Giải mã hệ thống tên lửa S-300 'đắt hàng' tại Việt Nam
Không chỉ ở Việt Nam, hệ thống tên lửa đất-đối-không S-300 còn là lựa chọn phòng thủ số 1 của hàng loạt quốc gia trên toàn thế giới, nhờ khả năng tiêu diệt hiệu quả các loại máy bay và tên lửa hành trình của đối phương.
S-300 là hệ thống đánh chặn tầm xa, do NPO Almaz của Nga sản xuất. Được NATO gọi với cái tên SA-10, tất cả biến thể sau này là thành tựu kế thừa của phiên bản đầu tiên S-300P.
Bệ phóng tên lửa, radar của hệ thống S-300 trên các xe tự hành. |
Ra đời với mục đích phòng thủ, đáp ứng yêu cầu đánh chặn tầm xa máy bay và tên lửa hành trình cho quân đội Liên Xô, S-300 là một trong những hệ thống đánh chặn cơ động và hiệu quả nhất thế giới. Các biến thể sau này của S-300 cho phép nó bắn hạ cả tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Hệ thống S-300 đầu tiên được triển khai năm 1979, nhằm bảo vệ những cơ sở công nghiệp, hành chính lớn, các căn cứ quân sự và kiểm soát không phận nhằm chống lại các cuộc không kích của kẻ thù. Chính vì lẽ đó, sự ưu việt trong thiết kế là điệu kiện bắt buộc mà S-300 phải có để đáp ứng nhu cầu phòng thủ của Liên Xô, trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh lên tới đỉnh điểm.
Bệ phóng lưu động giúp tăng tính chiến đấu của S-300. |
Tính tới thời điểm hiện tại, S-300 vẫn được coi là hệ thống phòng không mạnh nhất. Đội radar tối tân cho phép nó theo dõi đồng thời 100 mục tiêu trong khi giám sát chặt chẽ và phát lệnh bắn hạ 12 mục tiêu được cho là nguy hiểm nhất. Ngay sau khi radar tầm xa phát hiện ra kẻ xâm phạm lãnh thổ, tên lửa S-300 cần 5 phút để triển khai và sẵn sàng phóng. Đặc biệt, do cấu tạo đóng kín nên tên lửa của S-300 hoàn toàn không cần bảo trì trong suốt thời gian sử dụng.
Để đáp ứng các mục tiêu tác chiến ngày càng cao, hệ thống radar của S-300 cũng ngày càng được cải thiện, nhằm mục đích đối phó tốt hơn, bảo vệ được những khu vực rộng lớn hơn. Thậm chí, radar của S-300 còn cho phép phát hiện, theo dõi và bắn hạ các loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn hay thậm chí là các mục tiêu bay ở tầm cực thấp.
Đại gia đình S-300. |
Tính tới thời điểm hiện tại, gia đình S-300 có 3 biến thể chính là S-300V, S-300P và S-300F với hàng loạt những biến thể con. Tuy nhiên, chỉ có một vài biến thể được Nga phát triển dành cho xuất khẩu trong đó có hệ thống S-300PMU1 mới được chuyển giao cho phía Việt Nam. Dù không nhiều biến thể S-300 được chào bán nhưng số lượng các quốc gia sở hữu loại tên lửa phòng không này lại không hề nhỏ.
S-300PMU1 là phiên bản cải tiến của hệ thống S-300P, được ra đời vào năm 1992 và nhanh chóng gây được sự chú ý. S-300PMU1 ra đời với khả năng phóng đi loại tên lửa mới, lớn và dài hơn so với tên lửa 48N6 được sử dụng trong những mẫu S-300 đầu tiên. Chính thức được giới thiệu năm 1999, S-300PMU1 là hệ thống đầu tiên sở hữu đồng thời khả năng phóng 2 loại tên lửa trong một hệ thống duy nhất.
Tên lửa S-300 khai hỏa. |
Với mỗi loại tên lửa khác nhau cho phép khả năng tiêu diệt mục tiêu của S-300PMU1 cơ động hơn. Cụ thể, khoảng cách tối đa mà tên lửa của S-300PMU1 có thể tiêu diệt mục tiêu lên tới trên 120 km. Trong khi đó, phiên bản S-300 tối tân nhất có thể triển khai tên lửa 40N6, với tầm bắn lên tới 400 km. Ngoài ra, tất cả các tên lửa của gia đình S-300 đều có thể tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách dưới 1 km.
Sở hữu hệ thống radar điều khiển 83M6E giúp hệ thống S-300PMU1 hoạt động hiệu quả hơn. Radar 83M6E kết hợp với radar 64N6E BIG BIRD cho phép tăng cường khả năng giám sát/phát hiện. S-300PMU1 trang bị hệ thống theo dõi và kiểm soát hỏa lực tầm cao 30N6E, tầm thấp 76N6 CLAM SHELL và radar kiểm soát đa nhiệm 96L6E. Đặc biệt, hệ thống chỉ huy và kiểm soát 83M6E cho phép điều khiển đồng thời 12 ống phóng trên các xe tự hành.
Đội radar hùng hậu của tổ hợp S-300. |
Hệ thống radar và kiểm soát hỏa lực của S-300PMU1 được đánh giá là hiện đại hàng đầu trong hàng ngũ hệ thống phòng không S-300. Những phiên bản S-300 tối tân nhất được chế tạo nhằm chống lại các loại tên lửa đạn đạo liên lục địa còn được trang bị radar 64N6F BIG BIRD, cho phép nó phát hiện ra tên lửa đạn đạo khi nó cách nơi đặt radar 1.000 km. Với loại tên lửa có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách 400 km, những loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn dễ dàng bị S-300 bắn hạ.
Một điều nữa khiến S-300 được ưa chuộng rộng khắp chính là khả năng cơ động của hệ thống. Không chỉ bệ phóng, các loại radar và trung tâm điều khiển của S-300 đều được đặt trên các thiết bị chuyên chở chuyên dụng. Radar 64N6E/F BIG BIRD được đặt trên một xe kéo lớn cùng hệ thống máy phát điện riêng trong khi radar 76N6 CLAM SHELL với những cột ăng ten cao từ 24 – 39 m có thể thu gọn nên rất cơ động.
Video: Sức mạnh tổ hợp S-300. |
Trịnh Duy
Theo Infonet