Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Giải mã CLB Atalanta

CLB Atalanta có phong cách tấn công rực lửa được hình thành từ triết lý phóng khoáng của HLV Gasperini, nhưng chừng đó đã đủ để đội bóng sánh ngang với những tượng đài?

Atalanta anh 1

Với 93 bàn khi Serie A còn 5 vòng nữa mới hạ màn, viễn cảnh Atalanta phá cột mốc 94 bàn Napoli từng thiết lập vào mùa giải 2016/17 để trở thành đội bóng có hàng công mạnh nhất Serie A trong 60 năm qua là gần như chắc chắn.

Ngoài việc giải mã hàng công Atalanta, câu hỏi tiếp theo cần phải trả lời là vì sao đội bóng tí hon của vùng Bergamo lại có thể làm được điều mà tập thể tấn công vĩ đại nhất trong quá khứ của bóng đá Italy là AC Milan của Arrigo Sacchi và Fabio Capello không làm được.

Hàng công siêu khủng

Trên lý thuyết, CLB Atalanta sẽ chơi với sơ đồ 3-4-3 hoặc có thể biến chuyển thành 3-4-1-2 tùy tình huống. Papu Gomez (32 tuổi) sẽ đá hộ công. Josip Ilicic (32 tuổi) chơi tiền đạo lùi và Duvan Zapata (29 tuổi) đá trung phong. Nhân tố đá xoay vòng cho bộ ba có tổng số tuổi lên tới 93 này là Luis Muriel (29 tuổi)

Bộ tứ tấn công này ghi tổng cộng 63 bàn cho CLB Atalanta tính đến lúc này của mùa giải 2019/20. Tổng số tiền đội bóng thành Bergamo bỏ ra cho hàng công khủng này là 42 triệu euro. Người đắt nhất Muriel có giá 20 triệu. Người ghi bàn nhiều nhất, Ilicic, có giá 5 triệu.

Atalanta anh 2

Ilicic và Zapata đều tới Atalanta theo dạng cứu vãn sự nghiệp và sau đó thành công. Ảnh: Getty.

Cả 4 người này đều không đến Atalanta dưới dạng ngôi sao.

Ilicic dạt sang Atalanta theo dạng cắt lỗ khi Fiorentina buộc phải bán người để thoát nợ. Zapata bị chôn vùi gần như cả thanh xuân trong màu áo Napoli bởi không cạnh tranh nổi với Higuain và sang Atalanta dưới dạng hàng cho mượn kèm điều khoản mua đứt.

Papu Gomez tới Atalanta từ Metalis Kharkiv, một CLB chuyên xuất khẩu cầu thủ hạng trung. Muriel có giá 20 triệu euro, nhưng chỉ ghi nổi 13 bàn sau 65 trận khoác áo Sevilla.

Không phải là những ngôi sao hào nhoáng, nhưng dưới sự chỉ đạo của HLV Gian Piero Gasperini, tất cả đều nhả đạn và tỏa sáng đều đặn. Tư tưởng chuộng tấn công là một trong những yếu tố quan trọng trong việc khai thác tiềm năng của những ngôi sao chơi sát khung thành đối phương.

Ở Italy, Gasperini là mẫu HLV hiếm hoi (cùng với Zdenek Zeman) theo đuổi lối đá phiêu lưu này. Chia sẻ với Guardian hồi tháng 5, Gasperini nhấn mạnh về triết lý của mình như sau:

"Để trả lời câu hỏi của anh, tôi sẽ dùng một câu: Phòng ngự khiến ta không thua, nhưng nếu muốn thắng, ta phải tấn công. Nó phản chiếu đủ tinh thần và khí chất mà tôi muốn đội bóng của mình có.

Tuy nhiên, còn điều này quan trọng nữa: bạn phải luôn làm mới mình. Phải tiến bộ và phát triển, bởi nếu không tiến bộ, bạn coi như xong đời. Những ai dậm chân tại chỗ sẽ bị đào thải".

Christian Vieri, trung phong tượng đài một thời của bóng đá Italy, từng nhấn mạnh: "Bạn sẽ bị Gasperini hủy diệt trên sân tập". Papu Gomez cho biết mỗi buổi tập của Gasperini nặng đến nỗi trận đấu được xem như ngày nghỉ.

Thuyền trưởng Atalanta không từ chối, nhưng đưa ra góc nhìn khác. "Trong những buổi tập, các cầu thủ của tôi cần gặp khó. Những ai sợ làm việc chăm chỉ sẽ sợ luôn cả tôi, nhưng chiến thắng được sinh ra từ chính khó khăn đó", ông nói.

Atalanta anh 3

Gasperini là kiến trúc sư trưởng trong tập thể Atalanta thăng hoa. Ảnh: Getty.

"Khi các cầu thủ nhận thức được rằng làm việc chăm chỉ sẽ mang tới kết quả tốt, họ không còn mệt nữa. Đừng nghĩ cầu thủ bóng đá không tập nặng bằng VĐV khác. Các cầu thủ của tôi hiểu rõ điều đó và tập còn nặng hơn".

Chính việc tập nặng cùng tư tưởng tấn công được rèn giũa qua nhiều mùa giải khiến Atalanta của Gasperini dần trở thành cỗ máy khi vào guồng. Hệ thống 3-4-3 với bộ 3 tấn công hoán chuyển linh hoạt với những cầu thủ chơi phía sau là bàn đạp cho những màn hủy diệt đối thủ.

Không thể chỉ ra ngôi sao nào lớn nhất Atalanta lúc này khi ai cũng đang chơi mùa giải hay nhất sự nghiệp.

Ngoài bộ tứ hàng công, Pasalic, De Roon, Gonsens, Hateboer hay Rafael Toloi đều là những nhân tố trụ cột của Atalanta. Điểm chung của tất cả: không ai biết hay để ý họ là ai trước khi được rèn giũa và lập trình lại từ đầu dưới tay Gasperini.

CLB Atalanta ở đâu trong lịch sử?

CLB Atalanta của Gasperini xuất sắc, nhưng 93 bàn sau 33 trận có giúp đội bóng áo sọc xanh đen này vượt qua tượng đài tấn công số một lịch sử bóng đá Italy - AC Milan hay không thì lại là câu hỏi cần nhiều lời giải.

AC Milan trong giai đoạn đỉnh cao của Sacchi và Capello giành 5 chức vô địch Serie A, nhưng chưa từng cán mốc 80 bàn trong một mùa giải quốc nội, bất chấp việc sở hữu hàng công mạnh nhất châu Âu thời đó với Marco van Basten, Ruud Gullit, Daniele Massaro, Dejan Savicevic, Zvonimir Boban, George Weah.

Thành tích tốt nhất của đội bóng áo sọc đỏ đen là ở mùa 1991/92 với 74 bàn. Van Basten ghi 25 bàn trong số này và ẵm luôn ngôi "Vua phá lưới" Serie A và cả Quả bóng vàng châu Âu.

Atalanta anh 4

Serie A trong quá khứ là giải đấu được mệnh danh là "World Cup thu nhỏ", và Milan với Van Basten là nhà vua của không chỉ Italy mà còn cả châu ÂU. Ảnh: Getty.

So với hiện tại, Serie A ngày đó khác biệt một trời một vực về chất lượng cũng như tính cạnh tranh. Giải đấu số một Italy ngày đó được mệnh danh là "World Cup thu nhỏ" với những ngôi sao hàng đầu thế giới quy tụ. Về thể thức, Serie A có 18 đội, tương đương một đội sẽ đá 34 trận, ít hơn 4 trận so với hiện tại.

Giải đấu có 18 đội nhưng tồn tại tới 7 CLB cạnh tranh nhau chức vô địch (Milan, Juventus, Inter, Lazio, Fiorentina, Parma, Roma). Khái niệm "7 chị em" (Le Sette Sorelle) cũng ra đời từ ngày đó.

Song điểm khắc nghiệt nhất nằm ở chỗ giải đấu cao nhất xứ sở mỳ ống có tới 4 suất xuống hạng trực tiếp. Serie A, Premier League hay La Liga lúc này có 20 đội nhưng có 3 suất xuống hạng trực tiếp. Giải đấu có 18 đội là Bundesliga thậm chí chỉ có 2 suất xuống hạng trực tiếp, một suất sẽ đá play-off với đội hạng dưới tranh vé dự Bundesliga mùa sau.

Sự cạnh tranh chức vô địch vốn dĩ gắt gao với 7 CLB có sức mạnh lớn, đi kèm cuộc đua xuống hạng khốc liệt nhất bậc nhất lịch sử cho ra những kịch bản khó lường ở mỗi vòng đấu Serie A. Một CLB lớn hoàn toàn có thể sảy chân trước đối thủ xếp áp chót bảng xếp hạng, trước khi thắng trực tiếp đội đầu bảng ở vòng kế tiếp.

Fiorentina với Gabriel Batistuta, Brian Laudrup, Stefan Effenberg trong đội hình từng sa cơ và xuống hạng vào mùa 1992/93.

Tính khắc nghiệt này cùng tư tưởng phòng ngự biến Serie A thành giải đấu cực khó để trút những cơn mưa bàn thắng. Chiến tích ghi 74 bàn của Milan vào mùa giải 1991/92 vì thế được xem như không tưởng, và Van Basten với 25 bàn sau 34 vòng tại Serie A nghiễm nhiên được xem là ngôi sao tấn công số một thế giới.

AC Milan khi ấy cũng đại diện tiên tiến nhất trong việc công phá thành trì phòng ngự tại Italy. Trong thời gian rất dài, bóng đá tại Italy luôn bị nắn theo tư tưởng phòng ngự là trên hết. Một trận cầu hoàn hảo theo tư tưởng của người Italy có tỷ số 0-0.

Khi Arrigo Sacchi lên nắm quyền tại Milan, tư tưởng tấn công được tiêm vào não trạng những cầu thủ Milan. Sacchi cũng gạt bỏ vị trí libero để chuyển sang chơi với 4 hậu vệ với hệ thống phòng ngự khu vực.

Cùng bộ ba Hà Lan bay, AC Milan như cơn cuồng phong tấn công như vũ bão thành trì phòng ngự và văn hóa chiến thuật hà khắc của người Italy.

Chiến thắng 5-0 trước Real Madrid tại bán kết lượt về cúp C1 châu Âu 1989 là dấu son lớn đánh dấu sự lên ngôi của Milan mới mẻ dưới tay Sacchi. Báo chí châu Âu ngày đó rúng động thực sự khi Hugo Sanchez, Butragueno, Michel, Bernd Schuster bị nghiền nát tại San Siro.

Song ký ức khó quên nhất phải là trận chung kết cúp C1 cũng trong năm đó. Milan gặp Setua Bucharest, nhà vô địch năm 1986. Trong tạp chí Blizzard, Jonathan Wilson kể lại chuyện trong phòng thay đồ của Milan ngay trước trận như sau:

"Sacchi đứng đó, thét lớn với các học trò: Các cậu, nhà báo nổi tiếng nhất Italy, nói những người Romania là bậc thầy trong bóng đá. Lão ấy bảo chúng ta chỉ được chơi phòng ngự phản công. Thế chúng ta làm gì đây?. Sẽ tấn công từ giây đầu tiên!, Ruud Gullit đứng dậy hét lớn".

Trận đó, AC Milan thắng 4-0 để vô địch châu Âu, Van Basten và Gullit chia nhau mỗi người một cú đúp.

Atalanta anh 5

Chiến tích Atalanta tạo ra của ngày nay hoàn toàn xứng đáng được ghi nhận. Ảnh: Getty.

Khác AC Milan ngày đó, Atalanta của Gasperini chơi ở Serie A bình dân hơn, thậm chí xuống cấp sau thời gian dài quản lý kém cỏi. Những đối thủ cũng dễ thở hơn. Milan, Inter, Fiorentina, Parma, Roma hay cả Lazio ngày nay đều không có cửa đọ với chính họ ngày xưa.

Gasperini và Atalanta chỉ dừng lại ở ngưỡng hiện tượng, còn Sacchi và Milan vươn mình thành thế lực toàn châu Âu. Hình ảnh Milan vũ bão ngày đó mang tới niềm cảm hứng lớn cho nhiều thế hệ HLV sau này của Italy, dù không phải ai cũng đủ can đảm để sống chết với triết lý tấn công như Gasperini và Atalanta lúc này.

Việc đề cao Milan của Sacchi hay Capello ngày đó không có nghĩa hạ thấp Atalanta hiện tại. Serie A ngày nay đúng là bớt cạnh tranh đi nhiều so với thời còn là cái rốn của vũ trụ, song Atalanta của Gasperini cũng không sở hữu đội hình toàn sau như Milan năm nào.

Mơ mộng ở vũ trụ nào đó, Gasperini có thể đang dẫn dắt Van Basten, Gullit, Rijkaard, Maldini, Baresi ở độ chín phong độ tại đội bóng tập nặng điên cuồng như Atalanta lúc này.

Thật khó để tin với triết lý của Gasperini cùng những ngôi sao đó trong tay, đội bóng ấy sẽ không hủy diệt đối thủ.

HLV PSG đánh giá cao Atalanta khi chơi ngang ngửa Juventus Hôm 14/7, huấn luyện viên Thomas Tuchel của PSG đánh giá Atalanta là đội bóng chất lượng, sau khi chứng kiến thầy trò Gian Gasperini hòa Juventus 2-2 ở vòng 32 Serie A.

Atalanta gánh cả hy vọng của Italy tại Champions League

Atalanta, chứ không phải Juventus, mới là lá cờ đầu của bóng đá Italy tại Champions League mùa này và PSG nên lo lắng dần khi phải đối đầu với đội bóng áo sọc xanh đen.

Atalanta lập kỳ tích chưa từng có trong 69 năm tại Italy

Chiến thắng 6-2 trước Brescia rạng sáng 15/7 giúp đội bóng áo sọc xanh đen thiết lập hàng loạt cột mốc mang tính lịch sử.

Việt Nhật

Bạn có thể quan tâm