Một ngày đầu tháng 7 tại sông Hồng chảy qua địa phận huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình xảy ra vụ tai nạn đuối nước đau lòng.
Cháu P.N.H. (13 tuổi, học sinh trường THCS Bách Thuận, xã Bách Thuận, huyện Vũ Thư) đi theo bà nội ra khu vườn ngay sát bờ sông bắt cáy. Khi hai bà cháu đang lúi húi bắt cáy, cháu H. bất ngờ trượt chân rơi xuống sông.
Lương tâm thôi thúc
Nhận được điện thoại cầu cứu của người thân nạn nhân và lực lượng công an, anh Nhâm Quang Văn ở thôn Bắc Sơn, xã Tự Tân, huyện Vũ Thư lập tức huy động đội của mình tới hiện trường phối hợp tìm kiếm thi thể cháu H..
Dưới ánh nắng mặt trời như thiêu đốt, trên chiếc cano cứu hộ, các thành viên trong tổ cứu nạn của anh Văn người nào người nấy mặt mũi đỏ gay.
Uống vội chai nước lọc cho đỡ khát, họ lại dõi mắt xuống mặt sông khi chiếc cano đang quần thảo. Dù mệt mỏi, mỗi lần ghé qua bờ sông định nghỉ ngơi, nghe tiếng khóc xé lòng của người thân nạn nhân, họ lại lao ra dòng nước với hy vọng tìm thấy nạn nhân sớm nhất.
Sau nhiều giờ tìm kiếm, cuối cùng thi thể của cháu H. cũng được lực lượng cứu hộ tìm thấy, bàn giao cho gia đình để lo hậu sự.
Anh Văn trong đợt tìm người đuối nước ở cầu Lạc Quần, Nam Định đầu năm 2022 |
Khi anh Văn cùng cộng sự chuẩn bị ra về, gia đình nạn nhân ngỏ ý bồi dưỡng một khoản tiền công, anh bèn nói: “Chúng tôi tự nguyện tìm kiếm người đuối nước bằng cái tâm của mình, chưa bao giờ lấy tiền của ai”.
Suốt 3 năm qua, anh Văn và cộng sự làm công việc mà ban đầu, người thân, hàng xóm của anh đều bảo “bị hâm”, “làm màu”, “ôm rơm rặm bụng”… Nhưng với anh Văn và những người bạn đồng hành, các anh làm vì “cảm thấy lương tâm thôi thúc, làm được thì thanh thản”.
Duyên tiền định
Chia sẻ về quyết định rời ghế giám đốc để sắm cano, rong ruổi khắp các tuyến sông từ Thái Bình tới Nam Định, Hải Phòng, Hà Nam, Quảng Ninh, Thanh Hóa… tìm kiếm thi thể người đuối nước, anh Văn chỉ có thể lý giải ngắn gọn “đó là cái duyên tiền định”.
Anh Văn là người con duy nhất trong gia đình ở Thái Bình. Lớn lên, anh lấy vợ, sinh được 3 người con, cuộc sống yên bình, hạnh phúc. Vốn có đầu óc kinh doanh, anh lập công ty, là giám đốc một công ty vận tải chuyên cung cấp xe cẩu hàng hóa, lắp dựng các nhà máy và cứu nạn giao thông đường bộ với thu nhập khá cao.
Bước ngoặt cuộc đời của người giám đốc trẻ ấy xuất phát từ một biến cố khi anh đứng trước lằn ranh sinh tử.
Là giám đốc một đơn vị cứu hộ giao thông tại tỉnh Thái Bình, khoảng tháng 4/2015, anh Văn cùng nhóm nhân viên đang trên sà lan ra biển (huyện Tiền Hải, Thái Bình) lắp đặt đường ống dẫn khí.
Khi di chuyển cách bờ khoảng 5 km thì bất ngờ xuất hiện những cột sóng lớn nhấn chìm toàn bộ sà lan cùng thiết bị của anh. Lúc này, anh đã xác định không có cơ hội trở về.
Anh Văn nhớ lại: “Hôm ấy tôi mang theo 3,5 tỷ đồng tiền mặt để trả lương cho các anh em công nhân và thanh toán công nợ. Khi sà lan chìm xuống, tiền bị sóng tạt, nổi xanh ngắt một màu, lềnh bềnh trên mặt biển. Những người đánh cá tranh nhau vớt nhưng họ nhất định không cứu người, bởi họ quan niệm “cứu người đuối nước là cướp miếng cơm của hà bá”.
Bất ngờ, sau nhiều giờ vật lộn với những cơn sóng dữ, có 1 chiếc tàu dừng lại cứu cả đoàn thoát nạn. Thời khắc đối diện lằn ranh sinh tử ấy, tôi thấy cứu người mới là quan trọng và tôi quyết định thành lập Đội tìm kiếm cứu hộ cứu nạn đường thủy 0 đồng, như một cách trả nợ đời”.
Như trả nợ đời
39 tuổi, dáng người chắc nịch và ánh mắt cương trực, anh Văn chia sẻ thêm: “Thật ra nói tôi bỏ tất cả để đi cứu nạn thì chưa đúng. Công ty của tôi vẫn hoạt động bình thường, nếu không tôi lấy đâu ra tiền để đi cứu nạn 0 đồng. Tôi giao lại công ty cho người thân điều hành để mình chuyên tâm làm việc cứu nạn, còn thu nhập của mình ở công ty vẫn đều đặn.
Mỗi chuyến cứu nạn tốn trung bình khoảng 10 triệu đồng, có những chuyến đi xa tốn tới 20-30 triệu tiền dầu chạy cano, tiền ăn uống, sinh hoạt trong khi chúng tôi không lấy tiền gia đình người bị nạn”.
Điều anh Văn yên tâm và tự hào nhất là người vợ hiền luôn hết lòng ủng hộ anh, dù những người thân quen khác đa phần đều phản đối.
“Nhiều người nói chồng tôi khùng, rảnh rỗi, thừa tiền, người khác thấy xác chết thì chạy còn mình lao vào. Biết không thể cản, tôi chỉ dặn chồng giữ gìn sức khỏe, đừng để gặp nguy hiểm”, chị Hoàng Thị Oanh, vợ anh Văn, nói.
Nhiều lần cứu hộ, cứu nạn khắp nơi nhưng với anh Văn, lần cứu nạn những nạn nhân lũ lụt miền Trung năm 2020 luôn khiến anh nhớ mãi.
Tháng 10/2020, cơn bão số 9 đổ bộ vào các tỉnh miền Trung với sức tàn phá khốc liệt. Anh Văn thành lập đội cứu hộ 0 đồng, bản thân anh bỏ ra hơn 1 tỷ đồng cùng bạn bè, đồng nghiệp hỗ trợ vận chuyển hơn 100 cano, 60 xe cứu hộ và nhu yếu phẩm từ miền Bắc chi viện cho miền Trung.
Gần một tháng sống cảnh màn trời, chiếu đất, anh đã thấm thía hơn bao giờ hết về sự cho đi: “Giữa mênh mông biển nước, những bàn tay chới với xin cứu đói của người dân khiến tôi vô cùng xót xa”.
Không chỉ dừng lại ở đó, trong lúc làm công tác tìm người, nếu gia đình họ quá khó khăn, anh Văn sẽ đăng thông tin lên mạng xã hội Facebook kêu gọi sự giúp đỡ từ những tấm lòng hảo tâm.
“Tôi nhớ lần tìm thi thể một nam sinh viên đại học bị sẩy chân chết đuối, hoàn cảnh nạn nhân bi đát, ba mất, mẹ làm lao công, em gái bé dại. Vậy là sau một đêm, tôi đã kêu gọi được 130 triệu giúp gia đình” , anh Văn nhớ lại.
Có sự hậu thuẫn từ công ty, gia đình nhưng bài toán kinh phí nhiều lúc vẫn khiến anh Văn đau đầu. Tất cả tài sản để trục vớt người bị nạn cũng như chi phí xăng dầu, ăn uống trong quá trình tìm người đều một mình anh Văn lo liệu. Những nhân viên của anh, ai tham gia đội tìm kiếm cũng được anh trả công như ngày lao động. Mọi chi phí của đội anh sẽ lo hết.
“Đội làm việc không giới hạn địa lý. Ở đâu cần là chúng tôi có mặt. Trên các con sông từ các tỉnh như: Nam Định, Hải Phòng, Hà Nam, Quảng Ninh… hay bất cứ đâu, khi có người cần giúp là chúng tôi lên đường. Vậy mà, cũng có ngày không tìm thấy được nạn nhân”, anh Văn thở dài khi nhớ lại cái chết thương tâm của hai mẹ con bị lật đò trên Sông Gâm, tỉnh Tuyên Quang, xảy ra vào hồi tháng 3/2022.
Nhận được cuộc gọi cầu cứu từ gia đình nạn nhân nhưng anh Văn không thể xuất quân, bởi so với những con sóng gầm gào trên sông Gâm, chiếc cano của anh không sao chịu được.
Từ dạo đó, anh suy nghĩ sẽ nâng cấp chiếc cano của mình để không phải ngần ngại trước những con sông lớn. Để có thêm kinh phí, nhiều lần anh đã đăng tải thông tin bán một chiếc sim điện thoại số đẹp của mình với hy vọng được giá tốt để lấy tiền nâng cấp những chiếc cano cứu hộ...
Sau 3 năm làm công việc “không giống ai”, giờ đây việc làm ý nghĩa của anh Văn cùng cộng sự đã được hàng xóm, láng giềng và chính quyền địa phương ghi nhận.
Ông Phạm Quang Tạo, Chủ tịch UBND xã Tự Tân, huyện Vũ Thư, chia sẻ: “Việc làm của anh Văn và nhóm rất ý nghĩa, cần được nhân rộng. Anh ấy thấu hiểu nỗi đau của người thân khi gia đình có người đuối nước. Mọi hoạt động cứu hộ của anh ấy là miễn phí, hướng đến các hoàn cảnh khó khăn cần được giúp đỡ”.