Giải mã sức mạnh cạnh tranh của công ty nghèo
Xuất phát điểm ở một nước nghèo, khó khăn đem lại cho công ty Việt Nam sức mạnh đặc biệt khi ra nước ngoài cạnh tranh với những ông lớn trên thế giới.
Unitel - liên doanh viễn thông của Viettel tại Lào đã vượt qua rất nhiều đối thủ sừng sỏ và chiến thắng tại Giải thưởng Truyền thông Thế giới 2012, tại hạng mục “Hãng viễn thông tốt nhất tại thị trường đang phát triển”. Trước đó, Metfone (công ty do Viettel đầu tư tại Campuchia) cũng đã đoạt giải thưởng này.
Cả 2 thương hiệu (Unitel và Metfone) đều có chung một đặc điểm, ngay khi mới khai trương dịch vụ đã có hạ tầng lớn nhất, vượt cả những công ty kinh doanh nhiều năm trước đó. Sang năm sau, Unitel và Metfone đều vươn lên giữ vị trí số 1 về thị phần tại Lào và Campuchia (với khoảng 50% về thuê bao). Và đến năm thứ 3 hoạt động, cả 2 công ty này đã bắt đầu chuyển lợi nhuận về nước.
Việc một công ty đến từ Việt Nam - quốc gia trước đây từng tồn tại tình trạng độc quyền và cước viễn thông cao nhất thế giới, lại có thương hiệu thành công lớn ở nước ngoài, vượt qua nhiều tập đoàn viễn thông toàn cầu như O2, Vodafone, Telefonica, America Movil, Beeline… được coi là một hiện tượng lạ.
Trong những lần ra nước ngoài nhận các giải thưởng của thế giới, châu lục về viễn thông, lãnh đạo của tập đoàn viễn thông Viettel thường xuyên nhận được câu hỏi của các nhà đầu tư nước ngoài, báo chí về lợi thế cạnh tranh đặc biệt của công ty đến từ Việt Nam. Ngoài những yếu tố về chiến lược, tầm nhìn khi đầu tư, một trong những lợi thế cạnh tranh quan trọng được lãnh đạo Viettel giải thích, đó là: “Chúng tôi được lớn lên và rèn luyện từ một thị trường nghèo. Là những người nghèo, chúng tôi có được sức mạnh mà người giàu khó có được”.
Quen với thị trường nghèo, công ty đến từ Việt Nam có lợi thế hơn các đối thủ giàu |
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, phó tổng giám đốc Viettel lý giải, những tập đoàn viễn thông lớn của thế giới đầu tư ở Lào, Campuchia, Haiti, Mozambique thường quen với thị trường giàu. Mức tiêu thụ của người dùng trung bình ở những nước phát triển thường là hàng chục USD/tháng. Khi vào những thị trường mà mức tiêu thụ bình quân chỉ ở mức 10 USD, thậm chí dưới 5 USD, họ sẽ gặp khó khăn lớn. Trong khi đó, Viettel đã quen cạnh tranh và thành công ở Việt Nam, nơi có mức tiêu thụ trên mỗi thuê bao dưới 5 USD/tháng, thậm chí có nơi chỉ 1-2 USD.
Bên cạnh đó, khi đầu tư ra nước ngoài, các tập đoàn lớn sẽ rất khó cử hàng trăm chuyên gia sang xây dựng mạng lưới và đào tạo người bản địa bởi chi phí lớn. Đây là chưa kể đến việc cũng không có ngay nhiều nhân sự của họ sẵn sàng làm việc này ở các thị trường nghèo, điều kiện làm việc khó khăn.
Trong khi đó, Viettel lại có thể cử ngay hàng chục thậm chí cả trăm nhân viên sang Lào, Campuchia, và kể cả các quốc gia xa xôi, cách Việt Nam cả ngày đường máy bay như Mozambique, hay quốc gia vừa trải qua thảm họa động đất kinh hoàng như Haiti… để xây dựng mạng lưới và đào tạo người sở tại. “Hàng trăm người đã thạo nghề, có kinh nghiệm ở thị trường cạnh tranh cao nhưng doanh thu trung bình trên một thuê bao lại thấp và tràn đầy nhiệt huyết sẽ đào tạo nhân viên sở tại nhanh trưởng thành hơn nhiều. Việc xây dựng mạng lưới, triển khai kinh doanh cũng nhờ vậy được đẩy rất nhanh. Đó cũng là bởi chúng tôi luôn tràn đầy khát vọng nên không ngại khó, ngại khổ và sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu”, lãnh đạo Viettel chia sẻ.
Theo Sài Gòn giải phóng