Hoàng Thành Thăng Long, nơi ghi dấu tích của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam. |
Việt Nam phong sử là một trong những công trình sưu tầm và biên soạn đầu tiên về phong dao (thơ ca dao về phong tục) trong dân gian của Việt Nam. Tác giả của cuốn sách là Nguyễn Văn Mại (1852 - ?), tự Tiểu Cao, người Quảng Điền, Thừa Thiên, đỗ Phó bảng năm Kỷ Sửu (1889), từng làm chức Cơ mật viện ngoại lang.
Chia sẻ lý do biên soạn cuốn sách này, trong lời tựa cuốn sách, tác giả viết: “Nước Nam ta lập quốc lâu đời, trên dưới trong khoảng năm nghìn năm, chính trị của triều đình, phong tục của nhân dân, việc theo cũ hay đổi mới, việc người hiền giỏi, kẻ gian tham nổi lên đều còn ghi chép trong quốc sử, thỉnh thoảng lại tản mát trong phong dao của nhân dân. Nhưng trải qua các đời, thơ phong dao chưa được làm sách để quan Ngự sử trông nom, cho nên người đọc sử có điều chưa vừa ý”.
Xuất phát từ tình hình trên, Nguyễn Văn Mại đã ôm ấp việc thực hiện cuốn sách này từ hồi ông còn dạy ở Quốc học, trước khi được bổ vào chức Thị Lang Bộ Học (năm 1912) và bước đầu đã sưu tầm một số thơ phong dao, tra cứu điển cố, làm chú thích. Tuy nhiên, phải đến khi tác giả sách được bổ vào chức Bố Chánh sứ tỉnh Thanh Hóa thì việc biên soạn sách mới được thực hiện.
Việt Nam phong sử hoàn thành vào năm Duy Tân thứ 8 (1914), gồm 100 chương / thiên (câu) ca dao có từ triều Nguyễn trở về trước. Cụ thể: Từ Kinh Dương Vương đến Thục An Dương Vương 7 chương; Từ Triệu Vũ Đế đến mười hai sứ quân 9 chương; Từ Đinh Tiên Hoàng đến Thiếu Đế 6 chương; Từ Đinh Tiên Hoàng đến Nhà Lý 14 chương; Nhà Trần 14 chương; Hậu Lê 34 chương; Phụ thêm Nhà Tây Sơn 7 chương; Bổn triều (triều Nguyễn) 6 chương.
Mỗi chương (câu) được xếp theo các thể phú, tỷ, hứng. Bên cạnh đó, ngoài phần Nôm (thơ phong dao là chính văn), tác giả còn lấy Việt sử, dã sử ngoại truyện tiểu thuyết (bằng chữ Hán) làm chú thích để giải mã các câu chuyện, nhân vật, sự kiện lịch sử.
Sách Việt Nam phong sử. Ảnh: MC. |
Cũng đề cập đến chuyện lịch sử ngụ trong ca dao, Thanh Hóa Án sát sứ Đinh Xuân (trong lời bạt cuốn sách do ông đề) khẳng định: Nước Nam ta từ thời Hồng Lạc trở về trước, phong tục còn chất phác, từ thời Đinh, nhà Lý về sau tuy sử chép nhưng vẫn còn khuyết thiếu. Trong dân gian có những di tàng là những câu ca dao / những khúc hát chứa đựng ít nhiều những điều mà bút không thể chép hết, giấy không thể truyền hết, có chứa đựng những điều khuyết thiếu này.
Và từ những câu ca dao / những khúc hát (có nhiều câu rất quen thuộc, nhưng không phải ai cũng nắm được nguồn tích - tính tình, lịch sử - ngụ trong đó) này, chúng ta biết thêm, hiểu về những gì sử sách chưa chép hết, từ cương giới lãnh thổ quốc gia cho đến dòng giống người nước ta, việc hưng suy của các đời, việc nên hư của chính giáo, việc hậu bạc của phong tục, việc giỏi dở của nhân vật lịch sử…
Với 100 chương, cuốn sách đã cố gắng lý giải và làm rõ những điều còn khuyết thiếu trong quốc sử từ phong tục của nhân dân. Tác giả thực hiện việc này với một tinh thần tự tôn mãnh liệt.
Tuy nhiên, do những hạn chế nhất định của quan điểm phong kiến và thời đại của ông, nên có những đoạn tác giả giải thích còn có độ vênh với chính sử. Dẫu vậy, với những gì mà tác giả cố gắng truyền tải, cuốn sách là một tài liệu tham khảo bổ ích về lịch sử văn hóa Việt Nam cho nhiều đối tượng khác nhau.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.