Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Giải mã ‘Con người’ Tùng Dương

“Human” xứng đáng là album xuất sắc của nhạc Việt năm 2020. Trải qua một năm với không ít gian nan và đặc biệt, còn gì phù hợp hơn là kể chuyện và tôn vinh con người.

Review

review album Human Tung Duong anh 1

Tùng Dương đều đặn làm show những năm qua, đều đặn có những dự án âm nhạc kết hợp nhưng ít nhất là hơn 6 năm, tính từ dấu mốc Độc đạo, anh không có album concept mới. Human ra mắt vào cuối tháng 11 vừa qua, do vậy, là quá trình thai nghén lâu dài với không ít chờ đợi.

Song hành với album, Tùng Dương đã làm live show cùng tên ở Hà Nội với hai đêm liên tiếp. Nhưng trong khuôn khổ đêm nhạc nhà hát, với cả fan trung thành và khán giả thưởng thức đại chúng, 12 ca khúc trong đĩa Human đã không được giới thiệu trọn vẹn.

Dáng dấp “con người” vì thế mới chỉ là những nét phác họa vì chương trình vẫn phải nhường đất cho những bản nhạc cũ vốn đã được nhiều người yêu thích, dễ cảm và dễ nghe.

Có thể đó là lý do nhiều người chờ đợi một Tùng Dương bùng nổ sáng tạo vẫn cảm thấy “thòm thèm” hoặc chưa đủ “đã” với live show Human. Nhưng Tùng Dương đúng là tuýp nghệ sĩ biết tính toán những sáng tạo theo cách riêng và cũng biết chiều lòng lẫn cực đoan theo cách riêng.

Điều gì mà giới quan sát còn tiếc ở live show diễn ra Cung Việt Xô, anh lấp đầy ngay lập tức ở album. Một album với âm nhạc lộng lẫy, ngùn ngụt hơi thở của rock, của thời đại, của nhân sinh quan về con người và kiếp người.

Sợi chỉ đỏ từ một album concept

Ngoài chất giọng bản năng trời cho đẹp sẵn và kỹ thuật thanh nhạc vào hàng nổi bật bậc nhất của một nam ca sĩ Việt đương đại, giá trị góp phần làm nên “thương hiệu” Tùng Dương suốt 16 năm qua là những album concept kỳ công, sáng tạo và khác lạ trong dòng chảy chung.

Từ Chạy trốn (2004), Những ô màu khối lập phương (2007), Liti (2010) đến Độc đạo (2013), Tùng Dương chứng minh một chân dung nghệ thuật không lặp lại, không ngừng chuyển động, không ngừng biến hóa với những ý tưởng đa dạng và đa diện.

Phải là người có góc nhìn sinh động thì những hạt nhỏ li ti mới có thể mang đến nghĩ suy về dáng hình vũ trụ. Và phải là nghệ sĩ toàn tâm toàn trí cho sáng tạo mới có thể dụng công chọn lựa, đặt hàng những bài hát để phục vụ cho chủ đề chung với giá trị xuyên suốt như sợi chỉ đỏ trong một sản phẩm âm nhạc.

Lần này, “sợi chỉ đỏ” mà Tùng Dương tạo ra là câu chuyện về hành trình của con người thông qua loạt sáng tác của hai gương mặt chuyên sản sinh những ca từ trau chuốt và nặng trĩu: Bùi Caroon và Sa Huỳnh.

12 ca khúc là hành trình của con người trên thế gian này. Mỗi ca khúc là nấc thang của câu chuyện, được đặt để khéo léo nhằm tạo thành một thông điệp rõ ràng nhất.

Để rồi, Human như cuốn tiểu thuyết về kiếp người, như hành trình của thân tứ đại, hợp thành từ đất, nước, gió, lửa rồi cất tiếng khóc chào đời, rồi sinh ra, rồi vẫy vùng, rồi thăng hoa lẫn khổ đau, rồi chết, rồi mục rã. Và rồi lại hoài thai đầy kiêu hãnh, đầy yêu thương.

Mỗi ca khúc đóng vai trò cho những biểu đạt khác nhau nhưng lại gắn kết đến lạ thường, tạo thành thông điệp xuyên suốt, như sợi chỉ nhỏ mà bền chắc, luồn lách vào mạch nguồn cảm xúc của người nghe. Human chứng tỏ sức mạnh của một album concept. Và cũng chỉ có album concept với lượng bài dày dặn mới đủ để người nghệ sĩ kể chuyện và xây dựng chân dung âm nhạc riêng biệt của mình.

Giải mã câu chuyện về con người

Human mở đầu với Oa Oa, một sáng tác của Sa Huỳnh. Oa Oa cũng được coi là âm thanh khởi sinh của một kiếp người. Nhưng trong ca từ của Sa Huỳnh kết hợp với cách biểu đạt trọn ý của Tùng Dương và sự hỗ trợ đắc lực của nhạc cụ giao hưởng, Oa Oa là tiếng khóc nối dài của cả một đời người.

Khóc khi vui, khóc khi buồn. Khóc là trạng thái kéo mãi không nguôi: “Trẻ thơ khóc tiếng rất trong / Người yêu khóc tiếng chia ly / Người già đếm những nếp nhăn / Trời xanh khóc tiếng mưa rơi / Tình tôi khóc nỗi nhớ mong / Đời em khóc nỗi long đong”. Khóc khi đếm những đêm dài và khóc giữa trùng dương gân guốc…

Trạng thái "đếm" sau đó được tiếp tục ở Adam. Nhưng không phải đếm để khóc nữa mà là đếm để “ra con người”. Adam có lẽ là ca khúc thuộc nhóm tốt nhất album trong mọi phương diện từ giai điệu, xử lý của ca sĩ đến kỹ thuật âm thanh, bổ nhịp.

Ca khúc chứa đựng câu hỏi vừa có sự hoài nghi vừa mang hàm ý chất vấn: “Người thật người giả người buồn không? Riêng ta là ai là ai là ai hay là sai?”, để rồi người cất tiếng hát cũng phải ngậm ngùi kết luận: “Có đếm được vài trăm nữa không? Biết đếm làm sao ra con người”. Adam như trả lời cho Oa Oa, rằng khóc cười thì vẫn phải làm người, hết tỉnh rồi điên, hết đời thì về trời. Đếm và khóc để làm gì?

Người mùMắt đêm được đặt ở thứ tự thứ 3 và thứ 4 của album, mang nghĩa song hành, bổ sung cho nhau. Để tồn tại, hóa ra con người đâu chỉ có khóc cười mà còn phải đuổi theo lợi danh, gạo cơm. Ai cũng mưu cầu, ai cũng tưởng mình sáng tỏ, vậy thì ai mới đang mù, ai mới đang lầm đường? “Ai nợ ai, chờ ai, phụ ai chẳng qua cuộc đời như trò chơi” (Người mù).

Và kiếp người như sự xoay vòng, ngày hóa đêm, đêm lại hóa ngày, tưởng dài mà lại hóa ra ngắn. Con người đua tranh mà chẳng hay “Đời ngắn mấy chốc rồi thôi”, “Hồn lìa xác thân khuất đâu vẫn chờ”. Và thật bi kịch nếu không tìm ra được “ánh sáng cuối đường ray” (Mắt đêm).

Sau những ca khúc với sự hòa quyện của những nhạc cụ cổ điển và kỹ nghệ của rock, Bão hòa là phút dịu lại. Sau những “hỷ, nộ, ái ố” của con người, Bão hòa của Sa Huỳnh như lời động viên, an ủi.

Ca khúc khác tất cả sáng tác trước đó và cũng không giống nhạc mục kế tiếp. Bão hòa có thể được coi là một tuyệt phẩm của Sa Huỳnh với giai điệu và ca từ nhẹ nhàng mà tuyệt đẹp. Ca khúc cũng là màn thể hiện hòa quyện của Tùng Dương và diva duy nhất góp giọng trong album này: Hà Trần.

Sau Bão hòaBiểu bì có vẻ kén người nghe do ca từ rất trừu tượng nhưng nhịp điệu lại cuốn hút. Biểu bì vốn mang đến hình dung như một lớp màng bảo vệ của sinh vật nhưng Biểu bìHuman là thực thể rộng lớn hơn rất nhiều. Đó là lớp biểu màu xanh da trời, tồn tại vô số và có thể chịu hết những bỏng cháy. Nhưng có sức mạnh đến mấy rồi cũng chết, chết rồi lại tái sinh và sinh sôi.

Ca khúc thứ bảy của album là Con mèo nghèo. Với âm thanh như bước chân đang chạy thông qua những tiết tấu dồn dập, Tùng Dương gây ấn tượng trước hết bằng việc tạo ra tiếng mèo kêu: “Meo meo meo meo” đầy sắc âm.

Kỹ thuật của nam ca sĩ trong ca khúc này đặc biệt lôi cuốn với cách hát ma quái, khi thăng khi giáng, đôi chỗ hát như xé âm thanh. Qua mỗi verse lại tăng thêm sự thôi thúc, tiếng mèo kêu đa dạng như xuất phát từ nhiều con mèo khác nhau, mèo giàu, mèo nghèo. Nhưng rồi thì mèo nào cũng phải khóc, cũng phải trải qua những kiếp nạn đời người. Chỉ có cách là đừng thụ động chờ đợi niềm vui hay nỗi buồn đang đến, thay vào đó hãy “đứng lên trên đôi chân của mình”.

Sau sự dồn dập của Con mèo nghèo, Bi ca kế tiếp lại mở đầu với lối hát chậm, thủ thỉ, tiết chế sung lực của rock. Nhưng sau mỗi verse, lực lại được bỏ thêm. Âm thanh trầm của nhạc cụ hấp dẫn hòa với giọng ca sĩ. Cuối cùng ca khúc khép lại vang vọng như tấm bi ca. Cuộc sống thật vô thường.

Tứ vô thường sau đó được tiếp tục ở S.O.S, một ca khúc đầy sức gợi về mặt hình ảnh, như một bộ phim chuẩn bị mở ra trước mắt. Bài hát mở đầu với âm thanh của tiếng còi xe cứu thương. Những tiếng thét thất thanh, tiếng còi xe, tiếng ngân nga giọng hát, tiếng bánh xe vụt qua và khép lại đầy chóng vánh. Tất cả để phục vụ cho một thông điệp: “hãy nói yêu thương nhau từ bây giờ”.

Khi tiếng bánh xe của S.O.S khép lại, âm thanh của Mục rã cất lên. Đó là một sự sắp xếp hoàn toàn hợp lý về mặt nội dung. Trong album rock, Mục rã lại là ca khúc với chất rock đậm đặc bậc nhất.

Ca khúc phản ánh thông điệp không gì là trường tồn, bất diệt. Mục rã là chuyển hóa, là điều không thể tránh được. Phần ending của Sa Huỳnh với cách hát mộng mị của Tùng Dương tạo ra những dư cảm ám ảnh: “Tôi mục rã nhưng không gục ngã".

Album sau đó được tiếp tục với ca khúc thứ 11 đầy tính thời đại: Trí tuệ nhân tạo. Từ ngữ trẻ trung, cách xây tuyến giai điệu mới mẻ, Trí tuệ nhân tạo là góc nhìn đương đại và thời sự. Trong sự chuyển động không ngừng, thế giới cũng sẽ phát triển không ngừng. Trải qua những tấm thân tứ đại, con người cũng đã đóng góp biết bao cho nhân loại. Và con người cũng là tác giả của trí tuệ nhân tạo, những cỗ máy sẽ ngày một nhiều. Những cỗ máy có thể làm mọi chuyện, có thể giúp con người trong mọi thử thách, mọi hành trình khám phá. Nhưng ca khúc cũng như một lời thức tỉnh: Con người sẽ ở đâu? Sự khác biệt, cá tính của từng người sẽ ra sao?

Sau những suy tư về phát triển, Human khép lại với Mang thai. Ca khúc này có màu hoàn toàn khác nếu đặt trong một album nhạc rock. Nhưng về mặt câu chuyện, Mang thai lại là sắp xếp hợp lý. Con người phải trải qua không ít thăng trầm trên hành trình của mình, phải trải qua đau khổ và nước mắt, phải sinh và phải tử.

Nhưng con người cũng là thực thể, là sinh vật đặc biệt bậc nhất, xứng đáng được tôn vinh. Con người là nơi chứa đựng tình yêu và hạnh phúc, là trung tâm của vũ trụ. Do vậy, sự hoài thai là trạng thái đẹp đẽ biết nhường nào, “đàn bà lại mang thai đàn ông” trong những những tiếng ước vọng, mơ mộng, tình si của con người với “tịch tịch tính tang tang tang”.

review album Human Tung Duong anh 4

Nam ca sĩ mang rock cấp tiến đến thị trường năm 2020 trong bối cảnh rap đang lên ngôi và EDM vẫn còn vị thế.

Rock hồi sinh?

Khi Tùng Dương quyết định ra mắt một album rock, nhìn bên ngoài có thể coi đó là quyết định mạo hiểm. Bởi vì rap đang lên, pop ballad vẫn hưng thịnh theo cách riêng và thị trường thì vẫn chuộng những bản phối EDM. Chỉ có rock dường như đã bị lãng quên ở thị trường.

Nhưng với Human, ai còn dám nghĩ rock đã bị lãng quên. Rock có thể vẫn sống theo cách riêng, thậm chí sống trong hơi thở của một giọng ca từng định danh mình với dân gian đương đại. Rõ ràng, rock cũng là nơi Tùng Dương phô bày được nội lực ngùn ngụt của mình. Nội lực ấy trên thị trường âm nhạc hiện nay là điều không dễ gì kiếm được.

Tùng Dương và cộng sự đã mang Progressive rock, Industrial rock và Experimental rock đến với thị trường nhạc Việt 2020 với những lớp lang sáng tạo, thông minh và đáng khen ngợi. Tùng Dương thể hiện trình độ của người biên tập khi khéo léo chọn và đặt Bùi Caroon với Sa Huỳnh cạnh nhau. 11/12 ca khúc là của hai nhạc sĩ này, ngoài ra Trí tuệ nhân tạo của Duy Hùng cũng là nét chấm phá đẹp.

Về cộng sự sản xuất âm nhạc, lần này Tùng Dương bắt tay với Nguyễn Hữu Vượng và Lưu Quang Minh. Nguyễn Hữu Vượng những năm gần đây nổi bật với vai trò giám đốc âm nhạc một số live show thiên pop. Anh có tai nghe hướng đến đại chúng, trong khi Lưu Quang Minh lại là nhạc trưởng của dàn nhạc giao hưởng.

Sự kết hợp của hai producer khác biệt về phong cách cùng sự tham gia của Christian Wright - người từng góp phần cho thành công của Coldplay, Bjork - trong khâu master giúp Tùng Dương có được một album rock cấp tiến cuốn hút. Human xứng đáng là album xuất sắc của nhạc Việt trong năm nay.

Vì sao Tùng Dương chọn GDucky?

Trong buổi họp báo ra mắt album "Human", Tùng Dương chia sẻ màn kết hợp với GDucky là sự đột phá trong âm nhạc của anh. Nam ca sĩ dành kỳ vọng cho rapper 22 tuổi.

AMEE tim duoc tri ky? hinh anh

AMEE tìm được tri kỷ?

0

Trong bản acoustic “Từ thích thích thành thương thương”, AMEE và Hoàng Dũng mang đến thứ âm nhạc ngọt lành, dễ thương. AMEE đã tìm được giọng nam hòa hợp với mình.

Quang Đức

Bạn có thể quan tâm