi xây dựng Luật Công an nhân dân năm 2014. Nay Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung nội dung như dự thảo Luật nên cần phải nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng.