Giao thông tắc nghẽn 5 giờ đồng hồ khi giàn giáo trước hầm Thủ Thiêm bị sập. Ảnh: Lê Quân. |
Sáng 15/10, giàn giáo bắc ngang hầm Thủ Thiêm phía quận 2 bất ngờ đổ sập xuống khiến xe cộ không thể lưu thông. Toàn bộ hầm bị phong tỏa, xe cộ phải di chuyển qua hướng cầu Thủ Thiêm, hoặc vòng lại ra hướng xa lộ Hà Nội để vào trung tâm qua cầu Sài Gòn.
Hàng nghìn xe cộ bị kẹt cứng cả 2 hướng từ giao lộ Tôn Đức Thắng - Lê Thánh Tôn đến cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh, giao thông tê liệt gần 5 giờ liền. Đâu là nguyên nhân dẫn đến nạn ùn tắc ngày càng nghiêm trọng ở phía Đông Sài Gòn?
Thiếu cầu
Theo GS.TS Nguyễn Minh Hòa (Ủy viên Hội đồng Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, Trưởng Bộ môn Đô thị học Trường ĐH KHXH & NV TP.HCM) nói với Zing.vn, vấn đề mà khu Đông Sài Gòn nói chung và Thủ Thiêm nói riêng đang gặp phải là thiếu hệ thống cầu trầm trọng.
Ông cho rằng chính vì thiếu cầu nên người dân buộc phải đi qua hầm vượt sông. Khi hầm xảy ra sự cố không lưu thông được thì phải đi vòng, dẫn đến tình trạng giao thông ùn ứ.
Ủy viên Hội đồng Quy hoạch - Kiến Trúc TP chỉ ra trong đề án xây dựng của TP bao gồm cầu Thủ Thiêm 2 (xây từ năm 2015) dự kiến hoàn thành vào năm 2019, cầu Thủ Thiêm 3, 4 cũng đã được Thủ tướng phê duyệt. Tuy nhiên, hiện tại dự án cầu Thủ Thiêm 2 chỉ mới giải phóng xong mặt bằng.
"Tiến trình xây dựng quá chậm. Cầu này chững lại nên 2 cây cầu còn lại nối từ quận 4 và quận 7 cũng chưa làm được. Khi metro số 1 đi vào hoạt động sẽ giúp các cửa ngõ phía đông thông thoáng. Tuy nhiên, metro là câu chuyện còn xa. Hiện tại cần đẩy nhanh tiến độ xây cầu", GS.TS Nguyễn Minh Hòa nhận định.
Cầu Thủ Thiêm 2 dự kiến khánh thành và đưa vào sử dụng vào năm 2019 nối khu đô thị Thủ Thiêm với trung tâm quận 1. Ảnh: Sở GTVT. |
TS. Võ Kim Cương (nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM) cũng đồng quan điểm, ông cho rằng Thủ Thiêm phát triển thì việc hoàn thiện hệ thống cầu cho các phương tiện lưu thông là thật sự cần thiết.
"Hạ tầng kết nối Thủ Thiêm với trung tâm TP đang rất yếu, cầu Thủ Thiêm 2 dậm chân tại chỗ, các cây cầu còn lại cũng chưa khởi công. Trong khi TP phát triển đến đâu thì cần phải xây cầu đến đó chứ không chỉ dựa vào mỗi một cái hầm chui", ông Cương nêu quan điểm.
Cũng theo chuyên gia này, trong khi chờ cầu hoàn thiện hay tuyến metro 1 hoàn thành, TP cần phân luồng hợp lý ở các nút giao thông hai cửa hầm, phân luồng xe máy đi qua cầu Thủ Thiêm 1 để góp phần giảm thiểu tối đa vấn nạn ùn tắc.
Phải có phương án xử lý sự cố
GS.TS Hòa cho rằng lý do việc xây cầu ngưng trệ xuất phát từ vướng mắc về nguồn vốn và giải phóng mặt bằng. Ông cho biết hiện tại Nhà nước không cấp vốn để xây mà nếu huy động vốn từ doanh nghiệp tư nhân thì rất khó khăn. Bởi tư nhân thì phải có lợi họ mới làm.
Do đó, ông Hòa cho rằng điều cần làm bây giờ là thúc ép để chủ đầu tư sớm hoàn thành công trình dang dở. "Cần hối thúc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây cầu Thủ Thiêm 2. Có thêm cầu này thì giao thông kết nối Thủ Thiêm với trung tâm TP sẽ bớt phần nào hỗn loạn", Trưởng bộ môn Đô thị học nêu.
Hầm Thủ Thiêm thời gian gần đây thường xuyên ùn tắc nghiêm trọng. Ảnh: Lê Quân. |
Các chuyên gia cũng nhận định bên cạnh việc hoàn thiện cầu Thủ Thiêm 2 thì ngành giao thông TP cũng phải có phương án giải quyết trong trường hợp hầm Thủ Thiêm gặp phải vấn đề.
"Giao thông tắc nghẽn như sự cố sập giàn giáo cũng một phần do không có phương án dự phòng nên hoàn toàn bị động. Trước mắt, cần tính toán để có những phương án trước những sự cố", ông Hòa nêu.
Về lâu dài, ông Hòa cho rằng nếu Trung ương cho TP.HCM quyền tự chủ tài chính thì việc có vốn để giải quyết dứt điểm các công trình cầu đường là điều không hề khó.
Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, trong quy hoạch về giao thông vận tải TP.HCM đã được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2007 (điều chỉnh bổ sung vào năm 2013), TP.HCM cần xây dựng 21 cầu và hầm vượt sông kết nối đôi bờ sông Sài Gòn để đáp ứng nhu cầu hạ tầng giao thông. Đến nay đã có 14 cầu và hầm được xây dựng, đưa vào sử dụng.
TP.HCM sẽ tiếp tục xây dựng mới 7 cây cầu, trong đó riêng cầu bắc qua sông Sài Gòn nối khu trung tâm với Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) có 3 cây cầu: Thủ Thiêm 2 (nối từ quận 1), Thủ Thiêm 3 (nối từ quận 4) và Thủ Thiêm 4 (nối từ quận 7).
Ngoài ra, sẽ xây thêm các cầu Phú Thuận (đường vành đai 4), cầu Bình Gửi (đường vành đai 3), cầu Bình Quới (quận Thủ Đức), cầu Rạch Các 3 cho tuyến đường sắt đôi ra cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè).
Các tuyến đường, cầu kết nối giữa khu Đông Sài Gòn với trung tâm TP.HCM. Đồ họa: Minh Trí. |