Sáng 15/2, Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, cùng lãnh đạo các cơ quan chức năng đến khu vực sân bay Biên Hòa (TP Biên Hòa, Đồng Nai) thị sát và làm việc với Ban quản lý Dự án xử lý chất độc dioxin tại sân bay Biên Hòa để bàn cách xử lý chất độc này.
Theo Đại tướng Ngô Xuân Lịch, việc khắc phục hậu quả chất độc sau chiến tranh là nhiệm vụ quan trọng và cần tập trung nguồn lực, giải pháp để sớm triển khai.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng làm việc tại sân bay Biên Hòa. Ảnh: Ngọc An. |
Ông cho biết việc làm này vẫn còn khó khăn về nguồn vốn, công nghệ xử lý và đối đầu khối lượng chất độc lớn.
“Làm như thế nào thì chúng ta phải tháo gỡ, quan trọng là sự đồng thuận, phối hợp chặt chẽ để thực hiện mục tiêu là dự án sớm đi vào hoạt động”, Đại tướng Ngô Xuân Lịch nói.
Từ năm 1995, Bộ Quốc phòng và các cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều dự án đào lấp đất nhiễm dioxin để ngăn chặn ô nhiễm. Trong đó, Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam đã triển khai các dự án xây hồ điều hòa, đào đắp mương để thu gom nước ở bề mặt đất bị ô nhiễm, chống tràn ra ngoài. Những dự án này đều được hỗ trợ vốn từ các tổ chức quốc tế.
Dự kiến, trong tháng 4 tới, giai đoạn 1 của Dự án tổng thể xử lý triệt để dioxin tại sân bay Biên Hòa dự kiến được triển khai. Nguồn vốn 183 triệu USD do chính phủ Mỹ viện trợ không hoàn lại và từ vốn đối ứng ngân sách sự nghiệp môi trường. Theo Bộ Quốc phòng, dự án tổng thể xử lý triệt để dioxin tại sân bay Biên Hòa dự kiến thực hiện trong 10 năm với tổng nguồn vốn khoảng 390 triệu USD.
Đất trong sân bay Biên Hòa nhiễm dioxin được xử lý. Ảnh: Ngọc An. |
Sân bay Biên Hòa nằm cách TP.HCM 30 km về phía Đông Bắc. Trong những năm chiến tranh, quân đội Mỹ sử dụng nơi này để tập kết chất độc hóa học dioxin (chất độc da cam) trước khi cho lên máy bay để phun vào rừng.
Hiện, sân bay này là nơi ô nhiễm nặng với diện tích ô nhiễm khoảng 52 ha, khối lượng đất đá ô nhiễm khoảng trên 500.000 m3 và ảnh hưởng đến hơn 100.000 người đang sinh sống gần khu vực.
Sân bay Biên Hòa - nơi nhiễm chất độc dioxin nghiêm trọng. Ảnh: Google Maps. |