Trên thực tế, sự hoang vắng của Thuận Kiều Plaza chính là “bài học xương máu” về quản trị doanh nghiệp.
Khi “giấc mơ” vướng... quyền sở hữu
Tiếp chúng tôi, anh Trung - Đội trưởng bảo vệ tòa tháp C - nơi hiện còn hơn chục hộ sinh sống cho biết: “Tôi có thể khẳng định rất nhiều người muốn mua căn hộ (CH) ở đây để sống, nhưng công ty có bán đâu mà mua. Bởi vậy nên các tòa nhà này hoang vắng cũng đúng thôi”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tòa cao ốc được xây dựng từ năm 1994 đến 1999, với tổng kinh phí vào thời điểm cách nay 20 năm khoảng hơn 55,386 triệu USD, với tổng cộng 648 CH cùng các công trình tiện ích khác như hồ bơi, nhà xe, khu giải trí,...
Tuy nhiên, thời điểm 1999-2000 chủ đầu tư (CĐT) là Kings Harmony Int MTV (Hong Kong) và công ty TNHH MTV xây dựng thương mại Sài Gòn 5 (trực thuộc Tổng công ty địa ốc Sài Gòn) mới chỉ bán được 18 CH và đã nhận cọc 23 căn khác. Đơn vị CĐT đã chuyển nhượng cho Công ty CP đầu tư An Đông 607 CH.
Sở dĩ số người mua CH ít không phải do phong thủy hay bị ám ảnh bởi những lời đồn mà chủ yếu do vướng mắc về xác lập quyền chủ sở hữu. Theo giấy phép đầu tư thì dự án (DA) trên có thời gian thuê đất là 20 năm và thực tế quyền thuê đất của Kings Harmony Int MTV đã hết hạn từ 31/1/2014.
Thuận Kiều Plaza. |
Do đó, ngay từ khi mở bán, mặc dù DA trên là giấc mơ của rất nhiều người nhưng khi đụng đến quyền sở hữu thể hiện trên hợp đồng và thời gian sở hữu sau khi CĐT hết hạn thuê đất... thì tất cả đều chẳng mặn mà. Do không bán được sản phẩm nên việc cung cấp dịch vụ sinh hoạt cho cư dân tại các tòa tháp gặp nhiều khó khăn, vì lẽ đó hiện CĐT đã hoán đổi các hộ về tòa tháp C cho tiện.
Cách quản lý thiếu khoa học
Anh Trung cho biết, giai đoạn 1999-2008, tòa nhà thu hút khá đông tiểu thương, công suất thuê ki-ốt những năm đầu đều trong tình trạng “cháy” hàng.
Những năm 2004-2005 do “cơn sốt” kinh tế tài chính nên TP HCM mọc thêm hàng loạt cao ốc khác như: Zen Plaza, Nhật Nam, An Đông... khiến vị trí độc tôn của Thuận Kiều Plaza bị cạnh tranh khốc liệt. Mặt khác, CĐT cũng thay người quản lý nơi này và mỗi sếp lại có sự thay đổi về cách tổ chức gian hàng.
Tuy nhiên, trên thực tế thì những điểm yếu đã bộc lộ ngay từ khi đưa các gian hàng tại trung tâm này vào hoạt động. Bởi lẽ, vào thời điểm đó đơn vị quản lý không cho thuê ki-ốt theo đặc thù ngành hàng mà thể theo ý thích của khách. Chính sự sắp xếp thiếu khoa học ấy khiến người bán, người mua đều cảm thấy bất tiện.
Đúng vào lúc nhiều tiểu thương đang uể oải thì “cơn sốt” cao ốc trung tâm thương mại ồ ạt bung hàng tại TP HCM với giá thuê ổn định. Vì thế nhiều tiểu thương dần dần bỏ Thuận Kiều Plaza, sang các trung tâm khác vì giá thuê thấp trong khi vị trí tốt và nhiều khuyến mãi hơn...
Lên kế hoạch cải tạo công năng
Tình trạng đó kéo dài tới đầu năm 2008 thì châu Á xảy ra khủng hoảng kinh tế, nhiều tập đoàn, công ty lớn vội vã chạy khỏi các DA tại Việt Nam. Việc kinh doanh tại Thuận Kiều Plaza dần rơi vào tình trạng khách mua ít hơn người bán, nên buộc lòng các tiểu thương phải rời bỏ nó.
Con đường Đỗ Ngọc Thạnh xuyên dưới Thuận Kiều Plaza. |
Đúng lúc này lại rộ tin đồn việc tòa nhà có hình dáng ba cây nhang nên thu hút ma quỷ tập trung về quấy phá, oan hồn của những công nhân chết thảm khi xây dựng công trình khiến việc kinh doanh càng khó khăn bội phần... những tiểu thương cuối cùng trụ không nổi cũng phải rời khỏi đây.
Chúng tôi may mắn gặp được ông Lê Duy Huân - một trong những người hành nghề xe ôm tại khu vực này, từ khi chưa có tòa cao ốc Thuận Kiều đến giờ. Theo ông, những lời đồn đoán đầy ma mị xung quanh Thuận Kiều Plaza chỉ là sự thêu dệt chứ có người dân nào được lên trên cao ốc đó để chứng kiến đâu.
Còn về tai nạn lao động ở công trình này, theo ông Huân lý giải, những năm 1994 - 1999 công tác đảm bảo an toàn lao động tại các công trình chưa được coi trọng, nên công nhân rớt giàn giáo là chuyện thường xảy ra.
Đơn cử vụ công nhân rơi từ giàn giáo tầng 4 xuống đường Dương Tử Giang do giàn cao trong khi không có dây bảo hiểm, cộng với bất cẩn nên đã xảy ra tai nạn.
“Kỹ thuật xây dựng hồi đó đâu được như bây giờ, cơ quan chức năng lại ít khi quan tâm kiểm tra công tác an toàn lao động. Thầu xây dựng lúc bấy giờ lấy thợ vào làm chủ yếu cũng toàn sinh viên đi làm thêm, hoặc lao động phổ thông. Nếu được đào tạo bài bản về an toàn lao động thì chẳng ai dại ngồi dưới chân tháp, trong khi cần cẩu đang hoạt động ầm ầm phía trên để sắt rơi xuyên vào đầu”. Ngừng một lát, ông tiếp: “Giờ cứ bán rẻ xem dân họ có mua không?”.
Trở lại với những lý giải về việc tòa nhà phạm phong thủy hoặc được xây lên để trấn yểm chứ không màng tới chuyện kinh doanh, không ít người cho rằng chẳng lãnh đạo công ty nào dám bỏ ra trên 55 triệu USD ở thời điểm 1994 xây tòa nhà trên, để trấn yểm giúp cộng đồng của mình.
Với truyền thống coi trọng âm dương ngũ hành, lại rành rẽ thuật phong thủy thì những nhà đầu tư chuyên về kinh doanh địa ốc đến từ Hong Kong sẽ không bao giờ phạm phải sai lầm về phong thủy. Cách lý giải hình dáng tòa nhà giống con thuyền hoặc ba cây nhang chỉ là do nhìn thấy giống cái gì thì luận ra như vậy.
Kiến trúc cổ cũng không thiếu những con đường đi xuyên qua nhà giống như tuyến Đỗ Ngọc Thạnh xuyên qua Thuận Kiều Plaza. Gate Tower Building là một trong những tòa cao ốc thú vị nhất Nhật Bản do tại các tầng 5, 6 và 7 của tòa cao ốc văn phòng 16 tầng này là con đường cao tốc xuyên qua.
Mặc dù hằng ngày tại đây vẫn có hàng chục ngàn lượt phương tiện qua lại, nhưng hoạt động kinh doanh vẫn diễn ra bình thường. Do đó, những đồn đoán về việc đường Đỗ Ngọc Thạnh xuyên dưới Thuận Kiều Plaza gây thoát vượng khí hoặc giống như mũi dùi xuyên vào con thuyền gây đắm, là không có căn cứ khoa học.
Được biết, hiện Công ty CP đầu tư An Đông đang có kế hoạch cải tạo công năng của tòa tháp này. Hy vọng thời gian không xa, với cách làm khoa học từng thành công tại nhiều DA, công ty này sẽ tiếp tục gặt hái kết quả tại Thuận Kiều Plaza, góp phần xóa tan những câu chuyện đầy hư cấu xung quanh những tòa tháp này.