Ma cây (tựa gốc: Evil Dead) là loạt phim huyền thoại của Mỹ do “ông hoàng kinh dị” Sam Raimi tạo ra, bao gồm 5 phim điện ảnh và 1 series truyền hình dài tập. Bộ ba phim gốc bao gồm The Evil Dead (1981), Evil Dead II (1987) và Army of Darkness (1992) đều do Sam Raimi viết kịch bản và đạo diễn, Robert G. Tapert sản xuất và Bruce Campbell đóng vai chính.
Năm 2013, Evil Dead hồi sinh dưới bàn tay đạo diễn Fede Alvarez. Tác phẩm được khởi chiếu từ ngày 5/4/2013 và ngay lập tức soán ngôi vương phòng vé từ tay G.I.Joe, The Croods, và cả phiên bản 3D Jurassic Park (Công viên kỉ Jura) của đạo diễn Steven Spielberg. Thế nhưng, phải tới tròn một thập kỷ sau, hậu truyện của dự án đình đám này mới trở lại màn ảnh rộng.
Cơn ác mộng của nhiều thập kỷ
Phần 5 của thương hiệu kinh dị huyền thoại mang tên Evil Dead Rises (tạm dịch: Ma cây trỗi dậy), dựa trên hệ thống nhân vật của Sam Raimi.
Phim theo chân Beth (Lily Sullivan) quay trở về thăm chị gái Ellie (Alyssa Sutherland) đang một mình chăm sóc 3 đứa con. Tuy nhiên, một cuốn sách cổ bất ngờ được giải phong ấn đã mở đường cho quỷ dữ trỗi dậy, chiếm lấy thân xác Ellie. Beth phải dũng cảm tìm mọi cách bảo vệ mình và các cháu, đồng thời giải cứu người chị đang bị thế lực hắc ám đày đọa.
Phim do Lee Cronin viết kịch bản kiêm đạo diễn. Bên cạnh Lily Sullivan và Alyssa Sutherland, dự án còn sự góp mặt của Morgan Davie , Gabrielle Echols và Nell Fisher. Thú vị ở chỗ, Evil Dead Rises mở rộng bối cảnh ra đô thị hiện đại trong cuộc chiến chống ác quỷ, thay vì chỉ xoay quanh cabin trong rừng như các phần trước đó.
Evil Dead Rises do Lee Cronin biên kịch kiêm đạo diễn. |
Dễ thấy, Evil Dead Rises vẫn mang đúng tinh thần của phiên bản gốc: tối đa hóa các chất liệu kinh dị. Đây cũng chính là yếu tố đã gây tiếng vang cho series này trong suốt nhiều thập kỷ. Đối với các “mọt phim” kinh dị, Ma cây là một thương hiệu huyền thoại khi nhắc tới dòng phim này, mang phong cách làm phim đặc trưng của Sam Raimi. Ông luôn “overmake” mọi thứ, bị “ám ảnh” với việc đẩy các yếu tố bạo lực, kinh dị lên cao trào.
Vì lẽ đó, “chữ ký” của vị đạo diễn hiển hiện trên mỗi phần phim được tạo ra. Cho tới Evil Dead (2013) - dù dự án đổi đạo diễn nhưng vẫn do Sam Raimi đảm nhiệm sản xuất. Tác phẩm được chính hãng Sony đánh giá là “bộ phim kinh dị nhất mà khán giả từng xem”. Đến mức, nó đã bị dán nhãn R (Restricted - Không dành cho người dưới 17 tuổi mà không có cha mẹ hoặc người giám hộ đi cùng).
Hay kể cả series truyền hình Ash vs Evil Dead (2015) cũng được xây dựng theo vibe trung thành với phiên bản gốc. Loạt phim giữ nguyên tất cả mánh lới tới từ thương hiệu Sam Raimi, đồng thời cài cắm những chi tiết mới để “hợp thời”, chiều lòng thượng đế.
Ít ai biết, quyết định hồi sinh thương hiệu này ngay từ đầu đã khiến khán giả hoài nghi. Để được chiếu trên TV, mức độ kinh dị nhiều khả năng sẽ bị các nhà sản xuất tiết chế. Ngoài ra, kinh phí hạn hẹp trong bối cảnh loạt phim nhiều tập rất có thể cũng sẽ kéo chất lượng phim lao dốc.
Thế nhưng, sức hút từ thương hiệu kinh dị huyền thoại vẫn không có dấu hiệu suy giảm. Những dự án liên tiếp nhận được phản hồi tích cực từ khán giả và các nhà phê bình. Không phải ngẫu nhiên, nhượng quyền thương mại này trở nên phổ biến và mở rộng sang các lĩnh vực khác, bao gồm cả trò chơi điện tử, truyện tranh hay thậm chí nhạc kịch.
Evil Dead là thương hiệu kinh dị nặng đô của Sam Raimi. |
Evil Dead cứ như vậy mà trở thành một tượng đài trong dòng phim kinh dị, gieo rắc cơn ác mộng với nhiều thế hệ khán giả trong suốt mấy thập kỷ.
Vẫn là kinh dị, nhưng cần thêm gia vị khác
Trở lại với Evil Dead Rises, khán giả đặt nhiều kỳ vọng vào một dự án mà họ “cần tới 10 năm để có thể gặp lại”. Thực chất, nếu để ý kỹ, ngay từ phần 2 - Evil Dead II, Sam Raimi đã biến tấu bộ phim kinh điển năm 1981 bằng việc thêm thắt nhiều yếu tố hài. Điều này giúp khán giả trở lại trạng thái thư giãn hơn sau những thước phim kịch tính, hồi hộp. Mà cũng từ đây, thể loại kinh dị hài chính thức được khai sinh.
Nhưng thực tế, càng nhiều phần phim được tạo ra, Sam Raimi càng gặp khó trong việc chinh phục khán giả. Bởi, cái bẫy “phim dễ đoán” là điều khó tránh: vẫn concept quen thuộc, với nhiều motif tình tiết – nhân vật lặp lại. Thậm chí, có ý kiến cho rằng chính nhà sản xuất đã khiến Evil Dead mất giá vì “tham lam” biến nó thành franchise (nhượng quyền thương mại).
Tuy nhiên, không thể phủ nhận thành công mà loạt phim này đã gặt hái. Ngoài bộ ba bản gốc huyền thoại, ngay như bản remake Evil Dead (2013) dù kinh phí sản xuất khiêm tốn vẫn thu về hàng trăm triệu USD. Điều này càng làm tăng sự tò mò về dự án mới sau nhiều năm thai nghén.
Áp lực một lần nữa đè nặng lên vai đạo diễn Lee Cronin. Ông vừa phải kế thừa những di sản mà Sam Raimi để lại, vừa phải tìm ra lối đi mới cho thương hiệu này. Và thật may, Cronin đã làm được điều đó.
Tại Liên hoan phim South by Southwest (SXSW), Evil Dead Rise nhận được nhiều phản hồi tốt. Theo tiết lộ, tác phẩm ban đầu được dự kiến phát hành trực tiếp trên kênh HBO Max. Tuy nhiên, chính những nhận xét tích cực từ các buổi chiếu thử khiến hãng Warner Bros. quyết định gửi phim ra rạp.
Evil Dead Rise có màn chào sân ấn tượng, được lòng giới phê bình. |
Đáng chú ý, trên chuyên trang đánh giá Rotten Tomatoes, Evil Dead Rise chào sân với điểm số cao tuyệt đối từ giới hàn lâm (100%) - đạt chứng nhận “cà chua tươi”. Nhiều cây bút không tiếc lời khen ngợi bộ phim mới của Lee Cronin.
“Evil Dead Rise không né tránh những gì làm nên tên tuổi cho loạt phim: tràn ngập máu me, ác quỷ trong những gương mặt quen thuộc hay kể cả là những vũ khí hay ho trong cuộc chiến chống lại thế lực vô danh”, Lex Briscuso của tờ The Wrap đánh giá.
Trong khi đó, Matt Donato của IGN Movies cho rằng phần phim này vừa tôn vinh những di sản tiền truyện, vừa làm được những điều mới mẻ: “Nó mang lại tất cả sự đẫm máu mà người xem mong đợi, kết hợp với một lượng yếu tố hài hước vừa đủ. Tất cả khiến Evil Dead Rises có thể trở thành một bộ phim yêu thích đối với người hâm mộ”.
Tuy nhiên, việc sử dụng tình tiết kinh dị, máu me với cường độ cao có thể là trở ngại trên con đường thương mại của Evil Dead Rises.
Tủ sách Điện ảnh - Truyền hình giới thiệu những cuốn sách hay và mới nhất về nền công nghiệp điện ảnh, công nghệ truyền hình của Việt Nam cũng như thế giới. Ngoài ra, tủ sách còn giới thiệu các tác phẩm đáng đọc về các bộ phim, diễn viên, MC... nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới.