Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giải quyết tình trạng ngạt mũi khi mắc Covid-19

Dù là biểu hiện khá phổ biến khi nhiễm SARS-CoV-2, tình trạng ngạt mũi ảnh hưởng lớn tới giấc ngủ cũng như quá trình hồi phục của người bệnh.

Bên cạnh sốt, ho, mệt mỏi, người mắc Covid-19 còn gặp khó khăn rất lớn với triệu chứng ngạt mũi, khó thở. Tình trạng này kéo dài trong khoảng thời gian mắc bệnh phần nào cũng khiến tinh thần của các F0 đi xuống do cảm giác khó chịu.

Nguyên nhân gây viêm phổi

Theo PGS.TS Phạm Thị Bích Đào, Giảng viên cao cấp của Bộ môn Tai Mũi Họng, Đại học Y Hà Nội, ngạt mũi là một trong những biểu hiện rất thường gặp ở bệnh nhân Covid-19.

“Tình trạng ngạt mũi thường đi kèm với chảy nước mũi và đau rát họng. Các triệu chứng trên xuất hiện ở ngày thứ 3 sau khi bệnh nhân được xác định nhiễm SARS-CoV-2”, vị chuyên gia cho biết.

bien phap dieu tri ngat mui do covid-19 anh 1

Bác sĩ hỗ trợ oxy cho bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Thạch Thảo.

Theo PGS Đào, tình trạng ngạt mũi khiến người bệnh không ngủ được, phải mở miệng để thở, từ đó dẫn đến biểu hiện khô và đau họng ngày càng nặng.

Ngoài ra, đường thở không thông thoáng sẽ làm giảm chức năng thông khí của đường hô hấp, khiến khả năng trao đổi khí ở phế nang bị hạn chế. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để người nhiễm SARS-CoV-2 diễn biến thành bệnh Covid-19.

Theo PGS Đào, việc điều trị triệu chứng ngạt mũi là một trong những bước tránh bội nhiễm dịch ứ đọng trong hốc mũi. Tình trạng này có thể diễn biến thành viêm mũi xoang cấp hoặc dịch chảy xuống phế quản mang theo SARS-CoV-2 gây viêm phế quản, viêm phổi.

Biện pháp

Để giải quyết tình trạng ngạt mũi trong thời gian điều trị Covid-19, PGS Phạm Thị Bích Đào gợi ý bệnh nhân thực hiện một số phương pháp sau:

Xông hơi mũi

Người bệnh có thể lựa chọn xông bằng nước muối đẳng trương, ưu trương (liên quan áp suất thẩm thấu) hoặc một số loại lá có tính dầu loãng như sả, chanh, bưởi, bạc hà, trầu không,... Các sản phẩm này sẽ làm loãng chất nhầy và dịu đường mũi bị kích ứng.

bien phap dieu tri ngat mui do covid-19 anh 2

Xông mũi là biện pháp hỗ trợ tốt để giảm ngạt. Ảnh minh họa: zeenewsindia.

Uống nhiều chất lỏng

Theo PGS Đào, nhiều bằng chứng khoa học cho thấy việc uống nước cũng làm loãng các chất dịch trong hốc mũi, giúp mũi thông thoáng, từ đó giảm ngạt. Trong đó, nước ấm được coi là "phương thuốc" tốt nhất để điều trị ngạt mũi.

“Bên cạnh uống đủ nước, một cốc nước ấm, gừng nóng và trà xanh cũng có tác dụng rất tốt trong giảm ngạt. Ngoài ra, mọi người cũng có thể bổ sung nước ép trái cây, rau củ. Chúng còn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe khác”, bà nói.

Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng khuyến cáo những trường hợp có tiền sử tăng huyết áp không nên uống quá nhiều nước ép hoa quả, rau củ do có thể dẫn tới tăng khối lượng tuần hoàn.

Pha dịch nhỏ mũi

PGS Đào cho hay trong trường hợp bệnh nhân Covid-19 không có người hỗ trợ mua thuốc ở bên ngoài, chúng ta có thể tự pha chế thuốc nhỏ mũi với thành phần là một cốc nước ấm và nửa thìa cà phê muối.

Lắc đều hỗn hợp này rồi nhỏ khoảng 3-6 giọt vào mỗi bên mũi, hít nhẹ, sẽ giúp tình trạng ngạt được cải thiện.

Châm hoặc day huyệt nghinh hương

Vị chuyên gia thông tin tại Trung Quốc, các nhà khoa học đã nghiên cứu phương pháp chữa ngạt mũi ở những bệnh nhân Covid-19 và đưa ra kết quả khả quan về việc châm, day huyệt nghinh hương. Các kết quả này cũng đã được đăng tải trên thư viện WanFang, PubMed,...

Ăn thực phẩm cay

Đây là phương pháp tự nhiên để giảm tình trạng ngạt mũi. Cụ thể, ớt chứa thành phần là capsaicin, có tác dụng sinh nhiệt. Thành phần này có thể làm thông mũi, giảm viêm cũng như triệu chứng ngạt.

Kê cao đầu khi ngủ

Phương pháp này dù đơn giản nhưng có hiệu quả khá lớn với người ngạt mũi dẫn đến khó ngủ. Ngoài ra, PGS Đào cũng gợi ý người bệnh có thể sử dụng thêm máy tạo ẩm trong phòng ngủ để tăng hiệu quả.

Sử dụng nhóm thuốc tại chỗ chống xung huyết mũi

Nhóm thuốc này bao gồm: Naftazoline, xylometazoline, adrenaline, ephedrine,... Tuy nhiên, vị chuyên gia nhấn mạnh các loại thuốc này cần được bác sĩ chỉ định và sử dụng dưới 10 ngày. Nguyên nhân là thuốc có thể gây tác dụng phụ không mong muốn như tăng huyết áp, lo lắng, mất ngủ,...

Thuốc kháng histamine

Người bệnh có thể sử dụng loại thuốc này thông qua đường uống hay tại chỗ gồm loratadin, cetirizin, fexofenadine, desloratadin,…

“Loại thuốc này làm khô mũi, giảm tiết dịch và triệu chứng hắt hơi khi nhiễm SARS-CoV-2, từ đó ngăn ngừa lây nhiễm trong quá trình bắn các giọt dịch tiết ra môi trường xung quanh. Tuy nhiên, người bệnh cũng cần tránh tự ý dùng và phải được chỉ định từ bác sĩ tai mũi họng”, PGS Đào khuyến cáo.

Vị chuyên gia cũng lưu ý nếu tình trạng ngạt mũi không được cải thiện sau khi sử dụng các phương pháp trên, thậm chí xuất hiện thêm chảy mũi vàng xanh, dịch mũi lẫn máu, đau nhức vùng mặt xung quanh các xoang hay tăng ho đờm, bệnh nhân cần liên hệ và đi khám ngay.

Cách xử lý cơn ho kéo dài hậu Covid-19

Ho thực tế là phản ứng có lợi cho cơ thể. Tuy nhiên, việc ho kéo dài và mức độ nặng có thể ảnh hưởng lớn tới ăn uống cũng như giấc ngủ.

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm