"Hôm qua, bệnh viện đã phát hiện 26 người dương tính với SARS-CoV-2 qua sàng lọc tại khoa Cấp cứu. Chúng tôi quyết định tạm thời ngưng tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu đến khi tất cả đảm bảo an toàn", PGS.TS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, nói.
Không riêng Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, mỗi ngày, thành phố phát hiện hơn 100 F0 qua sàng lọc tại các cơ sở y tế. Điều này đặt ra thách thức trong công tác sàng lọc và hoạt động chuyên môn của bệnh viện.
Đêm không ngủ ở phòng cấp cứu
Đêm 20/7, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM tiếp nhận tổng cộng 62 bệnh nhân cần cấp cứu khẩn cấp. Sau khi sàng lọc và thực hiện xét nghiệm, đơn vị này phát hiện 26 mẫu dương tính với SARS-CoV-2.
"Tỷ lệ phát hiện tương đương khoảng 35%, gần như cao nhất trong những lần chúng tôi tầm soát và phát hiện bệnh nhân dương tính qua xét nghiệm sàng lọc", thạc sĩ Âu Thanh Tùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, chia sẻ.
PGS.TS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM. Ảnh: UMC. |
Theo bác sĩ Tùng, trong vòng khoảng 5 ngày gần đây, mỗi ngày, bệnh viện phát hiện khoảng trên 20 bệnh nhân dương tính qua xét nghiệm sàng lọc.
Ngay trong đêm, phòng Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM gần như không ngủ. PGS.TS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện, lập tức chỉ đạo siết chặt toàn bộ khoa, phòng và xin phép Sở Y tế TP.HCM tạm ngưng tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu từ 23h.
"Trường hợp có bệnh nhân đến cấp cứu, bệnh viện sẽ phân loại và liên hệ Trung cấp cứu 115 để điều chuyển đến các cơ sở y tế khác. Trường hợp cấp cứu khẩn cấp, chúng tôi sử dụng phòng cấp cứu dã chiến, sẵn sàng can thiệp để cứu người bệnh trước tiên", PGS Bắc nói.
Mô hình "bệnh viện trong bệnh viện"
Hiện tại, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM không thuộc danh sách các đơn vị điều trị Covid-19. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết bệnh viện đều tách đôi để vừa đảm bảo điều trị bệnh nhân nội trú, vừa sẵn sàng tiếp nhận F0.
Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM từng phải tạm ngưng nhận bệnh nhân trong 5 ngày, từ 16/6 sau khi phát hiện F0. Ảnh: Chí Hùng. |
Trong bối cảnh chưa chuyển bệnh nhân đi được, bệnh viện đã trưng dụng một tòa nhà thành khu điều trị Covid-19. Các F0 được cách ly tạm thời để chăm sóc, điều trị trong lúc chờ được chuyển viện.
"Chúng tôi chưa được phân công điều trị Covid-19. Hiện tại, 31 F0 đang được điều trị tại đây, trong đó có 6 bệnh nhân được thở máy, 10 người thở oxy. Ngoài các, các loại máy thở, máy oxy dòng cao cũng được trang bị đầy đủ", PGS Nguyễn Hoàng Bắc cho biết.
Trong đợt bùng phát dịch Covid-19, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM phát hiện 6 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 liên quan, trong đó có 4 nhân viên và 2 người làm nghề cung cấp dịch vụ trong bệnh viện.
Theo PGS Bắc, trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng như hiện nay, tình hình lây nhiễm trong cộng đồng rất lớn. "Tôi nhiều lần trấn an và động viên tinh thần của đồng nghiệp. Trong tình hình này, bệnh viện vẫn là nơi an toàn", ông nói.
Bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM trước giờ chi viện bệnh viện dã chiến. Ảnh: Nam Phương. |
PGS Nguyễn Hoàng Bắc cho biết bệnh viện đã huy động 300 nhân sự tham gia 8 bệnh viện dã chiến và bệnh viện điều trị Covid-19, 15 đội tiêm vaccine cộng đồng, mỗi đội gồm 2 bác sĩ và 3 điều dưỡng. Các lực lượng còn lại làm nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm ngoài cộng đồng, khám sàng lọc, điều trị Covid-19, xét nghiệm.
Hiện tại, lượng bệnh nhân tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đã giảm còn khoảng 40% so với bình thường. Bệnh viện duy trì nhân sự đảm bảo 50% để phục vụ công tác chuyên môn, điều trị.
"Thời điểm khó khăn nhất, khoảng 300 nhân viên phải cách ly, 4 khoa phòng phải cách ly cục bộ. Có những người vừa được ra viện thì đúng ngày bệnh viện có F0, phải tiếp tục cách ly", lãnh đạo Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM nói.
Để trấn an tinh thần và hỗ trợ nhân viên, bệnh viện trong thời gian tạm cách ly, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM hỗ trợ các suất ăn miễn phí, không thu tiền giường cho bệnh nhân và người nhà.
"Đào tạo, giảng dạy và nghiên cứu có thể nói là đặc sản của Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM. Do đó, nhiều cán bộ, nhân viên y tế trong thời gian cách ly lại tập trung là nghiên cứu khoa học, đọc sách. Nhiều bạn trẻ khác đặt mục tiêu rèn luyện sức khỏe, thể thao, yoga. Nhiều người nửa đùa, nửa thật nói với tôi đây mới thực sự là thời gian các bạn làm việc nhiều hơn", PGS Bắc nói.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.