Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư là một trong hai tác giả của cuốn Đường phố Thành phố Hồ Chí Minh. Đây được coi là cuốn sách duy nhất tại thời điểm này mang đến một cái nhìn tổng quan về tên đường, lịch sử của các con đường cũng như câu chuyện phía sau những cái tên đó.
Trao đổi với Zing.vn, nhà nghiên cứu cho rằng việc giải quyết cuộc khủng hoảng thiếu tên đường ở TP.HCM không hề khó. Ông Nguyễn Đình Tư cũng lý giải về những nguyên nhân dẫn đến tình trạng một tên được đặt cho nhiều đường hay những tên đường "tréo nghoe" như đường Dân công hoả tuyến, Kênh nước đen...
Tên xấu do địa phương tự đặt
- Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến việc TP.HCM có nhiều tên đường trùng nhau như hiện nay?
- Gia Định, TP Sài Gòn, TP Chợ Lớn trước đây là ba đơn vị hành chính khác nhau. Khi thành phố được thành lập dựa trên việc hợp nhất ba đơn vị này mới phát sinh ra việc trùng tên đường.
Trước đó, các đơn vị đều có quyền đặt riêng mà không tham khảo các đơn vị bên cạnh. Nên khi nhập lại thì nhiều tên đường trùng lắm. Ví dụ đường Hoàng Hoa Thám ở cả quận Bình Thạnh và Tân Bình; Phan Chu Trinh cả ở Bình Thạnh, quận 1.
Sau năm 1975, cũng đổi tên mấy chục con đường nên xảy ra tình trạng trên.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư kiến nghị nên sử dụng tên có cái nhìn công bằng với lịch sử. Ảnh: Phước Tuần. |
- TP.HCM có những tên đường rất xấu xí, thiếu tính thẩm mỹ, thậm chí là sai chính tả. Ông lý giải việc này thế nào?
- Những tên đường ấy là địa phương tự đặt chứ không phải do hội đồng tên đường. Như Kênh Nước Đen là người dân gọi cái kênh có màu đen, hôi thối. Lâu dần mọi người gọi quen miệng rồi quận huyện hợp thức hoá luôn. Chứ hội đồng tên đường không bao giờ đặt những cái tên như thế.
Nhiều tên đường sai chính tả là tồn tại từ thời kỳ trước. Ví dụ, đường Kha Vạn Cân, tên chính xác phải là Kha Vạng Cân. Như Trương Quốc Dung, Lương Như Học, Trần Khát Chân là do tồn tại của thời Việt Nam Cộng hoà. Chúng tôi có kiến nghị UBND TP quyết đỉnh điều chỉnh lại tên sao cho chính xác nhưng thành phố chưa làm.
- Ông đánh giá như thế nào về cách đặt tên đường áp dụng vào năm 1955?
- Hội đồng đặt tên đường thời đó thường đặt tên đường theo khóm. Khu Tân Định thường đặt các tên các vị tướng thời nhà Trần như Trần Khát Chân, Đặng Dung, Đặng Tất...
Khu quận 4 tập trung các tướng thời nhà Lê, Khởi nghĩa Lam Sơn. Khu Bến Thành thường đặt tên các thành viên tham gia Khởi nghĩa Yên Bái như Ký Con, Nguyễn Thái Học.
Quận 5 có nhiều con đường được bảo lưu tên cũ từ trước thời Pháp như Phú Hữu, Phú Giáo. Ảnh: Hải An. |
Chợ Lớn là khu buôn bán nên có nhiều đường mang tên các nhà kinh tế. Ở quận 3 tập hợp các danh sĩ như Hồ Xuân Hương, Tú Xương, Bà Huyện Thanh Quan… Tôi cho rằng đó là cách đặt tên rất hay, chỉ cần biết một tên đường có thể hình dung ra một khu vực. Sau này đặt lại một số tên đường mới làm cho trật tự này bị xáo trộn.
Không khó, chỉ thiếu người làm
- Với tư cách là một người từng tham gia hội đồng đặt tên đường, TP.HCM nên giải quyết cuộc "khủng hoảng" về tên đường hiện nay như thế nào?
- Theo tôi, việc đặt tên đường ở TP.HCM không có gì là khó. Chỉ là không có người làm thôi. Những tên đường không hợp lý thì đặt lại, thay đổi. Có người than quỹ tên đường thiếu nhưng tôi nghĩ không phải như vậy.
Hồi đó tôi là ủy viên Hội đồng đặt tên đường TP.HCM từ năm 1995 đến 2005. Hội đồng làm việc rất tích cực nhưng có một trở ngại là do Hội đồng nhân dân TP chịu trách nhiệm thông qua tên đường.
Việc đặt tên đường luôn được đưa vào cuối chương trình nghị sự của kỳ họp. Nhiều lần Hội đồng không đủ thời gian nên lại dời sang kỳ họp sau. Lần sau cũng gặp tình trạng như vậy nữa nên việc đặt tên đường bị chậm lại.
Dù vậy, sau 5 năm chúng tôi đặt được tên cho 800 con đường cả nội thành và ngoại thành. Nếu Hội đồng nhân dân thông qua nhanh thì chúng tôi phải đặt được hơn 1.000 tên đường.
Bà Hom là tên một người bình dân được đặt cho một vùng rộng lớn ở quận Bình Tân. Ngày nay, con đường trước cổng chợ Bà Hom mang cái tên rất lạ "đường Lộ Tẻ". Ảnh: Hải An. |
- Vậy theo ông, TP.HCM nên quy hoạch tên đường như thế nào cho hợp lý?
- Thành phố cần thay các tên đường được đánh dấu bằng số như D1, D2, những tên nghe lạ tai, không thanh lịch và những tên sai chính tả. Những tên sai lịch sử cũng cần điều chỉnh bên cạnh việc tiến hành đặt tên các đường mới.
Có một điều bất công là hiện nay đường phố vắng bóng tên của những danh nhân thời Nguyễn.Tôi nghĩ khi lịch sử bắt đầu nhìn nhận lại triều Nguyễn thì tên đường cũng nên bổ sung.