Theo bác sĩ Sơn, vào khoảng 9h35 ngày 26/1, nhận được tin báo cấp cứu từ người dân, kíp trực cấp cứu gồm y sĩ Nguyễn Thị Hài (kíp trưởng) cùng y tá Vũ Thị Phương (32 tuổi) và lái xe là Đỗ Văn Dũng điều khiển xe cứu thương BKS 16A-0851 đã lên đường sau 2 phút.
Hiện trường vụ TNGT khiến thai phụ 7 tháng tuổi tử vong. |
Chỉ khoảng 7 phút sau, xe cứu thương đã có mặt tại hiện trường vụ tai nạn trên đường Tôn Đức Thắng (Hải Phòng).
Khi kíp trực xuống, nạn nhân được người dân phủ chiếu, kíp cấp cứu định kiểm tra thì một số người dân nói: “Chúng tôi kéo nạn nhân từ trong gầm xe ra, người ta chết rồi, các anh chị kiểm tra làm gì”.
Do vậy kíp trực đã không xử trí theo quy định, cất dụng cụ và lên xe quay về cơ quan để tiếp tục trực cấp cứu.
Theo bác sĩ Sơn, đối chiếu với các quy định của ngành và pháp luật, kíp trực đã không thực hiện đúng quy trình cấp cứu bệnh nhân.
"Dù nạn nhân sống hay chết thì kịp trực phải khám, phân loại, sàng lọc bệnh nhân để có phương án cấp cứu. Nếu bệnh nhân đã chết thì phải để nguyên hiện trường, lập biên bản kiểm thảo tử vong. Sau đó, nếu có người thân của nạn nhân thì thông báo cho họ biết về nguyên nhân tử vong. Nếu không, thì thông báo cho người dân có mặt tại hiện trường hoặc chính quyền địa phương", bác sĩ Sơn cho biết thêm.
Bác sĩ Sơn cho rằng, do các nhân viên cấp cứu tuổi đời, tuổi nghề còn non trẻ, thiếu kinh nghiệm nên đã không kiểm tra tình trạng nạn nhân bị thương, đặc biệt là nạn nhân đang có thai 7 tháng, dẫn đến việc dư luận cho rằng
“Xe cấp cứu đến rồi đi” mà không hành động kiểm tra hay chuyển nạn nhân đi.Sau khi xảy ra sự việc, Ban giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Hải Phòng đã yêu cầu kịp trực báo cáo giải trình về vụ việc.
"Trong những ngày tới, Hội đồng kỷ luật của Trung tâm sẽ tiến hành họp xem xét có hình thức xử lý kỷ luật phù hợp, đúng quy định đối với kịp trực", bác sĩ Sơn thông tin.