Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giải mã quan hệ đồng tính trong thế giới côn trùng

Côn trùng giao phối đồng giới do chúng nhầm lẫn, hành động vội vàng hoặc cố tình đánh lừa các đối thủ khác.

Livescience đưa tin các chuyên gia của Đại học Tel Aviv, Israel và Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sỹ tại Zurich phân tích hơn 100 nghiên cứu về quan hệ đồng tính trong giới côn trùng để xác định bản chất hành vi này.

Chuồn chuồn kim giao phối.

Nhóm nghiên cứu tập trung vào sự tương tác giữa những con đực với nhau để đơn giản hóa việc phân tích. Kết quả cho thấy, hầu hết trường hợp quan hệ đồng giới xảy ra trên côn trùng đều do tai nạn. Cụ thể, những con côn trùng đực hiểu nhầm tín hiệu của đồng loại khiến chúng vội vàng giao phối để không bị kẻ khác “cướp cơ hội”.

Nhà sinh thái học tiến hóa Inon Scharf tại Đại học Tel Aviv cho biết: “Côn trùng tiến hóa để có khả năng giao phối nhanh và không thực sự cần sự chấp thuận của bạn tình. Chúng nắm lấy mọi cơ hội để giao phối bởi nếu chậm chân hơn kẻ khác, chúng sẽ mất cơ hội duy trì nòi giống trong nháy mắt”.

Trong nhiều trường hợp, con đực mang theo mùi hương đặc trưng của con cái mà chúng vừa giao phối, khiến những kẻ khát tình khác nhầm lẫn. Ngoài ra, trong một số trường hợp hình dáng và màu sắc của con đực gần giống với những con cái cũng tạo ra sự nhầm lẫn. Chính vì lẽ đó, một số con côn trùng đực giao phối theo tiêu chí: “thà nhầm còn hơn bỏ sót” khiến con người tò mò về quan hệ đồng giới của chúng.

Tuy nhiên, một vài loài côn trùng lại cố ý gây nhầm lẫn cho những đối thủ mạnh hơn để tăng khả năng tiếp cận bạn tình tiềm năng. Chẳng hạn, sâu bướm đực, ong bắp cày cố tình giả dạng một con cái để đánh lừa những đối thủ mạnh. Trong khi đó, một số loài bọ cánh cứng quan hệ đồng giới để bơm tinh trùng sang kẻ địch, tăng cơ hội duy trì nòi giống theo cách gián tiếp với những bạn tình nó chưa từng gặp mặt.

Trên thực tế, cơ thể côn trùng đực sẽ bị tổn thương nếu như là nạn nhân của quan hệ đồng giới. Trải qua quá trình chọn lọc tự nhiên, điều này được không ít loài côn trùng tận dụng nhằm làm suy giảm sức cạnh tranh của những con đực khác. Tuy nhiên, ở một số côn trùng đực nhất định, cơ quan sinh dục giống cái được hình thành nhằm giảm thiểu những thiệt hại do quan hệ đồng tính.

Trong khi quan hệ đồng tính giữa những con đực là sự nhầm lẫn hoặc cách để triệt hạ đối thủ, quan hệ đồng tính giữa những con côn trùng cái dường như là hành vi có chủ ý hơn. Một nghiên cứu phát hiện ra rằng, một số con bọ cánh cứng cái cố tình gắn chặt với nhau để trông chúng có vẻ lớn hơn. Kích thước của con cái càng lớn thì sự chú ý của con đực càng tăng.

Nghiên cứu cũng cho thấy, hành vi quan hệ đồng giới trên côn trùng hoàn toàn khác biệt so với những loài có xương sống. Chẳng hạn, một số loài linh trưởng, hay chim mòng biển quan hệ đồng giới nhằm phục vụ mục đích phức tạp hơn - như duy trì liên minh. Tuy vậy, không nghiên cứu nào có thể xác định động vật đạt khoái cảm trong quan hệ đồng giới hay không.

Hồng Duy

Bạn có thể quan tâm