- Ông nói gì về ý kiến Ánh Viên dự quá nhiều giải nhỏ có thể ảnh hưởng đến quá trình chuẩn bị cho Olympic?
- Vấn đề này tôi từng đề cập đến nhiều lần. Trong huấn luyện đỉnh cao, thi đấu cũng là cách để tập luyện. Ở Mỹ, Ánh Viên vẫn thi đấu hàng tuần nên việc cô về thi đấu ở giải vô địch quốc gia là bình thường. Năm trước, khi Ánh Viên về dự Đại hội TDTT toàn quốc cũng có những ý kiến kiểu này. Ánh Viên cũng là người Việt Nam, tại sao lại cấm cô tham dự giải vô địch quốc gia? Ngay cả các VĐV hàng đầu thế giới vẫn phải tham dự giải quốc gia nước họ.
Kế hoạch tập luyện, thi đấu của VĐV, tôi là người hiểu rõ nhất và là người chịu trách nhiệm chứ không phải những anh hùng bàn phím. Tôi sẵn sàng mời những anh hùng đó lên làm HLV, còn tôi từ chức ngay.
HLV Đặng Anh Tuấn cho rằng thông tin Ánh Viên kiệt sức vì thi đấu quá nhiều giải là thiếu tính chuyên môn. Ảnh: Hoàng Hà. |
Nếu VĐV không thi đấu thì lấy đâu ra kinh nghiệm, HLV làm sao phát hiện những điểm yếu để khắc phục. Thực tế cho thấy, việc phát triển sức mạnh tốc độ trong thi đấu hiệu quả hơn nhiều so với khi tập luyện. Ví dụ, Ánh Viên yếu về sức mạnh tốc độ, mạnh về sức mạnh bền, muốn phát triển tốc độ phải dùng toàn bộ khả năng vận động của VĐV để phát triển nó. Khi ban huấn luyện rút ra được những bài học kinh nghiệm đó mới dùng biện pháp thi đấu để phát triển. Việc thi đấu này không ảnh hưởng đến sức khỏe của Viên, bởi chúng tôi xác định rõ giải nào là thi đấu tập, giải nào là thi đấu đỉnh cao.
- Vậy còn ý kiến Ánh Viên thua VĐV 14 tuổi Phương Trâm ở một số nội dung là thể hiện phong độ đi xuống?
- Đó là quan điểm phiến diện và thiếu tính chuyên môn. Tôi giải thích cụ thể thế này. Tại sao lúc trước Phương Trâm ở TP HCM có phong độ không tốt, còn từ tháng 5/2015 tập ở Trung tâm HLTTQG 2, Trâm lại tiến bộ? Đó là Trâm đang ở giai đoạn cuối của chu kỳ huấn luyện, có sự điều chỉnh để đạt kết quả tốt nhất. Còn với Ánh Viên, điểm rơi là giải vô địch thế giới vào cuối tháng 8, sau đó phải phát triển chu kỳ mới và những tố chất mới. Đối với Ánh Viên, giải vô địch quốc gia không phải nơi để chọn điểm rơi.
Thầy trò Ánh Viên sẽ bước vào chu kỳ huấn luyện mới để chuẩn bị cho Olympic 2016. Ảnh: Hoàng Hà. |
Hiện nay, Ánh Viên bắt đầu chu kỳ huấn luyện để chuẩn bị cho Olympic. Sau khi kết thúc giải vô địch thế giới ở Kazan, Ánh Viên có 5 ngày chuyển tiếp cho chu kỳ đầu tiên của giai đoạn chuẩn bị chung.
Trong giai đoạn này, nếu Ánh Viên phát triển tố chất tốc độ sẽ phá vỡ toàn bộ quá trình chuẩn bị cho Olympic 2016. Thi đấu để phát triển quá trình huấn luyện chứ không phải so sánh để hơn thua về thành tích ở giải vô địch quốc gia.
- Bỏ qua con số 16 HCV ở giải vô địch quốc gia vừa qua, ông có hài lòng với thông số thành tích mà học trò thể hiện?
- Kết quả Ánh Viên đạt được cao hơn mức ban huấn luyện đặt ra, trong đó các thông số phát triển sức bền đều đạt được. Ít ai biết trong quá trình thi đấu ở giải vô địch quốc gia, Ánh Viên vẫn phải bơi 5-7 km mỗi ngày, phải tập tạ trước khi thi đấu. Lượng vận động của cô cao gấp 2-3 lần so với VĐV khác. Đây là giai đoạn nâng thể lực của Ánh Viên và không phải vì giải vô địch quốc gia mà chúng tôi phải điều chỉnh. Thắng thua ở giải này không quan trọng.
Đừng ai nói rằng Ánh Viên sa sút phong độ vì quá mệt mỏi, những thông tin như thế làm nhiễu loạn tình hình, tác động tiêu cực đến VĐV. Một ngày tập luyện của Ánh Viên, có khi phải bơi 20-30 km cộng thêm 2-3 tiếng tập thể lực. Mức độ thi đấu như hiện nay không ảnh hưởng gì đến cô.
Ánh Viên đang trong giai đoạn huấn luyện chung cho đến khi đạt được những thông số cần thiết mới chuyển tiếp sang giai đoạn tiếp theo là chu kỳ huấn luyện sức bền. Trong quá trình tập luyện, không thể nào đạt được thành tích cao như ở giải vô địch thế giới và SEA Games được vì những giải đó là ở cuối giai đoạn huấn luyện. Nếu giải nào thành tích cũng cao hơn thì Ánh Viên sẽ vô địch thế giới sau 10 giải đấu. Phải tích lũy về lượng và chất mới có thành tích ở giải chính.
- Xin cảm ơn ông!