Không giống người tiền nhiệm Park Hang-seo, HLV Gong Oh-kyun áp dụng một triết lý bóng đá hoàn toàn khác. Mong muốn tấn công và áp đặt đối phương của vị chiến lược gia này được thể hiện một cách rõ rệt qua số lượng cầu thủ áo đỏ ở mỗi đợt tấn công.
Tấn công với số đông
Một trong những minh chứng rõ ràng nhất cho triết lý của ông Gong đến ở tình huống dẫn tới quả phạt đền trong trận gặp U23 Malaysia. Thời điểm Phan Tuấn Tài thực hiện pha ném biên, U23 Việt Nam có tới 8 cầu thủ hiện diện trên phần sân đối phương.
Xuất phát điểm của tình huống U23 Việt Nam được hưởng phạt đền trước U23 Malaysia. |
Nhâm Mạnh Dũng là điểm đến của tình huống ném biên và cũng chính là người thu hút sự chú ý của trung vệ bên phía đối thủ. Bởi số đông quân số sẵn sàng tiếp cận khu vực 16,5 m mà U23 Việt Nam có thể tạo ra được một tình huống nguy hiểm.
Cụ thể, Dụng Quang Nho, người được bố trí chơi tiền vệ cánh, phải xâm nhập vùng cấm với một tình huống di chuyển chéo sân trong khi tiền vệ trung tâm Huỳnh Công Đến đã sẵn sàng có mặt ở khoảng trống nguy hiểm.
Các tiền vệ của U23 Việt Nam luôn sẵn sàng xâm nhập vào các vị trí nguy hiểm. |
Hình ảnh thủ thành Quan Văn Chuẩn có mặt ở gần vạch giữa sân trong trận đấu với U23 Malaysia cũng giải thích lý do U23 Việt Nam luôn tạo lợi thế số đông trên phần sân đối phương.
Một khi kiểm soát được rủi ro, tự tin với các trung vệ đủ sức tranh chấp tay đôi cùng tiền đạo đối phương, đội bóng áo đỏ sẵn sàng tạo áp lực tối đa ở khu vực 1/3 cuối sân.
Thậm chí, hai hậu vệ biên trong tay ông Gong đã phối hợp với nhau để tạo nên một bàn thắng đẹp mắt trong cuộc đối đầu U23 Hàn Quốc.
Thời điểm Dụng Quang Nho thực hiện đường chuyển hướng tấn công sang cánh trái cho Phan Tuấn Tài, U23 Việt Nam cũng cho thấy rõ phong cách chơi bóng của mình khi có tới 7 cầu thủ áo đỏ chọn vị trí trên phần sân đối phương.
Tình huống dẫn tới bàn thắng của U23 Việt Nam trước U23 Hàn Quốc. |
Một trong những lợi thế ưu việt nhất của việc đẩy số lượng lớn nhân sự lên phần sân đối phương đến ở số lượng cầu thủ sẵn sàng trở thành điểm đến cho những đường chuyền quyết định.
Ở pha tạt bóng của Phan Tuấn Tài, Vũ Tiến Long là cầu thủ xa nhất có thể nhận bóng trong bối cảnh mà 4 đồng đội khác của hậu vệ này cũng ở trong trạng thái sẵn sàng tạo ra pha dứt điểm.
Việc sở hữu hai trung vệ có tầm vóc, sức mạnh như Bùi Hoàng Việt Anh và Nguyễn Thanh Bình khiến ông Gong tự tin yêu cầu các học trò dâng cao đội hình ở nhiều thời điểm. U23 Việt Nam không chỉ có được bàn thắng nhờ các tình huống chủ động triển khai bóng từ sân nhà mà luôn sẵn sàng tạo ra sự nguy hiểm ở các thời điểm chuyển đổi trạng thái.
Ở bàn thắng mở tỷ số trước U23 Malaysia, từ tình huống tranh chấp bóng bổng thành công của Thanh Bình, đội bóng áo đỏ đã có 5 cầu thủ sẵn sàng trên phần sân đối phương cho một tình huống phản công.
Thanh Bình tranh chấp bóng bổng thành công. |
U23 Việt Nam ngay lập tức tấn công vùng cấm địa đối phương với 5 cầu thủ. |
Những pha ghi bàn hoặc các tình huống nguy hiểm mà U23 Việt Nam tạo ra đều cho thấy dấu ấn lớn của triết lý bóng đá mà HLV Gong áp dụng: Sẵn sàng đẩy đội hình sang phần sân đối phương, chơi bóng tốc độ và luôn chủ động xâm nhập các vị trí dứt điểm.
U23 Việt Nam không chỉ sở hữu số lượng cầu thủ hiện diện ở khu vực 16,5 m lớn mà còn có những cầu thủ dứt điểm nhạy cảm trước khung thành đối phương, đặc biệt ở vị trí của Nhâm Mạnh Dũng và Nguyễn Văn Tùng.
Nhâm Mạnh Dũng áp đảo trong khu vực 16,5 m của đối phương. |
Vị trí các tình huống dứt điểm của Nhâm Mạnh Dũng và Nguyễn Văn Tùng. Đồ họa: Thành Vũ. |
Với sơ đồ 4 hậu vệ cùng ý tưởng sử dụng các tiền vệ trung tâm cũng như các cầu thủ chạy cánh chơi cơ động, U23 Việt Nam ở nhiều thời điểm đủ sức tạo sức nặng trong các đợt lên bóng trước bất kỳ đối thủ nào.
Khi hai hậu vệ cánh dâng cao và các tiền vệ biên chơi cơ động, sức nặng mà đội bóng của HLV Gong tạo ra ở trực diện khung thành đối phương là rất đáng gờm.
Vị trí đa dạng của các đường chuyền thành công vào vùng cấm địa đối phương mà U23 Việt Nam sở hữu. Đồ họa: Thành Vũ. |
Điều chỉnh hợp lý cho hệ thống phòng ngự
Không có sơ đồ chiến thuật nào phù hợp với mọi đội bóng mà chỉ có sơ đồ chiến thuật phù hợp với những nhân sự của đội bóng. Hành trình 3 trận tại vòng bảng U23 châu Á đã chứng kiến những thích nghi và điều chỉnh đáng ghi nhận của ông Gong Oh-kyun ở thời điểm U23 Việt Nam chủ động phòng ngự.
Ý đồ gây áp lực tầm cao với sơ đồ 4-3-3 mang lại thành quả chỉ sau 10 giây đầu tiên của giải đấu khi Phan Tuấn Tài đoạt bóng và tự mình ghi bàn sau một tình huống các cầu thủ áo đỏ tràn lên phần sân đối phương.
Tình huống dẫn tới bàn thắng của Tuấn Tài, U23 Việt Nam gây áp lực trên phần sân đối phương với sơ đồ 4-3-3. |
Tuấn Tài đoạt bóng trên phần sân đối phương. |
Thế nhưng, hệ quả của định hướng phòng ngự ấy đã khiến U23 Việt Nam phải nhận một thế trận không hề dễ chịu trước U23 Thái Lan. Việc hai tiền vệ trung tâm trong sơ đồ 4-3-3 thường xuyên dâng cao khiến khoảng trống mà tiền vệ trụ Lương Duy Cương phải kiểm soát là quá lớn, điều thường xuyên dẫn đến sự thoải mái của đối phương ở phạm vi trung lộ.
Cách bố trí 3 tiền vệ khi phòng ngự của U23 Việt Nam. |
Chính từ một tình huống tương tự, Benjamin Davis của U23 Thái Lan đã lập công bằng cú dứt điểm với tư thế thoải mái ở trước vùng cấm địa U23 Việt Nam.
Tình huống ghi bàn của Benjamin Davis. |
Những điều chỉnh đã nhanh chóng được HLV Gong đưa ra ngay ở trận tiếp theo của U23 Việt Nam trước Hàn Quốc và sau đó là Malaysia.
Đội bóng áo đỏ vẫn có những thời điểm đẩy cao đội hình gây áp lực trước các đối thủ nhưng lựa chọn sơ đồ chiến thuật khi phòng ngự luôn là 4-4-2 - hệ thống mang đến tính cân bằng nhiều hơn cho khu vực trung tuyến.
U23 Việt Nam phòng ngự với sơ đồ 4-4-2 trước U23 Hàn Quốc. |
Một điểm nhấn khác mà ông Gong tạo ra trong ý thức chơi bóng của các cầu thủ là việc U23 Việt Nam luôn tuân thủ tốt nhiệm vụ của mình ở từng khu vực phòng ngự: Gây áp lực tầm cao với các tình huống áp sát một đấu một, thu hẹp cự ly đội hình, đẩy đối phương ra biên, tạo áp lực mạnh ở khu vực 1/3 giữa sân và điềm tĩnh giữ cự ly ở 1/3 cuối sân. Không chỉ nhuần nhuyễn trong các đợt triển khai tấn công, cự ly đội hình khi phòng ngự cùng ý thức chơi bóng của từng cầu thủ đều rất ấn tượng.
Đẩy cao đội hình, chơi một đấu một khi gây áp lực tầm cao. |
Thu hẹp cự ly đội hình, tranh chấp mạnh ở biên trong phạm vi 1/3 giữa sân. |
Ổn định khối đội hình, phòng ngự điềm tĩnh khi đối thủ đưa bóng xuống 1/3 cuối sân. |
Hệ thống được duy trì tốt, những yêu cầu được đưa ra một cách rõ ràng và quan trọng hơn cả, từng cá nhân mang đến chất lượng phòng ngự xuất sắc.
Triết lý chơi tấn công của ông Gong Oh-kyun có lẽ sẽ không có được kết quả tốt đến thế nếu như chúng ta không có được nền tảng từ cặp đôi trung vệ Bùi Hoàng Việt Anh và Nguyễn Thanh Bình, những cầu thủ sẵn sàng tranh chấp một đấu một, bao quát được không gian trong khu vực cấm địa và sở hữu thể hình ở tầm châu lục.
Số lượng hành động phòng ngự của cặp đôi này này trong nhóm những cầu thủ hàng đầu giải đấu trong khi chất lượng của những hành động phòng ngự được duy trì ở một tỷ lệ rất cao.
Chất lượng phòng ngự của Việt Anh và Thanh Bình. Đồ họa: Thành Vũ. |
Cả hai đều là những người đã vô địch hạng Nhất Quốc gia, V.League, SEA Games và đều từng góp mặt trong đội hình xuất phát của ĐT Việt Nam. Kinh nghiệm trận mạc dày dặn giúp cả Việt Anh cũng như Thanh Bình có những màn trình diễn điềm đạm, mạnh mẽ và chắc chắn.
Sự tự tin
Thành công của HLV Gong Oh-kyun cho tới thời điểm này cùng U23 Việt Nam không chỉ có dấu ấn đậm nét từ các phương án chiến thuật. Tinh thần xuyên suốt từ giai đoạn chuẩn bị giải đấu tới từng trận của chiến lược gia người Hàn Quốc cùng với các học trò luôn thể hiện rõ sự tự tin vào bản thân cũng như cả tập thể.
Không nhiều người nghĩ U23 Việt Nam có thể trình diễn một lối chơi tốc độ xuyên suốt như thế ở thời điểm giải đấu chưa diễn ra. Thế nhưng, ông Gong biết cách để tạo ra trường năng lượng ấy cho chính bản thân mình và lan tỏa tới các cầu thủ.
Những chi tiết nhỏ trên sân tập hay trong các buổi sinh hoạt đội bóng cho thấy chiến lược gia người Hàn Quốc luôn nhắm đến mục đích giúp từng cầu thủ có niềm tin vào bản thân và tạo ra tính thoải mái trong từng trận đấu.
Ít nhất cho tới thời điểm hiện tại, triết lý bóng đá nói riêng và phong cách làm việc nói chung của ông Gong đang tạo ra sự tin tưởng cho toàn đội bóng. Cần khẳng định thành tích bất bại qua vòng bảng là thành công bước đầu của U23 Việt Nam.
Hành trình cải thiện trình độ và đẳng cấp ở đấu trường châu lục vẫn sẽ tiếp diễn và ít nhất, ông Gong đang đi đúng hướng trong cuộc trường chinh ấy.