Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giải thưởng Sách Quốc gia được chấm như thế nào?

Để lựa chọn đúng những cuốn sách hay, sách đẹp, hội đồng giám khảo Giải thưởng Sách Quốc gia đã làm việc nghiêm cẩn, chặt chẽ.

Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ nhất được công bố hôm 19/4 là một sự kiện quan trọng của giới xuất bản. Giải thưởng đã tôn vinh 35 cuốn sách ở các hạng mục Sách Hay, Sách Đẹp.

Để lựa chọn được 35 tác phẩm, công trình từ hơn 500 cuốn sách nổi bật do các nhà xuất bản gửi về, các thành viên hội đồng giải thưởng đã có một quá trình làm việc chặt chẽ, tuân thủ đúng quy chế giải thưởng, khách quan, vì một mục đích cao nhất là chọn ra những cuốn sách giá trị cho làng sách.

Giai thuong Sach Quoc gia anh 1
Để chọn ra những cuốn sách hay, sách đẹp mang nhiều giá trị, thành viên hội đồng giải thưởng đã qua quá trình làm việc lâu dài, nghiêm cẩn. 
Giải sách Quốc gia 2018

Quy trình chọn giải chặt chẽ

52 người có chuyên môn trong các lĩnh vực sách khác nhau được mời tham gia làm giám khảo ở các hội đồng sơ khảo và chung khảo. Đây đều là những cá nhân am hiểu về lĩnh vực xuất bản, những giáo sư, tiến sĩ khoa học đầu ngành, các nhà văn, nhà quản lý nghệ thuật nổi tiếng…

Tùy vào chuyên môn mà mỗi thành viên hội đồng được chia về 8 tiểu ban sách khác nhau: Sách Lý luận - chính trị, Khoa học tự nhiên và công nghệ, Khoa học xã hội và nhân văn, Giáo dục - đào tạo, Sách đẹp, Văn học, Văn hóa - nghệ thuật, Thiếu nhi.

Là thành viên tiểu ban sách Văn học, nhà văn Nguyễn Phan Hách cho biết quy trình chấm giải ở tiểu ban này. Ban đầu, thành viên tiểu ban Văn học đọc các cuốn sách gửi tới dự thi, phát hiện ra cuốn nào hay thì để cử.

Sau khi đề cử, mọi thành viên trong tiểu ban thảo luận, rồi quay lại đọc vòng 2, đọc chéo sách của nhau. Nhiều khi ý kiến trong hội đồng trái ngược nhau, xảy ra tranh luận. Để có ý kiến nhất quán, các thành viên trong tiểu ban bỏ phiếu. Sau khi có kết quả bỏ phiếu, lại có khoảng thời gian để các thành viên ngẫm nghĩ lại, rồi mới báo cáo lên hội đồng cấp trên.

“Các năm trước, số lượng sách đạt giải tương đối nhiều, nhưng năm nay mỗi hội đồng có khoảng 3 giải. Số lượng dự thi năm nay vẫn nhiều, mà chọn ít, nên cảm giác khó khăn cho hội đồng chấm giải”, ông Nguyễn Phan Hách nói.

Giai thuong Sach Quoc gia anh 2
Một buổi làm việc của Hội đồng Chung khảo giải thưởng Sách Quốc gia. Ảnh: Việt Hùng

Sau một thời gian dài dành cho các tiểu ban làm việc, Hội nghị công bố kết quả chấm giải vòng sơ khảo diễn ra hôm 22/3, đưa ra những đề cử sáng giá cho giải thưởng.

Tới ngày 30/3, Hội nghị chung khảo Giải thưởng Sách Quốc gia diễn ra. Tại Hội nghị, các thành viên hội đồng Chung khảo đã bỏ phiếu để tìm ra những cuốn sách hay, sách đẹp cho giải thưởng.

Ở những năm trước, chỉ có hội đồng sơ khảo và chung khảo chấm giải, rồi quyết định giải. Năm nay, trên cơ sở tuyển chọn sơ khảo, hội đồng tìm ra những cuốn sách vào chung khảo, rồi có Hội đồng Giải thưởng Sách Quốc gia xét giải.

Hội đồng gồm 22 thành viên, có đại diện Ban Tuyên giáo trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, trưởng các tiểu ban chấm giải chuyên ngành... Hội đồng Sách Quốc gia còn mời những nhà khoa học, những nhà chuyên môn độc lập phản biện lại các cuốn sách được đề cử.

Các cuốn sách từ Hội đồng Chung khảo đưa lên, phải nhận được ít nhất 50% phiếu bầu của Hội đồng Sách Quốc gia mới được giải.

Giải thưởng định hướng giới làm sách

Một quy trình chấm giải qua nhiều vòng, với giám khảo là những người có chuyên môn, lại có những người phản biện chặt chẽ, nên kết quả của Giải thưởng Sách quốc gia được mọi người tin tưởng.

Là một người có 30 năm làm trong ngành xuất bản, từng đứng đầu hai đơn vị lớn là NXB Hội Nhà Văn và NXB Dân Trí, nhà văn Nguyễn Phan Hách bình luận về cách chấm giải: “Tôi nghĩ với cách chọn của giải như này rất có ích cho giới xuất bản, nó hướng cho ta thấy rằng, đấy, một cuốn sách giá trị là như thế đấy”.

Giải thưởng định hướng cho người làm xuất bản đến cái chuẩn. Những cuốn sách được tôn vinh là chuẩn mực cho sách hay, sách đẹp, để người làm sách noi theo cái chuẩn mực đó.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa nói về việc chấm Giải thưởng Sách Là thành viên tiểu ban Sách Thiếu nhi, nhà văn Trần Đăng Khoa ghi nhận sự công tâm, chính xác trong cách làm việc của hội đồng xét giải Sách Quốc gia.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa tham gia hội đồng giám khảo ở tiểu ban sách Thiếu nhi. Theo ông, thời nay sách rất nhiều, vàng thau lẫn lộn, nhiều khi các nhà phê bình sách cũng làm công việc của một nhà quảng cáo, nên người đọc khó mà lựa chọn sách cho chính xác.

“Nhưng giải thưởng thì phải chính xác. Vì ở đây các hội đồng chuyên môn, khoa học đã thẩm định, trao giải chính xác. Điều đó giúp độc giả tuyển chọn sách đúng, giúp bạn bè thế giới, muốn chọn sách Việt Nam, có thể căn cứ giải thưởng này để dịch ra thế giới”, nhà thơ Trần Đăng Khoa nói.

Là chủ tịch hội đồng sách đẹp nhiều năm nay, họa sĩ Trần Khánh Chương nhận định hiện nay sách ra thị trường ồ ạt, nhưng sách đẹp thì không phải cuốn sách nào cũng đạt được.

Ông nói: “Hàng vạn đầu sách được làm ra mỗi năm, nhưng các đơn vị thường chú trọng nội dung, tính chính trị, tư tưởng, phát hành, mà đôi khi còn nhẹ về phần nghệ thuật sách. Sách hay là chưa đủ, mà sách cần phải đẹp nữa”.

Theo họa sĩ Trần Khánh Chương, một cuốn sách đẹp không chỉ có tranh ảnh trên bìa đẹp, mà còn là cả nghệ thuật làm sách. Với nội dung sách như nào, cần kiểu chữ, cách sắp xếp minh họa, khuôn khổ sách… phù hợp với nội dung ấy.

Một cuốn sách đẹp không chỉ giúp tôn lên nội dung, mà còn khuyến khích người đọc ham đọc hơn, thích đọc hơn. Bởi vậy, họa sĩ Trần Khánh Chương đánh giá cao Giải thưởng Sách Quốc gia ở chỗ, không chỉ trao giải một cách toàn diện, ở mọi lĩnh vực nội dung sách, mà còn tôn vinh tính thẩm mỹ của sách.

Hiền Đỗ

Bạn có thể quan tâm