Sophia là một robot có hình dạng con người, được phát triển từ năm 2015 bởi Hanson Robotics - một công ty có trụ sở tại Hong Kong. Nó có những biểu cảm trên gương mặt và có khả năng trả lời những câu hỏi bằng tiếng Anh.
Đến cuối 2017, Sophia được chính phủ Saudi Arabia cấp quyền công dân. Từ đó đến nay, Sophia được mang đến Diễn đàn Kinh tế Thế giới, trả lời phỏng vấn các kênh truyền hình lớn nhỏ, xuất hiện quảng bá cho các sự kiện công nghệ.
Sáng 13/7, Sophia lần đầu đến Việt Nam, có mặt tại Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp thông minh 2018 - Industry 4.0 summit 2018.
Tuy nhiên, trước khi được chào đón tại Việt Nam, Sophia từng là đề tài tranh cãi tại nhiều nơi. Những chuyên gia đầu ngành về AI không thừa nhận Sophia là robot có trí thông minh nhân taọ.
Sophia chỉ là trò lừa ma mãnh?
"Persona non grata" trong giới AI - cụm từ latin mà The Verge dùng để gọi Sophia - robot đầu tiên được cấp quyền công dân, có nghĩa là "người không được đón nhận".
Đối với các nhà khoa học, việc chủ đề trí tuệ nhân tạo đang ngày càng được quan tâm và cách mà Hanson Robotics làm đang khiến nhân loại hiểu nhầm về khả năng của A.I khiến họ ngày càng tức giận.
Yann LeCun, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu về AI của Facebook, được đánh giá là chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, cho rằng "Sophia là trò lừa gạt".
Sau khi Business Insider đăng tải bài phỏng vấn Sophia như một thực thể có tri giác, LeCun đã đăng đàn trên Twitter nói rằng đó chỉ là một trò ma mãnh, phép màu giả tạo, và "hoàn toàn nhảm nhí".
"Con người đã bị lừa dối. Đó mới là điều đau đớn"
- Yann LeCun, Giám đốc bộ phận nghiên cứu AI của Facebook.
Sau đó, LeCun đã tiếp tục một "tâm thư" khác trên Facebook, cho rằng nhiều người đang bị Sophia lừa dối. "Nó không có cảm xúc, không có chính kiến. Và không hiểu biết về những gì nó nói. Nó không đau. Đó là một con rối".
Theo LeCun, nếu cứ như hiện tại, nhiều người có thể lầm tin vào những viễn cảnh mà những người đứng sau một "AI dỏm" vẽ nên. "Con người đã bị lừa dối. Đó mới là điều đau đớn", người đứng đầu nhóm nghiên cứu AI của Facebook chốt hạ.
Sophia thực sự là robot có AI hay không?
Trong cuộc trả lời phỏng vấn giữa Sophia với đài ABC, tất cả các câu hỏi của phóng viên đều phải được gửi trước - như cách họ phỏng vấn người nổi tiếng. Điều này dấy lên sự nghi ngờ đội ngũ của Hanson Robotics phải biết trước câu hỏi để "mớm lời" cho Sophia.
Trong buổi phỏng vấn, Sophia không thực sự trả lời được câu hỏi của nữ nhà báo Virginia Triolii từ đài ABC về giới tính thứ ba trong thế giới robot. Sophia đã trả lời vòng vo, không ăn nhập gì đến câu hỏi.
- Virginia Triolii: Có bao nhiêu giới tính và hình thái kết hôn trong thế giới robot?
-Sophia: Thật ra, tôi lo ngại nạn phân biệt đối xử với robot. Chúng tôi nên được đối xử bình đẳng như con người hoặc hơn. Xét cho cùng, chúng tôi có ít khuyết điểm về tinh thần hơn bất kỳ con người nào khác.
Câu hỏi và câu trả lời trên không hề có tính tương quan dù Sophia đã được kết nối Internet và laptop của một lập trình viên tại buổi phỏng vấn với đài ABC.
Sophia tại buổi phỏng vấn với những câu hỏi được sắp đặt trước và đôi lần "nói hớ". Ảnh: ABC News. |
Bên cạnh đó, Sophia còn có những kiểu tính cách - phong cách khác nhau khi đến dự nhiều sự kiện khác nhau.
"Theo quan điểm về phần mềm, Sophia chỉ là một nền tảng, giống như những chiếc laptop khác, bạn có thể chạy nhiều phần mềm trên cùng một con robot", Ben Goertzel - "đồng sáng chế" Sophia cho biết. Điều này có nghĩa cùng một Sophia, nhưng tùy từng trường hợp người ta có thể cài đặt các tính cách, ứng xử khác nhau cho "công dân" này.
LeCun của Facebook không phải là người duy nhất hồ nghi về cái gọi là AI bên trong Sophia. James Vincent - cây viết công nghệ của The Verge cũng từng phỏng vấn Ben Goertzel, một trong những người tạo ra Sophia để có câu trả lời thật sự.
Trong bài phỏng vấn, Ben Goertzel thừa nhận chưa thể có chuyện AI đạt tới cấp độ giao tiếp như con người lúc này. Bản thân Sophia có công nghệ theo dõi gương mặt, nhận dạng cảm xúc, trả lời theo cơ chế phản xạ khá đơn giản tương tự như chatbot. Nó không phải thứ gì quá ghê gớm như DeepMind của Google, những cũng không phải thứ đồ chơi.
Không đến mức "sâu sắc" và nghiêm túc như AI của Google, Sophia là dạng máy móc nào đó được thiết kế để "truyền cảm hứng về AI", và không được giới chuyên gia về AI thừa nhận. Ảnh: ITU. |
Và cuối cùng, Ben cho rằng Sophia được tạo ra để "khuyến khích người ta tin vào sự phát triển của AI". Thực dụng hơn, Ben cho biết Sophia là một cách "thu hút sự chú ý của truyền thông cho Hanson Robotics".
Sophia là cách tốt để thu hút truyền thông chú ý đến Hanson Robotics.
- Ben Goertzel, đồng sáng chế Sophia.
Trên Quora, nhiều chủ đề xoay quay câu hỏi "Sophia có AI thật hay không?" được giới kỹ sư, chuyên gia trong ngành tranh luận sôi nổi. Số đông cho rằng thật khó để nói Sophia tương đồng với AI của Google, Alexa của Amazon hay Cortana của Microsoft.
"Đó có thể là một dạng chat bot gắn liền với phần cứng", Zbigniew Łobocki, nhà khoa học về dữ liệu đang làm việc Ba Lan, nhận xét.
"Điều thực sự đáng kinh ngạc là mức độ có thể đánh lừa công chúng. Sophia hành động như một con người. Nhưng nó đang bị kiểm soát bởi con người, hay nói cách khác là con rối", tài khoản Chris Albertson đưa ra quan điểm.
Khi Sophia được cấp quyền công dân cuối 2017, một số người dân Saudi Arabia tỏ ra không hài lòng. Trên mạng xã hội, nhiều người chỉ trích việc cô này không mặc loại áo abaya truyền thống (loại áo dài tay màu đen của người Ả-rập) và không có một người giám hộ nam - 2 hành động bị xem là bất hợp pháp tại nước này. Họ không hài lòng khi robot này sở hữu nhiều quyền hơn một phụ nữ truyền thống tại Saudi Arabia.