Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Giải pháp quyết liệt của Chính phủ để chặn dịch phía Nam

Thủ tướng khẳng định dành ưu tiên cao nhất cho TP.HCM để chiến thắng đại dịch, các tỉnh phía Nam cũng cần sớm dập dịch. Chính phủ không để các địa phương thiếu trang thiết bị.

dich Covid-19 bung phat tai phia nam anh 1

Gần 3 tháng kể từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, trọng tâm chống dịch của cả nước chuyển từ các tỉnh phía Bắc xuống các địa phương phía Nam với tâm điểm là TP.HCM. Mối liên kết giao thương chặt chẽ vốn là lợi thế giữa các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nay trở thành nguy cơ lớn khi dịch bùng phát tại TP.HCM.

Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu… lần lượt bị dịch bệnh xâm nhập, nguồn lây ban đầu hầu như đều xuất phát từ TP.HCM.

Quyết liệt dập dịch

Ngay từ đầu tháng 7, khi số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại TP.HCM vượt ngưỡng 3.000, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã liên tục dành những ngày cuối tuần để vào kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các tỉnh, thành phía nam. "Đầu tàu kinh tế" TP.HCM luôn là nơi được Thủ tướng và Chính phủ dành sự quan tâm đặc biệt.

Sau nhiều lần cân nhắc, ngày 17/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng ý áp dụng Chỉ thị 16 trong 14 ngày với toàn bộ 19 tỉnh, thành phía Nam. Đây là lần đầu tiên Chỉ thị 16 được áp dụng trên một vùng liên tỉnh. Ba ngày sau, Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ cũng được thành lập để tháo gỡ ngay những khó khăn phát sinh tại khu vực phía nam trong 15 ngày cách ly xã hội.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam được Thủ tướng phân công cùng Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trực tiếp chỉ đạo chống dịch tại TP.HCM.

Sau lệnh cách ly xã hội, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phân loại 19 tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện Chỉ thị 16 thành 2 nhóm.

Những địa phương như TP.HCM, Bình Dương và khu vực dịch lây nhiễm cao, lây lan rộng thì cần giải pháp mới, cách làm mới, phù hợp với “2 mũi giáp công”. Một mũi tập trung lực lượng tại “vùng đỏ”, có mức độ nguy cơ dịch bệnh rất cao để nhanh chóng bóc F0 ra khỏi cộng đồng, thu hẹp ổ dịch. Mũi còn lại tầm soát, sàng lọc, giữ chặt “vùng xanh” an toàn; cô lập “vùng vàng”, làm sạch để trở thành “vùng xanh”.

Những tỉnh tương đối an toàn, dịch còn ít (khu vực Nam sông Hậu và Bình Phước) tiếp tục thực hiện theo chiến lược "ngăn chặn - phát hiện - truy vết - khoanh vùng - dập dịch và điều trị", giống như các địa phương đang kiểm soát được dịch.

Trong các buổi kiểm tra tại phía Nam, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhiều lần nhắc lại thông điệp các địa phương phải quyết liệt dập dịch để tạo “vùng hậu phương” an toàn, vững chắc nhằm hỗ trợ, chi viện cho TP.HCM. Ông đánh giá dịch tại TP.HCM đã “ngấm sâu” trong cộng đồng, do đó, sẽ cần thời gian dài để hoàn toàn kiểm soát dịch bệnh.

Cụ thể, ông yêu cầu các địa phương chuyển đổi cách tiếp cận trong xét nghiệm, truy vết, chặn dịch. Nếu trước đây, cách tiếp cận là làm từ khu vực nóng nhất ra ngoài thì nay sẽ làm từ ngoài dồn vào trong để thu hẹp vùng dịch. Mục tiêu là hình thành vùng an toàn bền vững để lực lượng từ vùng an toàn có thể đi giúp các địa phương khác. Riêng tại TP.HCM, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu thiết lập vùng an toàn, hình thành thêm “hậu phương chống dịch” ngay trong lòng thành phố.

Không để thiếu trang thiết bị

Số ca nhiễm tăng nhanh suốt thời gian qua đặt áp lực lớn lên hệ thống y tế. Các địa phương đứng trước sức ép phải liên tục nâng cao các kịch bản chống dịch so với trước đây, đòi hỏi một lượng lớn nhân viên y tế cũng như thiết bị y tế chống dịch.

Ngày 20/7, TP.HCM xin hỗ trợ hơn 7.000 bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế.

Ngày 21/7, Hậu Giang, Tiền Giang và Vĩnh Long xin chi viện nhân viên y tế, máy xét nghiệm, máy thở…

Ngày 22/7, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng cũng đề nghị hỗ trợ hệ thống xét nghiệm PCR và sinh phẩm… Cùng ngày, TP.HCM tiếp tục đề xuất Bộ Y tế điều động 5.000 nhân viên y tế tham gia chống dịch.

Ngày 23/7, Đồng Nai kiến nghị hỗ trợ 2 dàn máy xét nghiệm.

Thủ tướng và Bộ Y tế nhiều lần khẳng định không để bệnh nhân thiếu máy thở, nhân viên y tế thiếu dụng cụ bảo hộ, trang thiết bị.

Công tác hậu cần cho phòng chống dịch được Bộ Y tế đặc biệt quan tâm. Một kho dã chiến trang thiết bị, vật tư tiêu hao được thành lập tại TP.HCM. Theo kế hoạch, Bộ Y tế sẽ điều phối 2.000 máy thở cho kho dự trữ này. Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP.HCM được giao trách nhiệm quản lý, cấp phát cho các đơn vị, địa phương khi có yêu cầu.

Không để thiếu oxy và máy thở trong công tác điều trị

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cũng khẳng định tiếp tục tăng cường hệ thống ECMO, máy lọc máu liên tục; hệ thống thở oxy dòng cao; máy theo dõi bệnh nhân, máy tạo oxy, bơm tiêm điện, máy truyền dịch, máy phun khử khuẩn, khẩu trang N95… cho các tỉnh, thành phía nam.

Dù chuẩn bị năng lực đáp ứng cho kịch bản ca nhiễm tăng cao, trong nhiều cuộc làm việc với các địa phương, lãnh đạo Chính phủ khẳng định cần sử dụng thiết bị y tế, nguồn nhân lực hiệu quả, tránh lãng phí. Tại các cuộc họp và chuyến kiểm tra, ông trao đổi chi tiết với từng địa phương về năng lực xét nghiệm, cách ly, điều trị, so sánh với tình hình dịch bệnh tại từng nơi để có phương án phù hợp, trên tinh thần hỗ trợ tối đa.

“Không để thiếu oxy và máy thở trong công tác điều trị” cũng là thông điệp được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh. Ông yêu cầu các địa phương rà soát, tổng hợp nhu cầu về nguồn lực sát thực tế, khả thi, không lãng phí, chồng chéo cũng như bố trí, phân bổ nguồn lực hợp lý nhất.

Ngay khi lắng nghe khó khăn của các địa phương, ngày 18/7, Thủ tướng đã yêu cầu các tỉnh, thành phố thống kê nhân lực y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19. Với các tỉnh đang áp dụng Chỉ thị 16, ông yêu cầu tổng hợp nhu cầu cần giúp đỡ. Còn với các tỉnh chưa thực hiện Chỉ thị 16, ông đề nghị thống kê số nhân lực có thể hỗ trợ cho địa phương bạn.

Hàng loạt đoàn y bác sĩ, nhân viên y tế liên tục được huy động vào phía nam suốt tuần qua, giúp các địa phương gỡ nhiều khó khăn trong xét nghiệm, truy vết, cách ly, điều trị.

"Dành những gì tốt nhất để giúp TP.HCM chiến thắng dịch bệnh"

Lý giải số ca mắc mới gia tăng những ngày qua, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết các địa phương tăng tốc lấy mẫu, xét nghiệm số lượng lớn tại khu vực nguy cơ cao, khu cách ly, phong tỏa nên phát hiện nhiều ca dương tính. Ông dự báo tỷ lệ ca nhiễm sẽ có xu hướng “đi ngang” trong một vài ngày tới nếu TP.HCM và các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16.

Nhìn lại giai đoạn đầu áp dụng Chỉ thị 16, ông Long chỉ ra 2 vấn đề trong quá trình kiểm soát dịch, đó là: Thực hiện giãn cách xã hội chưa nghiêm, và công tác chuyên môn chống dịch chưa tương xứng với tốc độ lây lan của dịch.

Thực hiện chưa nghiêm Chỉ thị 16 cũng là vấn đề được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ ra tại nhiều cuộc họp với các địa phương trong 6 ngày áp dụng Chỉ thị 16. Ông nhận định tất cả những nơi để dịch lây lan rộng thì nguyên nhân chính là thực hiện không nghiêm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tinh thần “tất cả vì TP.HCM” và yêu cầu dành tất cả những gì tốt nhất cho TP.HCM phòng chống dịch. Trong ảnh là buổi thị sát của Thủ tướng tới khu cách ly dã chiến, bệnh viện dã chiến được lập tại Thủ Thiêm (TP Thủ Đức). Ảnh: Duy Hiệu.

Trong suốt hơn một tuần áp dụng Chỉ thị 16 tại 19 tỉnh, thành phía Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các lãnh đạo Chính phủ liên tục có chuyến kiểm tra hoặc làm việc với các tỉnh, thành để trực tiếp trao đổi, chỉ đạo về công tác phòng dịch.

Ngày 21/7, Thường trực Ban Bí thư ban hành Điện yêu cầu triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng, toàn hệ thống chính trị tiếp tục ưu tiên cao nhất cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Tính mạng của người dân là trên hết, trước hết

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Thời gian qua, TP.HCM cũng được Bộ Y tế đặc biệt ưu tiên phân bổ lượng vaccine nhiều nhất cả nước. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết dự kiến từ nay đến tháng 9, Bộ Y tế sẽ cố gắng phân bổ cho TP.HCM 5 triệu liều vaccine để tiêm cho khoảng 50% đối tượng tiêm của TP.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần nhấn mạnh quan điểm “dành những gì tốt nhất để giúp TP.HCM chiến thắng dịch bệnh”. Trong cuộc họp gần nhất của ông với các tỉnh, thành phía Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương cần tận dụng tối đa “thời gian vàng” để khoanh vùng ổ dịch.

“Các cấp, các ngành phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, chủ động, linh hoạt, sáng tạo, xử lý ngay các vướng mắc, đề xuất của địa phương, tất cả vì cuộc sống, sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết”, Thủ tướng quán triệt.


Thủ tướng động viên lực lượng tuyến đầu chống dịch ở TP.HCM Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác đến bệnh viện dã chiến đặt tại Thủ Thiêm, thăm điểm phong tỏa... động viên lực lượng tuyến đầu chống dịch Covid-19 ở TP.HCM.

Thủ tướng: 'Thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 và có thể ở mức cao hơn'

Thủ tướng yêu cầu bí thư, chủ tịch các tỉnh, thành chỉ đạo thực hiện nghiêm nếu áp dụng Chỉ thị 16 và có thể ở mức cao hơn, kiên quyết thực hiện giãn cách xã hội.

Lập Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ đặt tại TP.HCM để chống dịch

Thủ tướng đã ban hành quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tổ công tác đặt tại TP.HCM.

Thu Hằng

Bạn có thể quan tâm