Chiều 5/5, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 trong điều kiện vẫn bảo đảm giãn cách theo quy định phòng chống dịch Covid-19.
Dự họp còn có Thứ trưởng Bộ TTTT Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng…
Câu kết, thông đồng nâng khống giá máy xét nghiệm Covid-19
Trả lời câu hỏi của Zing về vụ việc xảy ra tại CDC Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết ngày 22/4, cơ quan CSĐT đã khởi tố vụ án hình sự về Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại CDC Hà Nội, đồng thời khởi tố 7 bị can, bắt 6 bị can, 1 bị can được tại ngoại.
Theo ông Quang, bước đầu công an xác định các bị can cùng các công ty đã câu kết, thông đồng, nâng khống giá máy xét nghiệm Covid-19 lên gấp 3 lần.
“Các đối tượng đã khai nhận hành vi phạm tội, tự nguyện khắc phục hậu quả và nộp lại số tiền”, trung tướng Lương Tam Quang nói.
Qua nắm tình hình ở các địa phương, Bộ Công an đã tham mưu cho Thủ tướng, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương có báo cáo về việc mua sắm trang thiết bị y tế phòng, chống dịch; đồng thời, thanh tra các gói thầu mua sắm thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, nhất là mua sắm máy thở…
“Khi thanh tra Bộ Y tế hoặc thanh tra các tỉnh thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chúng tôi sẽ tiếp nhận, xử lý theo quy định”, Thứ trưởng Bộ Công an nói.
"Nón che giọt bắn là sáng tạo của các địa phương"
Trả lời câu hỏi của Zing về việc học sinh phải đeo khẩu trang, nón che giọt bắn ở trường, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết theo báo cáo, đã có 3 đợt tổ chức cho học sinh đi học trở lại, nhưng chủ yếu vẫn là học sinh THPT và THCS. Tỷ lệ học sinh đi học rất cao.
Ảnh: Việt Linh. |
Quan điểm của Bộ GD&ĐT là “đã đi học phải an toàn”, mà an toàn phải căn cứ vào đánh giá của cơ quan chuyên môn. Bộ Y tế đã có văn bản gửi Bộ Giáo dục, Bộ Giáo dục dựa vào khuyến cáo này xây dựng tiêu chí đánh giá của nhà trường an toàn, trong đó có một số tiêu chí cứng như: Giữ khoảng cách; đeo khẩu trang; rửa tay; khử khuẩn nhà trường…
“Nhưng không có tiêu chí nào là phải đeo nón chống giọt bắn, đây là sự sáng tạo của các địa phương”, ông Độ nói và nói nên làm theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Bộ Y tế chưa khuyến cáo thì địa phương nên cân nhắc để đưa ra khuyến cáo cho phù hợp.
"Kinh tế Việt Nam chưa thể mở hoàn toàn như trước đây"
Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Quốc Phương cho biết hiện dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại trên 200 nước. Nền kinh tế Việt Nam với độ mở rất cao nên chưa thể mở hoàn toàn như trước đây.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương. Ảnh: Hoài Vũ. |
Ông nhấn mạnh trạng thái bình thường mới sẽ được cân nhắc trong xây dựng kịch bản phát triển kinh tế khi Covid-19 vẫn còn tồn tại. Các chính sách đề ra phải đạt được 2 mục tiêu, vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế.
Ông Phương nêu ví dụ chính sách vận tải hàng không mới mở nội địa. Nếu mở các chuyến bay quốc tế đến Việt Nam phải thực hiện quy định về cách ly. Việc đảm bảo an toàn này lại hạn chế kinh doanh hàng không chưa thể nhộn nhịp như trước đây.
Trong tương lai khi dịch kết thúc trên thế giới, Chính phủ sẽ tiến hành các chính sách đón đầu cơ hội.
Vì sao ngân hàng không hạ chuẩn cho vay khi doanh nghiệp khó khăn?
Trả lời câu hỏi này, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho rằng tổ chức tín dụng cũng là doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp và người dân đình trệ sản xuất kinh doanh, gây ảnh hưởng tình hình tài chính của tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, ngân hàng cũng là trung gian tài chính, nhận tiền gửi và cho vay lại. Khi khách không có nguồn thu thì ảnh hưởng tình hình trả nợ, làm gia tăng nợ xấu.
Bà Hồng nhấn mạnh, nhiệm vụ của các tổ chức tín dụng là vừa giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, vừa đảm bảo hoạt động của bản thân mình. Do đó, việc hạ chuẩn cho vay khiến tổ chức tín dụng đối mặt nguy cơ bất ổn trở lại như trước đây.
“Hệ thống ngân hàng bị ảnh hưởng sẽ gây hệ lụy cho nền kinh tế và ổn kinh tế vĩ mô”, bà nói.
Dẫn đề xuất phương án hạ chuẩn cho vay bằng việc thúc đẩy bảo lãnh của Chính phủ của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, Phó thống đốc cho biết những đề xuất này sẽ được Chính phủ xem xét.
Có khuất tất trong việc nhập khẩu thịt lợn hay không?
Phóng viên đặt câu hỏi về việc có hay không sự khuất tất trong việc nhập khẩu thịt lợn, trong khi giá thịt lợn trong nước vẫn ở mức rất cao. Đại diện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) không có mặt để trả lời.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết cơ chế quản lý giá thịt lợn theo cơ chế thị trường, phụ thuộc cung - cầu. Khi giá thịt lợn tăng cao ảnh hưởng đến chỉ số vĩ mô là CPI, ảnh hưởng đời sống người dân, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh.
Ông cho biết dịch tả lợn châu Phi ảnh hưởng rất lớn đến tổng đàn lợn trên toàn quốc. Nhiều tỉnh chưa công bố hết dịch nên nhiều nơi chưa tái đàn. Nhiều gia đình cũng gặp khó khăn về nguồn vốn để tái đàn, có nơi con giống lên tới 2-3 triệu đồng/con. Đàn lợn 2019 giảm 21% so với 2018.
Việt Nam hiện nhập khẩu thịt lợn chủ yếu từ những nước có nền nông nghiệp phát triển như Mỹ, Canada. Ảnh minh họa: Reuters. |
Theo báo cáo của một số địa phương, đàn lợn có thể đã giảm 50%. Một số doanh nghiệp lớn chiếm 35% thị phần, 65% còn lại thuộc về các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Ông Hải cho biết chỉ có 2 cách khắc phục là tái đàn và tăng cường nhập khẩu. Tuy nhiên, tái đàn thì không thể trong một thời gian ngắn mới có thể hoàn thành.
Theo dự báo, cuối năm 2020, đàn lợn mới quay lại mức trước khi dịch tả lợn châu Phi diễn ra. Việc nhập khẩu thịt lợn đến hết tháng 4, số lượng mới chỉ đạt 45.000 tấn, so với yêu cầu 100.000 tấn. Hiện, Thủ tướng đã giao Bộ NNPTNT tập trung tái đàn và phối hợp các ngành khác là tăng cường nhập khẩu thịt lợn.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Quốc Phương cho biết người tiêu dùng Việt Nam không quen dùng lợn nhập khẩu, do đó doanh nghiệp dè dặt nhập về.
"Đây là khó khăn cản trở trực tiếp đến việc nhập khẩu hiện tại", ông Phương nói.
Khởi động lại nền kinh tế một cách nhanh nhất
Phát biểu mở đầu cuộc họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết sau 2 tháng cuộc họp báo Chính phủ mới được tổ chức vì phải thực hiện cách ly xã hội. Ông cho biết cùng ngày, Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ đầu tiên trong giai đoạn bình thường mới, được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ảnh: VGP. |
Trong 3 tháng qua, người phát ngôn Chính phủ cho biết cả hệ thống tập trung chống dịch. Quan điểm xuyên suốt của Thủ tướng là chống dịch như chống giặc, lấy phòng dịch là ưu tiên, khóa chặt nguy cơ lây nhiễm từ bên ngoài, khoanh vùng dập dịch hiệu quả, chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để bảo vệ sức khỏe người dân. Đến nay đã cơ bản khống chế được dịch bệnh, gần 20 ngày không phát sinh ca nhiễm ngoài cộng đồng, chưa có trường hợp tử vong vì dịch.
“Thắng lợi đến thời điểm này rất quan trọng, khẳng định ý chí quyết tâm, thống nhất của toàn Đảng, toàn quân và nhân dân cả nước”, người phát ngôn Chính phủ nhấn mạnh. Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến kinh tế xã hội tháng 4 của Việt Nam, đặc biệt trong 3 tuần giãn cách xã hội.
Nhắc đến nhiệm vụ thời gian tới, người phát ngôn Chính phủ dẫn lời Thủ tướng khi phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ là phải quyết tâm khởi động lại nền kinh tế một cách nhanh nhất, sớm đưa nền kinh tế phát triển bình thường, dù có rất nhiều khó khăn.
“Chúng ta phải có quyết tâm cao thực hiện các mục tiêu, từ cải cách thế chế, đến thực thi các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động”, ông Dũng nói.
Trong phòng chống đại dịch, ông Dũng cho biết Thủ tướng đã dự nhiều hội nghị cấp cao, qua đó các nước đều đánh giá cao thành công của Việt Nam trong phòng chống dịch. Vì ở vị trí của Việt Nam, nguy cơ lây nhiễm là rất lớn, cộng với nền kinh tế có độ mở cao, nhiều khách du lịch, đầu tư… Việt Nam chủ động từ đầu, đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt nên uy tín, lòng tin của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế được nâng lên. Ngày 9/5 Thủ tướng sẽ gặp mặt toàn bộ các doanh nghiệp của cả nước nhằm tháo gỡ khó khăn, động viên doanh nghiệp, tạo ra không khí, niềm tin và quyết tâm bứt phá.
“Khi có lòng tin, có được sự tin cậy của các nước trước kết quả phòng, chống dịch của Việt Nam, chúng ta phải sẵn sàng các điều kiện để đón các làn sóng đầu tư”, ông Dũng nói.
Người phát ngôn Chính phủ khẳng định tiếng nói của tất cả cá nhân, tổ chức trong xã hội đều được lắng nghe, để từ đó tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, khởi động lại nền kinh tế sau đại dịch.
Zing đặt 3 câu hỏi trong cuộc họp báo:
1. Đề nghị Bộ Công an thông tin thêm về sai phạm xảy ra tại CDC Hà Nội trong việc nâng khống giá máy xét nghiệm Covid-19. Cụ thể, đơn vị này đã mua bao nhiêu máy xét nghiệm, hưởng số tiền chênh lệch là bao nhiêu? Sau sự việc này, hàng loạt tỉnh bắt đầu công bố giảm giá máy xét nghiệm, cho thấy dấu hiệu bất bình thường. Ngoài Hà Nội, Bộ Công an có kế hoạch mở rộng điều tra ra các địa phương khác trong việc mua sắm thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19 hay không?
2. Trong kịch bản phục hồi kinh tế mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang được Chính phủ giao xây dựng, dự kiến mở cửa ngành nào trước và lộ trình ra sao? Ngoài ra, trạng thái kinh tế mới trong giai đoạn dịch hiện tại được vận hành như thế nào?
3. Vừa qua, nhiều địa phương đồng loạt cho học sinh đi học trở lại sau dịch. Nhưng việc các trường cho học sinh đeo khẩu trang, nón che giọt bắn, không bật điều hòa trong lớp học khi thời tiết đang rất nóng… khiến nhiều phụ huynh lo lắng cho sức khỏe con em mình. Đặc biệt, một số bác sĩ khuyến cáo việc học sinh đội mũ có tấm chắn là không cần thiết, có thể khiến học sinh mỏi mắt, bị cận thị. Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá và tiếp thu thế nào về những ý kiến này?
Yêu cầu đạt tăng trưởng GDP cao hơn dự báo của IMF
Theo đánh giá của Chính phủ tại phiên họp cùng ngày, đại dịch Covid-19 ở Việt Nam đến nay cơ bản được kiểm soát khi Chính phủ triển khai các biện pháp mạnh để tận dụng “thời gian vàng” chống dịch và chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế ngắn hạn.
Nhưng đại dịch đã ảnh hưởng lớn đến kinh tế Việt Nam trong tháng 4/2020. Theo số liệu của ngành thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4 giảm 10,5% so với cùng kỳ; chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 4 tháng chỉ tăng 1,8%, mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua.
Hoạt động mua sắm hàng hóa, chi tiêu của người tiêu dùng giảm mạnh, nhiều cơ sở lưu trú, ăn uống, lữ hành phải tạm đóng cửa; 4 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giảm 4,3% (riêng tháng 4 giảm 26%).
4 tháng đầu năm, cả nước có 37.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 13,2% và giảm 17,9% vốn đăng ký, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 22.700 doanh nghiệp, tăng 33,6%.
Trong bối cảnh đã kiểm soát được dịch bệnh (19 ngày không có ca nhiễm mới trong cộng đồng), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, đời sống, tăng trưởng.
Theo đó, phải sớm phục hồi phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội bởi đây là yêu cầu cấp thiết của nền kinh tế, của cộng đồng và nhân dân cả nước.
Người đứng đầu Chính phủ quán triệt làm sao tăng trưởng đạt được mục tiêu cần thiết. Dẫn lại dự báo của IMF về tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay (cao nhất Đông Nam Á, khoảng 2,7%), Thủ tướng cho rằng chúng ta phải đạt cao hơn mức này, không được để tăng trưởng thấp.
Theo ông, có tăng trưởng mới giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội tốt nhất. Cùng với nhiệm vụ đó, phải kiểm soát được lạm phát dưới ngưỡng 4%.