Flappy Bird đã vỗ cánh những lần cuối cùng, trò chơi miễn phí nổi nhất trên iPhone đầu năm nay đã được gỡ xuống bởi chính tác giả Nguyễn Hà Đông: “Tôi xin lỗi những người chơi Flappy Bird, 22 tiếng kể từ bây giờ tôi sẽ gỡ Flappy Bird xuống”; “Tôi không thể tiếp tục được nữa” – anh chia sẻ trên Twitter. Một vài người nhìn thấy đây như chiến thắng ngắn ngủi của một nhà thiết kế game đích thực, số khác lại quở trách Đông về số tiền kiếm được tới 50.000 USD mỗi ngày. Tất cả đều không công bằng, Flappy Bird đã bị xem thường, ít nhất một phần, bởi những hiểu lầm về cách mà ngành công nghiệp game và các nhà phát triển game làm việc.
Flappy Bird có cách chơi rất đơn giản. |
Trong trường hợp bạn đã bỏ lỡ trò chơi hấp dẫn này, xin được giải thích rằng Flappy Bird là một game miễn phí (free-to-play), trong đó người chơi đưa chú chim vượt qua chướng ngại vật là các cột hình ống bằng cách chạm vào màn hình để điều khiển độ cao của chú chim. Giao diện này rất đơn giản, song lại đặc biệt khó. Nhiều người phải mất vài phút để qua được ống đầu tiên, và có những người phải bỏ ra hàng giờ để chinh phục mốc 10 điểm. Người ta ghét nó, song họ không thể dừng lại.
Có một sự cân bằng tuyệt vời trong Flappy Bird
Flappy Bird là sự tiếp nối của một phong cách tiếp cận thiết kế game không khoan nhượng, đã có cả một lịch sử dài đằng sau phong cách này. Về cơ bản, video game hướng đến sự cân bằng, khiến người chơi có đủ cảm hứng để luôn giữ lấy tay cầm và cũng đủ khó khăn để họ không cảm thấy nhàm chán. Cách tốt nhất để làm được điều này chính là khiến người chơi cảm thấy họ có thể làm được tốt hơn. Còn nếu thất bại, họ sẽ tự giận dữ với bản thân mình đủ để bị cuốn vào vòng lặp không hồi kết.
Vào những năm đầu sự nghiệp, tác giả Shigeru Miyamoto của trò Super Mario đã dành rất nhiều thời gian nghiên cứu các game đình đám như Pac-Man và cố gắng tìm ra lý do tại sao chúng nổi tiếng như vậy. Cuối cùng, ông kết luận: “Đó là bởi người chơi tự phát điên với chính mình, nên tôi đã cố gắng phân tích ra cách để khiến họ cảm thấy như vậy”. Tất cả đều phải xoay quanh sự cân bằng.
Một sự cân bằng rất tốt trong Flappy Bird. |
Tương tự, mặc dù Flappy Bird chỉ dựa trên sự tương tác đơn giản: “chạm để đập cánh” - song rõ ràng Hà Đông đã phải dành hàng giờ để tìm ra khoảng “nâng thẳng đứng” (của chú chim khi chạm vào màn hình) chỉ bằng đầu vào đơn giản này, cũng như khoảng cách chính xác và hợp lý giữa những chiếc ống. Với người chơi, họ cảm thấy mình có khả năng điều khiển chú chim thật tốt, và khi thất bại, họ sẽ tự trách mình – xin nhắc lại, điều này là cực kỳ quan trọng, là hạt nhân của các dòng game từ Space Invaders đến Call of Duty. Flappy Bird có một thiết kế tuyệt vời khi nhìn từ góc độ này.
“Điều khiến Flappy Bird làm việc đặc biệt hiệu quả là nó giúp loại bỏ tất cả những sự phức tạp bên lề và tập trung vào một cơ chế đầu vào đơn giản”, Bennett Foddy, nhà thiết kế game nổi tiếng với nhiều game ăn khách như Qwop and Girp nhận định. Foddy bổ sung: “Nó cũng có cả sự tinh tế, ví dụ như chiều rộng của các vật cản chỉ lớn hơn một nửa khoảng cách của mỗi lần vỗ cánh/nhảy một chút – khiến bạn phải phân vân xem có nên chạm vào màn hình khi nằm giữa một chiếc ống hay không. Điều này thực sự là thiên tài. Flappy Bird chính là bằng chứng rõ ràng về việc điều chỉnh kỹ càng một trò chơi quan trọng hơn nhiều so với đưa ra các cơ chế thông minh hay đồ họa đẹp, xét về khía cạnh thưởng thức thiết yếu của người dùng”.
Ăn cắp từ Super Mario?
Vậy tại sao có nhiều người (hầu hết không thuộc lượng người chơi khổng lồ của Flappy Bird) lại ghét nó đến vậy? Một lý do khá phổ biến là cáo buộc game đã “nhái” thiết kế của Super Mario, và rằng nó đã dùng lại rất nhiều hình ảnh vốn đã quen thuộc trong các dòng game cổ điển của Nintendo. Song nên nhớ rằng đã có rất nhiều video game ăn theo Super Mario như vậy trong hàng chục năm qua, ví dụ như Great Giana Sisters.
Foddy tiếp tục: “Các yếu tố nghệ thuật của Flappy Bird thực tế không hề gần gũi hơn với Super Mario khi so cùng hàng ngàn game nổi tiếng và cả ít được biết đến trong 20 - 30 năm qua. Hầu hết các chỉ trích nhắm vào những chiếc ống màu xanh lá cây - cũng chính là những gì hai dòng game đình đám Super Meat Boy và Braid sử dụng, song chẳng ai trong số chúng phải nhận lấy những gì Flappy Bird bị cáo buộc”.
Hầu hết những cáo buộc nhắm đến Flappy Bird đều là về vấn đề bản quyền khi so sánh với tựa game kinh điển Super Mario. |
Một số người khác chỉ ra rằng Flappy Bird có cách chơi giống với trò Piou Piou hay Helicopter Game ra đời từ lâu. Song hãy nhớ rằng các tựa game nổi tiếng mà chúng ta biết đến ngày nay đều được lấy ý tưởng từ những sản phẩm trước đó, bổ sung thêm các tính năng mới, sửa đổi chúng và phát hành các biến thể. Ví dụ như Space Invaders “đẻ” ra Galaxian và nhiều game khác, Minecraft vay mượn ý tưởng từ Infiniminer và Dwarf Fortress, các nhà làm game người Anh thập niên 80 thậm chí còn tự tạo cho riêng mình phiên bản của Donkey Kong hay Pac-man... Đó là cách để lan truyền và phát triển ý tưởng.
“Thực tế, Flappy Bird thuộc thể loại game đã rất lâu đời, đó là cưỡng bức di chuyển. Những game tương tự xuất hiện từ rất sớm như Mars, Jump Bug hay Fly Boy hồi thập niên 80 và hàng ngàn game tương tự khác đã và sẽ được khai sinh mỗi năm. Một game tôi khá thích là Thrustburst cũng có cách chơi rất giống Flappy Bird”, Foddy cho hay.
Trận chiến nhân bản
Dĩ nhiên, luôn có những nỗ lực để đánh lạc hướng game thủ bằng những cái tên rất giống một sản phẩm thành công nào đó. Và họ lợi dụng những gian hàng trực tuyến để bán những sản phẩm được gọi là “nhân bản” này. Đó là lý do tại sao nhà phát hành nổi tiếng King muốn bảo vệ Candy Crush Saga khỏi hàng tá người vi phạm bản quyền, song, trong mảng thiết kế, chính Candy Crush Saga cũng tương đồng với nhiều dòng game “nhóm ba” khác như Bejeweled, và Bejeweled cũng tương đồng với Puyo Pop, Puyo Pop tương đồng với Tetris...
Bên cạnh thiết kế, cũng có nhiều chỉ trích rằng Flappy Bird bị quá tải với các quảng cáo, và điều đó đúng. Song đây cũng là lựa chọn gần như duy nhất của các nhà làm game tự do. Chưa kể đến nhiều người làm game thậm chí đã bị dọa giết khi cố gắng kiếm thêm vài bảng từ việc bổ sung gói đính kèm, nâng cấp... Nói rõ hơn, để kiếm tiền, hoặc bạn phải yêu cầu người chơi trả phí cho các tùy biến của họ, hoặc phải liên hệ với các nhà quảng cáo, và hiển nhiên là người dùng không thích cả hai điều này.
Dĩ nhiên, Hà Đông đã thành công khi kiếm về tới 50.000 USD mỗi ngày từ quảng cáo. Và đó là căn nguyên của mọi sự ghen ghét, giận dữ. Đã có ý kiến cho rằng Đông sử dụng chương trình đăng bình luận giả để tăng xếp hạng của trò chơi, và rằng việc anh phải gỡ bỏ game vì bị ép buộc... Không ai khẳng định được điều này, và Hà Đông cũng đã lên tiếng phủ nhận mọi vấn đề liên quan đến pháp lý.
Phải chăng có sự tương đồng giữa Flappy Bird và WoW? |
Ẩn đằng sau tất cả là bóng ma “bài ngoại”. Nếu Đông là một là một sinh viên ở Đại học Nam California hay chuyên viên công nghệ ở San Francisco, mọi thứ sẽ ổn thôi. Người ta sẽ gọi dự án của anh là “mô phỏng Super Mario”, thay vì “ăn cắp” từ game này. Tuy nhiên, Đông đến từ Việt Nam - quốc gia châu Á vốn không thật nổi tiếng với việc tôn trọng bản quyền. Giống như nhà thiết kế Merritt Kopas đã so sánh trên Twitter giữa trường hợp WoW trước kia và Flappy Bird hiện nay, cùng về hiện tượng “bài châu Á”.
Flappy Bird rõ ràng là một game vay mượn rất nhiều từ những người tiền nhiệm, và có thể nó gợi đến hình ảnh của Super Mario - một lần nữa - giống như hàng ngàn tên tuổi khác. Song hẳn phải bằng cách nào đó, nó mới thu hút được hàng triệu người chơi và thành công đến thế. “Tôi không thể tiếp tục được nữa” - Hà Đông đã viết như vậy, và trừ phi đây là một chiêu tiếp thị siêu hạng, hẳn anh đã học được một bài học từ lâu đời rằng: Thành công không phải lúc nào cũng đem đến hạnh phúc, nhất là trong thời buổi những phán xét qua mạng xã hội tràn lan như hiện nay.