Đại diện châu Á giành ngôi nhất bảng E sau những tính toán chiến thuật khó lường của HLV Hajime Moriyasu.
Chiến lược gia nổi tiếng là thực dụng của tuyển Nhật Bản đã sử dụng cựu binh Yuto Nagatomo trong đội hình chính thức ở vị trí hậu vệ cánh trái hoặc wing-back trái ở cả 3 trận vòng bảng World Cup lần này. Đó có thể xem là một trong những quyết định điển hình của ông Moriyasu.
Moriyasu đã đúng?
Trong cả 3 trận, Nagatomo đều được rút ra sân chỉ sau 45 phút đầu và nhường lại vị trí của mình cho một cầu thủ có sở trường tiền đạo cánh. Kaoru Mitoma là người được lựa chọn ở các cuộc đối đầu trước Đức và Tây Ban Nha.
Không rõ những quyết định ấy có phải là tính toán chủ động của ông Moriyasu không nhưng Mitoma đã để lại dấu ấn đậm nét ở cả 3 lần cầu thủ này xuất hiện trên sân từ ghế dự bị tại vòng bảng.
Dấu ấn của Mitoma trong bàn thắng quyết định của Nhật Bản trước Tây Ban Nha. |
Cầu thủ mang áo số 9 của Nhật Bản vốn dĩ đang có được một phong độ xuất sắc dưới màu áo Brighton tại Ngoại hạng Anh. Từ vị trí của một dự bị chiến thuật, Mitoma thậm chí đã chiếm được suất đá chính ở đội bóng đang được HLV Roberto De Zerbi dẫn dắt.
Sự lì lợm, khả năng đi bóng chắc chắn và đột biến cùng những bước chạy bền bỉ của cầu thủ này mang đến cho bất cứ đội bóng nào một lựa chọn đáng tin cậy trong khâu tấn công từ hành lang cánh trái.
Không quá khi nói mỗi khi Mitoma có mặt trên sân, tốc độ những tình huống tiếp cận khung thành đối phương của Nhật Bản luôn trở nên khác biệt. Hai bàn quan trọng của Nhật Bản trong những cuộc đối đầu với Đức và Tây Ban Nha đều có dấu ấn lớn từ cầu thủ tấn công 25 tuổi.
Mitoma giúp Nhật Bản tăng tốc khi tấn công. |
Ở cánh đối diện, một cầu thủ có phẩm chất tương tự khác cũng ghi dấu ấn của mình: Junya Ito. Khác với Mitoma, Ito là một trong những cầu thủ được HLV Moriyasu đặt niềm tin lớn nhất.
Trong sơ đồ 4-2-3-1 mà Nhật Bản thường xuyên sử dụng, tiền vệ 29 tuổi gần như được mặc định một vị trí chính thức ở hành lang cánh phải. Tuy nhiên, vẫn có những quyết định khác thường được đưa ra về vai trò của Ito.
Khi Nhật Bản cần có được bàn thắng, ông Moriyasu đã kéo Ito xuống chơi trong vai trò wing-back phải với sơ đồ 3-4-3. Tốc độ và sự bền bỉ cũng là yếu tố hàng đầu mà Ito thể hiện trong vị trí này.
Với Ito ở cánh phải và Mitoma ở cánh trái, sơ đồ 3-4-3 của tuyển Nhật Bản ở những thời điểm nhất định không giống với những hệ thống 3-4-3 thông thường. Họ có hai cầu thủ chạy cánh chơi rất cao trên phần sân đối phương, được tự do trong các quyết định với bóng và sẵn sàng xâm nhập các phạm vi nguy hiểm.
Cấu trúc đội hình của Nhật Bản ở thời điểm đội bóng này cần bàn thắng. |
Từ hình ảnh cực kỳ an toàn ở 45 phút đầu trận ra quân với Đức bằng sơ đồ quen thuộc 4-2-3-1, ông Moriyasu đã ba lần thực hiện thay đổi và sử dụng hệ thống 3-4-3 với gần như tất cả cầu thủ tấn công tốt nhất của mình trên sân.
Chiến lược gia 54 tuổi thậm chí khẳng định đội bóng của mình đã làm mọi thứ đúng đắn trong thất bại trước Costa Rica ở lượt đấu trước. Đó có thể xem là dấu hiệu khẳng định rằng những tính toán kỹ lưỡng đã được ban huấn luyện Nhật Bản đề ra trước khi bước vào bảng đấu khó khăn tại World Cup lần này.
Họ luôn tiếp cận trận đấu với hai kế hoạch. Chơi an toàn bằng một nhịp độ thấp với hệ thống 4-2-3-1 và sẵn sàng bung sức với hệ thống 3-4-3.
Lứa cầu thủ tài năng của Nhật Bản
Có thể nói, Ito và Mitoma đủ khả năng để chơi trong một vai trò gần vùng cấm địa đối phương hơn. Đó cũng là vị trí họ được lựa chọn trong màu áo CLB của mình. Việc Moriyasu sử dụng hai cầu thủ này trong vai trò wing-back ở những thời điểm Nhật Bản cần bàn thắng chỉ ra rằng Nhật Bản đang sở hữu những cá nhân với phẩm chất đa dạng trên hàng tấn công.
Nếu như Takuma Asano là người tỏa sáng để mang về chiến thắng trước Đức thì Ritsu Doan là người có pha dứt điểm mở ra cuộc lội ngược dòng trong chiến thắng trước Tây Ban Nha. Nhật Bản không sở hữu một mẫu trung phong đủ khả năng tạo ra sự áp đảo trong khu vực 16,5 m trước các đối thủ tầm cỡ về thể chất tại châu Âu hay châu Mỹ nhưng họ lại có những cá nhân tạo ra sự đột biến cao.
Ông Moriyasu có lẽ là một trong những HLV đã thực hiện nhiều sự thay đổi nhất trên hàng tấn công trong các trận đấu tại World Cup. Khi cả Daizen Maeda và Ayase Ueda, những tiền đạo mũi nhọn, không thể hiện được khả năng, Nhật Bản vẫn còn đó những mẫu tiền vệ tấn công có phẩm chất khác nhau như Asano, Doan, Minamino. Họ đều biết cách tỏa sáng bằng khả năng xâm nhập và dứt điểm của mình.
Ritsu Doan luôn tạo ra dấu ấn ở những lần được tung vào sân. |
Thành công sau vòng bảng của đại diện châu Á có dấu ấn lớn từ những thay đổi của vị chiến lược gia 54 tuổi. Ông Moriyasu có thể được đánh giá là bảo thủ, thực dụng và luôn đưa ra những lựa chọn khó hiểu. Nhưng tại World Cup lần này, HLV trưởng của Nhật Bản phần nào đã thoát khỏi vùng an toàn của mình ở những thời điểm ngặt nghèo của đội bóng bằng các quyết định quyết đoán.
Hình ảnh đội tuyển Nhật Bản bây giờ đã được phác họa một cách rõ nét. Họ sẵn sàng giảm nhịp độ trận đấu, chơi chắc chắn trước khi chờ đợi thời điểm để tăng tốc với những cá nhân sở hữu phẩm chất khác nhau trên hàng tấn công.
Họ đã thắng cả Tây Ban Nha và Đức theo cách này. Và đây là điều chắc chắn sẽ mang đến sự tự tin lớn cho ông Moriyasu và các cầu thủ trong trận knock-out với Croatia.
Những cuốn sách đáng đọc về Ngoại hạng Anh
Mục Thể thao xin giới thiệu tủ sách về Ngoại hạng Anh, cung cấp cho độc giả thông tin về những biểu tượng của giải đấu, các chức vô địch, và những khoảnh khắc đáng nhớ của giải đấu hấp dẫn nhất thế giới.