Giải thưởng VinFuture chính thức mở cổng nhận đề cử từ 3/2 đến nay, thu hút hơn 500 nhà khoa học, tổ chức toàn cầu đăng ký tham gia tìm kiếm dự án gửi đề cử. Dẫn đầu số lượng đăng ký gửi đề cử là các nhà khoa học châu Á (35,6%%), tiếp đến là Bắc Mỹ (với 32%), châu Âu (21,7%), châu Đại Dương (7,2%), Mỹ Latin và châu Phi (3,5%).
Tỷ lệ đăng ký gửi đề cử giải thưởng VinFuture phân chia theo châu lục. |
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và nhu cầu cấp thiết về an toàn y tế, lĩnh vực nghiên cứu y sinh có số lượng cá nhân/tổ chức đăng ký gửi đề cử lớn nhất, lên đến 29,2%. Lĩnh vực đứng thứ 2 là khoa học hoá học - vật lý (chiếm 23,6%); tiếp đến là môi trường, vật liệu mới và năng lượng tái tạo (chiếm 18,3%); khoa học máy tính, dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, robotics (chiếm 16,3%). Các đăng ký gửi đề cử còn lại đến từ các cá nhân/tổ chức liên quan lĩnh vực liên ngành.
Các nhà khoa học đăng ký tham gia gửi đề cử là các chuyên gia, nhà nghiên cứu, chủ nhân của các giải thưởng khoa học công nghệ quốc tế. Giải thưởng còn có sự tham gia của nhiều trường đại học, viện hàn lâm, viện nghiên cứu, tập đoàn công nghệ, vườn ươm đổi mới sáng tạo… đến từ 36 quốc gia trên thế giới.
Giải thưởng đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các nhà khoa học thuộc nhiều trường đại học top đầu thế giới như Đại học Harvard (Mỹ) - nơi quy tụ nhiều nhà khoa học lớn; Đại học Cambridge và Đại học Oxford - các trường nổi tiếng trong nghiên cứu khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật, với nhiều nhà khoa học được trao giải Nobel; Đại học Tokyo - tổ chức giáo dục đại học top đầu Nhật bản.
Bên cạnh đó, nhiều tổ chức, viện nghiên cứu cũng đánh giá cao giải thưởng VinFuture như Viện Sức khoẻ Quốc gia Mỹ (NIH) - cơ quan đầu não của chính phủ phụ trách sức khỏe cộng đồng, Hiệp hội Max Planck (Đức) - tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ, Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc - một trong những tổ chức khoa học có quy mô lớn toàn cầu.
Hội đồng Giải thưởng VinFuture họp trực tuyến phiên toàn thể lần thứ nhất vào 20/1, thống nhất các đề cử được tìm kiếm trên phạm vi toàn cầu. |
Bà Lê Mai Lan - Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup kiêm Đại diện Uỷ Quyền của Quỹ VinFuture chia sẻ: “VinFuture là giải thưởng mới và là một trong những giải khoa học công nghệ đầu tiên từ Việt Nam. Vì thế chúng tôi vui mừng khi nhận được hơn 500 hồ sơ đăng ký tìm kiếm dự án gửi đề cử từ các tổ chức và cá nhân sau hơn một tháng. Đây là con số cho thấy sự đồng hành, ủng hộ của cộng đồng khoa học thế giới với giải thưởng”.
Ngoài ra, bà Mai Lan cho rằng việc giải thưởng ra mắt vào giai đoạn thế giới phải đối mặt với nhiều thách thức to lớn sẽ tạo thêm động lực để VinFuture tìm kiếm những công trình/nghiên cứu khoa học xứng đáng, có tầm tác động lớn và mang lại lợi ích thiết thực cho nhân loại.
Giải thưởng khoa học toàn cầu VinFuture được sáng lập bởi Chủ tịch Tập đoàn Vingroup - tỷ phú Phạm Nhật Vượng và phu nhân là bà Phạm Thu Hương. Đây là giải thưởng dành cho các nghiên cứu khoa học đột phá, các sáng chế công nghệ được chứng minh có khả năng làm cho cuộc sống của con người trở nên tốt đẹp hơn và cải thiện môi trường sống bền vững cho thế hệ tương lai.
Ngoài giải thưởng chính VinFuture Grand Prize có giá trị lên đến 70 tỷ đồng (tương đương 3 triệu USD), VinFuture còn trao ba giải đặc biệt, mỗi giải trị giá 11,5 tỷ đồng mỗi năm (tương đương 500.000 USD). Giải đặc biệt được trao cho nghiên cứu hoặc sáng chế đến từ nước đang phát triển, các nhà khoa học nữ và cho tác giả của những phát minh tiên phong trong lĩnh vực mới.
Cổng tiếp nhận đề cử Giải thưởng VinFuture năm 2021 trên website www.vinfutureprize.org sẽ đóng vào 7/6. Danh sách những người đạt giải được công bố vào tháng 12 năm nay và lễ trao giải chính thức được tổ chức tại Việt Nam vào tháng 1/2022.
Bình luận