Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giám đốc Công an Hà Nội trả lời chất vấn về vi phạm của Mường Thanh

"Tôi khẳng định không có việc củi ướt, củi khô. Cảnh sát luôn tuân thủ pháp luật, khách quan", thiếu tướng Đoàn Duy Khương nói về điều tra vi phạm ở tập đoàn Mường Thanh.

Sáng nay (6/12), bước sang ngày làm việc cuối cùng, HĐND TP Hà Nội dành trọn một ngày để tiến hành tái chất vấn về những vấn đề được cử tri và người dân thủ đô quan tâm.

HĐND TP lựa chọn hai nhóm nội dung chất vấn:

- Nhóm 1: Về quản lý đô thị gồm công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo; công tác bảo đảm trật tự đô thị và việc thu gom xử lý rác thải; công tác bảo đảm an toàn PCCC và quản lý quảng cáo.

- Nhóm 2: Những vấn đề kinh tế gồm hiệu quả thực hiện các chính sách theo Nghị quyết của HĐND về khuyến khích phát triển nông nghiệp; quản lý chợ gắn với hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm.

Ha Noi tai chat van nhieu noi dung nong anh 1
Công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, đảm bảo an toàn PCCC được HĐND Hà Nội quan tâm.

Giám đốc các sở, ngành, quận, huyện TP Hà Nội sẽ trả lời chất vấn của các đại biểu HĐND. 

Cuối phiên, Chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung sẽ giải trình làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu chất vấn.

  • Tiếp tục chất vấn công tác đảm bảo PCCC

    Trong phát biểu khai mạc Kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc đã khẳng định, với quyết tâm sẽ theo đến cùng vấn đề, đồng thời thực hiện "Năm kỷ cương hành chính 2017", HĐND thành phố sẽ tái chất vấn việc thực hiện các kết luận của chủ tọa kỳ họp tại phiên chất vấn tại các kỳ họp thứ hai, thứ ba, thứ tư của HĐND thành phố; việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát, khảo sát của thường trực, các ban HĐND thành phố năm 2016, các kết luận phiên giải trình năm 2017 và các kiến nghị của cử tri.

    HĐND Hà Nội tái chất vấn việc thực hiện kết luận của chủ tọa tại các phiên chất vấn 3 kỳ họp trước (từ kỳ thứ 2 đến thứ 4).

    Cụ thể, ở kỳ họp thứ hai, chủ tọa đã kết luận về nợ đọng thuế phí, tiền sử dụng đất; hỗ trợ doanh nghiệp gắn với cải cách hành chính; công tác phòng cháy chữa cháy; công tác quản lý quy hoạch xây dựng; các vấn đề liên quan đến nước sạch.

    Kỳ họp thứ ba, chủ tọa đã kết luận về phòng cháy chữa cháy; quản lý trật tự đô thị; quản lý giao thông; quản lý đất nông nghiệp, đất công.

    Kỳ họp thứ tư, vệ sinh an toàn thực phẩm; quản lý chợ; trật tự xây dựng và phòng cháy chữa cháy là những vấn đề được chủ tọa kết luận.

     

     

    Cuối phiên, Chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung sẽ giải trình làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu chất vấn.

     

     

  • Ai chịu trách nhiệm việc tồn tại nhà siêu mỏng, siêu méo?

    Đại biểu Đoàn Việt Cường (Mê Linh) cho rằng theo kết luận chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Chủ tọa yêu cầu Sở Xây dựng và Sở TN&MT, phối hợp các quận, huyện, thị xã xử lý dứt điểm công trình siêu méo siêu mỏng tồn đọng và phát sinh mới. Tuy nhiên, báo cáo vẫn còn nhiều quận huyện vẫn còn tồn tại tình trạng này thậm chí còn phát sinh thêm.

    “Đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng, Chủ tịch quận: Cầu Giấy, Đống Đa, Tây Hồ cho biết vì sao chưa xử lý dứt điểm, và trách nhiệm thuộc về ai”, đại biểu Cường đặt câu hỏi.

  • Vi phạm trật tự xây dựng tiếp tục tồn tại?

    Đại biểu Vũ Ngọc Anh (quận Nam Từ Liêm) cho hay thực hiện kết luận chất vấn của chủ tọa tại kỳ họp thứ 2, 3 năm 2016, UBND TP đã giao quận huyện, thị xã, các sở liên quan xử lý nghiêm các tồn đọng trước ngày 30/9/2017 và không để xảy ra các vi phạm mới, nhưng đến nay vẫn còn tồn tại 154 công trình vi phạm của năm 2015, 2016 và 345 công tình mới của năm 2017 chưa được xử lý dứt điểm, tập trung nhiều ở một số địa phương và ở các quận huyện như Sóc Sơn, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng…

    "Vậy các Chủ tịch UBND quận huyện cho biết nguyên nhân tại sao chậm xử lý, trách nhiệm thuộc về ai, biện pháp để xử lý dứt điểm?", đại biểu Vũ Ngọc Anh nói.

    Ha Noi tai chat van nhieu noi dung nong anh 2
    Ảnh: Kinh tế đô thị. 

  • Giám đốc Sở Xây dựng đặt câu hỏi cho Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc

    Trả lời chất vấn của đại biểu về vấn đề nhà siêu mỏng siêu méo, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết nguyên nhân là mở đường qua các khu dân cư, đương nhiên cắt vào nhà dân nên chấp nhận những nhà bị cắt, nhà siêu mỏng siêu méo, những khu đất không đủ tiêu chuẩn xây dựng,những ngôi nhà phản cảm, gây bức xúc.

    Theo ông Dục, Sở Xây dựng đã  phân ra làm 3 nhóm: Thứ nhất, nhóm tồn tại nhiều năm (132 trường hợp tồn tại 13 năm như ở Nguyễn Chí Thanh, Đào Tấn, Văn Cao). Sau khi kiểm tra nhận thấy có nhiều nhà đã sinh sống, kinh doanh đã lâu, kết cấu nhà ở tốt. Nhưng nếu không xử lý thì sẽ trở thành những ngôi nhà siêu mỏng siêu méo treo, không thể thu hồi... Do đó, khiến công tác xử lý gặp nhiều khó khăn, trong năm 2017 chỉ giải quyết được 16 tồn tại.

    Sở Xây dựng Hà Nội đề nghị UBND quận Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa và một số quận, huyện có những trường hợp này tham mưu, phối hợp với các sở, ngành đề nghị UBND TP giữ nguyên hiện trạng tham mưu để giữ lại 54; 32 trường hợp phản cảm như ở Đào Tấn sẽ đề nghị xử lý dứt điểm; 18 trường hợp, các quận, huyện và các sở có thể chỉnh trang.

    Ông Dục cho rằng xử lý vấn đề nhà siêu mỏng, siêu méo là vấn đề cực kỳ phức tạp do liên quan tới nhiều quy định của pháp luật. "Tôi xin hỏi đồng chí Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, liệu khi mở những con đường mới còn xuất hiện tình trạng nhà siêu mỏng siêu méo?", ông Dục đưa vấn đề nóng sang Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội.

    Ha Noi tai chat van nhieu noi dung nong anh 3

  • Vi phạm trật tự xây dựng, thanh tra xây dựng biết hết

    Về câu hỏi của đại biểu Vũ Ngọc Anh, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết dù hy vọng sẽ giải quyết triệt để nhưng trên thực tế những tồn đọng vẫn còn kéo dài, sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, giải pháp quy hoạch cấp phép xây dựng…

    "Đối với 300-400 trường hợp phát sinh mới trong năm 2017 (trong đó có hơn 200 trường hợp đất nông nghiệp), 50% đã có kết luận cưỡng chế thì sẽ kiên quyết thực hiện. Như vậy chúng ta cần giải quyết ngay các trường hợp của 2017 chứ không để đến 2018, phấn đấu nếu có đủ điều kiện thực hiện sẽ giải quyết nốt 345 trường hợp trong năm 2017", Giám đốc Sở Xây dựng cho biết.

    Giám đốc Sở Xây dựng thông tin bên cạnh vi phạm cũ, các địa bàn vẫn để xẩy ra vi phạm mới với gần 2.000 công trình. Hiện các vi phạm mới đều đã có phương án xử lý gửi cho chính quyền địa phương, phấn đấu giải quyết dứt điểm trong năm 2018. “Cứ bảo không biết chứ thanh tra xây dựng biết hết. Tai mắt khắp nơi, nên đã kiểm tra 100% công trình, có ngày giờ, địa điểm kiểm tra để quy trách nhiệm”, ông Lê Văn Dục nói.

    Ha Noi tai chat van nhieu noi dung nong anh 4

  • Đề nghị 'lắp barie ngăn xe máy lên vỉa hè'

     

    Chất vấn về lĩnh vực giao thông, đại biểu Nguyễn Huy Được cho hay ông nhiều lần “giật mình” khi đi bộ trên vỉa hè thì bị xe máy từ đâu phi lên bóp còi inh ỏi.

    Ví von lòng đường như con sông, xe cộ như tàu bè, còn vỉa hè là bờ, nhiều khi người đi bộ đang đi "trên bờ" thì bị xe máy tràn lên như nước vỡ bờ", ông Được nói và đề xuất việc lắp đặt barie trên vỉa hè để ngăn xe máy, tạo điều kiện cho người đi bộ.

    Đại biểu Nguyễn Minh Đức cũng đặt câu hỏi với các cơ quan chức năng khi khi để xảy ra tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè sau chiến dịch ra quân rầm rộ hồi đầu năm; thực trạng nhiều bãi trông giữ xe trên vỉa hè lấn chiếm, thu giá cao hơn quy định.

    Ha Noi tai chat van nhieu noi dung nong anh 5

     


  • Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Vũ Văn Viện cho biết về vấn đề quản lý trật tự hè phố, theo phân cấp của UBND TP thì việc quản lý vỉa hè thuộc quận huyện, việc quản lý lòng đường thuộc Sở GTVT. Sở GTVT cấp các hoạt động trên lòng đường. Cơ sở pháp lý là luật Giao thông đường bộ và thông tư của Bộ Xây dựng về quản lý đường đô thị. Trong đó vỉa hè dành cho người đi bộ, lòng đường dành cho phương tiện giao thông. Tuy nhiên, luật cũng cho phép được sử dụng một phần vỉa hè, lòng đường làm giao thông tĩnh (đỗ xe). 

    Đối với việc cấp phép vỉa hè thì tối thiểu 1,5 m cho người đi bộ. Với tuyến đường 1 chiều phải có diện tích 7,5 m trở lên mới cho đỗ xe, 2 chiều là 10,5 m mới cho đỗ xe 1 bên, với tuyến đường hai chiều lớn hơn 14,5 m mới cho đỗ xe 2 bên. 

    Tuy nhiên việc cấp phép dẫu có đúng quy định nhưng việc thực hiện lại có những bất cập nên xảy ra tình trạng lấn chiếm vỉa hè lòng đường. 

    Qua triển khai sử dụng iParking - ứng dụng đỗ xe điện tử có thể khắc phục tồn tại lấn chiếm diện tích các điểm trông giữ xe (xin phép 100 m, lấn chiếm lên tới 200 m, nhưng khi triển khai iParking thì không thể lấn chiếm). Thứ hai, việc triển khai ứng dụng sẽ quản lý được doanh thu chặt chẽ, không thể lấy quá giá quy định, hoặc không xé vé. 

    Ha Noi tai chat van nhieu noi dung nong anh 6

    Trước đó, đại biểu Nguyễn Thế Vinh (Đống Đa) chất vấn tình trạng các bãi giữ xe trái phép vẫn tồn đọng và chiếm vỉa hè lòng đường, gây mất an toàn giao thông; tình trạng thu vượt phí gửi xem gấp 5-7 lần; còn tình trạng bãi giữ xe mini không có vé, không đúng thể thức, cán bộ giữ xe không mặc đúng đồng phục quy định. "Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm và Đống Đa cho biết về trách nhiệm và phương án giải quyết?", đại biểu chất vấn.

     


  • Từ 1/1/2018 Hà Nội tăng phí trông giữ xe

    Ngay trước phiên chất vấn, chiều 5/12, với 100% đại biểu có mặt nhất trí, HĐND TP Hà Nội thông qua nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung quy định thu phí tạm thời sử dụng lòng đường, hè phố trên địa bàn. Mức phí sẽ tăng khoảng 300% đối với các tuyến cần hạn chế, hầu hết nằm trên 12 tuyến phố thuộc quận Hoàn Kiếm.

    Khu vực trên tăng từ 80.000 lên 240.000 đồng/m2/tháng sử dụng lòng đường trông giữ ôtô; từ 45.000 lên 135.000 đồng/m2/tháng đối với trông giữ xe máy.

    Khu vực từ trung tâm thành phố đến vành đai 3 sẽ được điều chỉnh tăng từ 60.000 lên 150.000 đồng/m2/tháng; giữ nguyên mức phí từ ngoài vành đai 3 đến ngoại thành.

    Mức giá trông giữ phương tiện trên lòng đường, hè phố mới sẽ được tăng lên. Xe máy tăng từ 3.000 lên 5.000 đồng/xe/lượt; ôtô tăng từ 30.000 lên 50.000 đồng/xe/lượt.

    Việc tăng phí cho thuê lòng đường, vỉa hè và tăng giá trông giữ ôtô, xe máy được thực hiện từ ngày 1/1/2018.

  • Đề nghị lùi giờ tan trường để tránh ùn tắc

    Giải trình về vấn đề ách tắc giao thông trên địa bàn, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu cho biết quận có 3 tuyến đường dễ xảy ra ách tắc lớn, đặc biệt vào các giờ cao điểm: đường Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi và Khuất Duy Tiến.

    Theo ông Lưu nguyên nhân ùn tắc do lưu lượng phương tiện giao thông quá lớn, đan xen giữa ôtô, xe máy và phương tiện công cộng. 

    Quận đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, như tuyên truyền trong nhân dân và học sinh; các trường học trên địa bàn cho học sinh nghỉ muộn hơn so với công chức để tránh ùn tắc; phối hợp phân luồng, tổ chức lại một số tuyến thành đường một chiều...

    Ha Noi tai chat van nhieu noi dung nong anh 7

  • Lý do gì công an TP Hà Nội chưa khởi tố những sai phạm tại Mường Thanh?

    Đại biểu Nguyễn Hoài Nam (huyện Thạch Thất) đặt câu hỏi với Giám đốc Công an TP Hà Nội về việc TP đang rất quyết liệt xử lý vi phạm về trật tự xây dựng và vi phạm về an toàn PCCC. Chính vì thế, tại kỳ họp lần trước, các đại biểu đã đặt câu hỏi về sai phạm của doanh nghiệp Xây dựng số 1 Điện Biên đã vi phạm một cách có hệ thống và nghiêm trọng về trật tự xây dựng PCCC.

    Thanh tra TP đã kiến nghị từ tháng 8/2016, gửi cơ quan điều tra Công an TP về để điều tra vụ việc. Đồng chí Giám đốc Công an TP đã hứa báo cáo nhanh Bộ Công an và đồng thời hứa sẽ tiến hành khởi tố sớm.

    Theo quy định của Luật tố tụng, từ khi cơ quan gửi kiến nghị khởi tố tới công an thành phố thì trong vòng 20 ngày (nếu vụ việc phức tạp thì là 2 tháng) phải ra 1 trong 3 quyết định: khởi tố hay không khởi tố hoặc sắp tách nhập. Vậy xin đồng chí Giám đốc Công an TP cho biết vì lý do gì đến giờ phút này, Công an TP Hà Nội chưa khởi tố những vi phạm về PCCC và trật tự xây dựng tại Mường Thanh? Gần đây Sở Cảnh sát PCCC tiếp tục gửi tiếp những vi phạm tại 13 tòa nhà thuộc doanh nghiệp này không thực hiện quy định về PCCC.

    Ha Noi tai chat van nhieu noi dung nong anh 8

    Bổ sung phần chất vấn về việc chưa khởi tố những sai phạm doanh nghiệp Xây dựng số 1 Điện Biên, đại biểu Hoàng Huy Được (Ba Vì) , câu chuyện liên quan tới doanh nghiệp Xây dựng số 1 Điện Biên đã được các đại biểu xới lên từ 2 kỳ họp của HĐND TP Hà Nội.

    "Sự xới lên như thế dẫn tới dư luận trong cử tri mà chúng tôi chẳng biết trả lời thế nào.. Đó là phải chăng "củi này ướt" mà không khởi tố được, không cháy được? Vì vậy dẫn tới lòng tin của cử tri về pháp chế xã hội chủ nghĩa về việc mọi hành vi vi phạm đều phải tuân thủ pháp luật. Đề nghị đồng chí Giám đốc Công an TP cho biết thêm về vấn đề này. 

  • 14h hôm nay, các đại biểu tiếp tục chất vấn trực tiếp tại hội trường, tập trung vào những vấn đề kinh tế gồm hiệu quả thực hiện các chính sách theo Nghị quyết của HĐND về khuyến khích phát triển nông nghiệp; quản lý chợ gắn với hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm.

  • Nhiều tòa nhà của đại gia Thanh Thản chưa đạt chuẩn PCCC

     

    Mở đầu phiên chất vấn buổi chiều, thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Sở PCCC Hà Nội, cho hay liên quan tới nội dung khắc phục các tồn tại về PCCC tại các tòa nhà, các công trình.

    Cụ thể tại 79 công trình vi phạm đã đăng công báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.  Một số công trình cần có thời gian để khắc phục do kinh phí lớn. Cụ thể 39 công trình khắc phục xong các tổn tại và đảm bảo nghiệm thu về PCCC. Còn lại 48 công trình chưa khắc phục xong. (Có 12 công trình thuộc Doanh nghiệp tư nhân số 1 Điện Biên làm chủ đầu tư).

    Việc giải quyết các công trình này, trong thời gian tới 48 công trình đã được phân  loại gồm: 22 công trình có khả năng khắc phục trong thời gian tới và cảnh sát PCCC đã cùng với các đơn vị chức năng, chủ đầu tư tiến hành khắc phục và cố gắng tới cuối năm 2017 và quý I năm 2018 sẽ khắc phục xong.

    Với 26 công trình khó có khẳ năng khắc phục, UBND TP đã có chỉ đạo và thành lập tổ liên ngành để kiểm tra, đánh giá. Một số công trình vượt qua thẩm quyền của TP thì sẽ báo cáo Bộ Xây dựng, Bộ Công an. 

     

    Ha Noi tai chat van nhieu noi dung nong anh 9

  • Chưa khởi tố vụ án vì chưa nhận được kết quả giám định

     

    Trả lời chất vấn của các đại biểu liên quan tới việc chậm trễ khởi tố vụ án liên quan tới các vi phạm trong trật tự xây dựng và PCCC tại các công trình thuộc doanh nghiệp Xây dựng số 1 Điện Biên, thiếu tướng Đoàn Duy Khương - Giám đốc Công an TP Hà Nội thông tin: Về ý kiến chất vấn của đại biểu Nam và đại biểu Được liên quan tới vụ việc xảy ra tại doanh nghiệp tư nhân số 1 Điện Biên. Thưa, đại biểu và cử tri TP, ngày 29/11/2016, công an TP chính thức nhận được hồ sơ của thanh tra TP chuyển theo chỉ đạo của Chủ tịch CA TP, cùng ngày trưởng phòng cs điều tra công an thành phố đã phân công điều tra viên điều tra theo trình tự, thủ tục của pháp luật.

    Đúng là đại biểu Nam, đại biểu Được đặt vấn đề là thời gian xác minh để khởi tố vụ án là 20 ngày theo Luật tố tụng hình sự. Nhưng 20 ngày là đối với các vụ việc đơn giản, không phức tạp. Đối với các vụ việc phức tạp là không quá 2 tháng. Xin báo cáo để đại biểu và cử tri rõ thêm.

    Ha Noi tai chat van nhieu noi dung nong anh 10

    Tuy nhiên đây là vụ việc xảy ra ở công ty có nhiều tình tiết, có nhiều nội dung để tập trung lực lượng, biện pháp để xác minh, điều tra, làm rõ. Chúng tôi đã xác minh, trao đổi với Viện Kiểm sát TP để thu thập, giám sát chứng cứ. Trong đó có nội dung cần giám định thiệt hại. Chúng tôi đã có đề xuất với Sở Tài chính – cơ quan chuyên môn đánh giá các thiệt hại. Cho đến giờ chúng tôi vẫn chưa nhận được kết quả giám định này. Vì vậy, chúng tôi chưa có cơ sở khởi tố vụ án những sai phạm tại Mường Thanh.

    Tôi cũng nói thêm, tuy đây là doanh nghiệp tư nhân, nhưng cũng là doanh nghiệp lớn với hơn 20.000 người lao động. Vì vậy, việc điều tra xác minh với tinh thần, tích cực, khẩn trương nhưng phải thận trọng vì quá trình xử lý sẽ tác động tới khách hàng và người dân đang ở chung cư này. Hai nữa là ảnh hưởng đời sống của người lao động đang ở công ty này. Chính vì vậy, chúng tôi thường xuyên báo cáo các cấp có thẩm quyền và đề nghị 3 ngành tư pháp Trung ương họp và nghe cơ quan cảnh sát điều tra, thanh tra thành phố báo cáo để trước khi khởi tố vụ án.

    Chúng tôi xin báo cáo để đại biểu Nam, đại biểu Được nắm được. Tôi khẳng định không có việc củi ướt, củi khô. Chắc đại biểu Được là luật sư nên đang hình tượng hóa vấn đề. Còn cơ quan cảnh sát điều tra luôn tuân thủ pháp luật, thận trọng, khách quan. 


     
     

     




Nhóm phóng viên

Bạn có thể quan tâm