Cho đến trước ngày 12/2, tỉnh Hồ Bắc chỉ xác nhận các ca nhiễm mới dựa trên kết quả xét nghiệm RNA, vốn phải mất nhiều ngày mới có kết quả. RNA là tên gọi của acid ribonucleic, phân tử sinh học mang thông tin di truyền cho phép nhận dạng các sinh vật sống dạng nhỏ như virus.
Tuy nhiên kể từ 13/2, các bệnh viện sẽ sử dụng kết quả chụp cắt lớp vi tính (CT scan) - phương pháp có khả năng phát hiện nhiễm trùng phổi - để xác nhận các ca nhiễm virus, theo giới chức y tế địa phương.
Bác sĩ tại bệnh viện Kim Ngân Đàm ở thành phố Vũ Hán đang theo dõi sức khỏe cho bệnh nhân nhiễm virus corona (COVID-19). Ảnh: AP. |
Tỷ lệ tử vong thấp hơn trên thực tế?
"Tôi nghĩ vấn đề rất mới và sẽ rất đáng quan tâm là việc Trung Quốc thay đổi định nghĩa về trường hợp nhiễm bệnh", tiến sĩ Eyal Leshem, giáo sư nghiên cứu lâm sàng của đại học Tel Aviv, Israel, nhận định.
"Trung Quốc đã thêm các ca nghi nhiễm vào danh sách số người nhiễm bệnh, và tôi cho rằng số liệu về tỷ lệ tử vong của dịch bệnh có thể bị thay đổi, vì những gì chúng ta đang thấy là số ca nhiễm bệnh tăng vọt trong khi số trường hợp tử vong không tăng, vì vậy rất có thể chúng ta sẽ phát hiện ra rằng dịch bệnh này ít gây chết người hơn so với suy nghĩ ban đầu", ông Leshem nói thêm.
Tỉnh Hồ Bắc, tâm chấn của dịch bệnh, báo cáo hơn 1.000 ca tử vong trong số 33.000 ca nhiễm. Tuy nhiên các tỉnh thành khác đều ghi nhận ít hơn 10 trường hợp tử vong và phần lớn số ca nhiễm đều ít hơn 1.000. Vì vậy theo ông Leshem, tỷ lệ tử vong ở Hồ Bắc có vẻ cao hơn rất nhiều so với các tỉnh thành khác.
"Một trong những cách để nhìn vào số liệu này là do ở Hồ Bắc, hệ thống y tế bị quá tải vì có quá nhiều trường hợp nhiễm mới, và chỉ có các bệnh nhân với bệnh tình nghiêm trọng được xét nghiệm", ông Leshem cho biết.
"Còn các tỉnh khác thì có khả năng xét nghiệm cho các trường hợp nhẹ hơn. Vì vậy tỷ lệ tử vong thật sự có thể thấp hơn mức 2% mà chúng ta nhìn thấy trong các báo cáo", ông Leshem nhận định.
Trong khi đó, ông Kỳ Hiếu Long, giáo sư dược của Đại học Lan Châu ở tỉnh Cam Túc, cho rằng những thay đổi trong công tác xác định ca nhiễm mới cho thấy sự thay đổi về mặt chính sách của giới chức y tế Hồ Bắc, trong đó đẩy mạnh việc phát hiện và cách ly sớm các trường hợp nhiễm bệnh.
"Dữ liệu về các ca bệnh sẽ không được đưa ra kịp thời nếu tỉnh Hồ bắc tiếp tục sử dụng phương pháp xét nghiệm RNA để xác nhận các trường hợp nhiễm bệnh, vì bệnh nhân ở đó không có đủ bộ dụng cụ cũng như nhân viên để thực hiện xét nghiệm, và cũng phải đợi nhiều ngày để có kết quả", ông Kỳ cho hay.
"Trong khi đó, chất lượng bộ dụng cụ xét nghiệm cũng như lỗi trong quá trình lấy mẫu có thể dẫn tới xác suất xảy ra các trường hợp nhiễm bệnh bị bỏ sót. Những người này sau đó dễ trở thành nguồn lây nhiễm cho cộng đồng", ông Kỳ nhận định.
Bên ngoài Hồ Bắc, ông Kỳ cho rằng không có đòi hỏi cấp thiết phải thay đổi phương pháp, vì số lượng bệnh nhân nhiễm virus ít hơn và năng lực xét nghiệm RNA vẫn đảm bảo phản ánh tình hình chính xác và kịp thời.
Ông Ứng Dũng, thị trưởng Thượng hải, sẽ trở thành tân bí thư của tỉnh Hồ Bắc, sau khi bí thư cũ là ông Tưởng Siêu Lượng bị cách chức do thất bại trong công tác phòng chống dịch. Ảnh: Getty. |
Nhà nghiên cứu này cũng không nghĩ rằng các trường hợp nhiễm bệnh mới được xác nhận sẽ có thêm sự gia tăng đột biến trong tương lai gần, và dự đoán số ca nhiễm mới sẽ ổn định hoặc thậm chí giảm.
Thiếu năng lực xét nghiệm?
"Lý do các cơ quan y tế Trung Quốc quyết định thay đổi quy trình chẩn đoán bằng cách thêm vào việc chẩn đoán lâm sàng, tôi cho là, vì họ thiếu bộ dụng cụ chẩn đoán, dẫn tới việc phải trì hoãn điều trị những người có triệu chứng", giáo sư Choi Jae Wook, chủ tịch hội đồng đánh giá khoa học của Hiệp hội Y tế Hàn Quốc (KMA), nhận định.
"Vì chỉ có một vài công ty sản xuất những bộ dụng cụ thử nghiệm này trong thời gian ngắn như vậy, nên chính quyền không thể dựa vào chất lượng của chúng", ông Choi cho hay.
"Tôi không nghĩ rằng việc thay đổi quy trình chẩn đoán là quá muộn. Chúng ta vẫn đang trong giai đoạn đầu của dịch. Cơ quan y tế Hàn quốc cũng đã thảo luận về việc áp dụng chẩn đoán lâm sàng để thống kê ca nhiễm virus corona. Nếu họ làm vậy, sẽ có nhiều hơn các trường hợp nghi nhiễm virus", ông Choi nói.
"Việc chụp cắt lớp vi tính (CT scan) có thể cho kết quả nhanh hơn so với phương pháp RT-PCR hiện tại - sử dụng kỹ thuật khuếch đại RNA - nhưng nó chỉ có thể xác định viêm phổi chứ không phải virus corona", ông Lee Seok Won đến từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC), nhận định.
"Trung Quốc có vẻ như đã quyết định sử dụng phương pháp CT scan để có thể nhanh chóng phân loại các trường hợp viêm phổi, và giả định rằng do sự lây lan nhanh của virus nên có khả năng cao là những ca viêm phổi này là do nhiễm virus corona", ông Lee nói thêm.
Tiến sĩ Anoop Kumar, người đứng đầu bộ phận hồi sức cấp cứu của bệnh viện Baby Memorial ở Ấn Độ, cho rằng dù tỉnh Hồ Bắc có nói về việc họ có thể xử lý 6.000 mẫu bệnh phẩm mỗi ngày, khối lượng mẫu phải xét nghiệm có thể vẫn quá lớn.
"Vấn đề là ở Trung Quốc có rất nhiều bệnh viêm phổi do virus khác với các triệu chứng gần như tương tự, vì vậy bạn không thể nói với độ chính xác 100% rằng các trường hợp được xác định theo cách này là do virus corona gây nên", ông Kumar nhận định.
"Nếu điều đó là sự thật trong trường hợp này, chúng ta có thể đã thống kê thừa các ca nhiễm và đánh giá thấp tỷ lệ tử vong".
Đường phố Vũ Hán vắng vẻ trong ngày 5/2. Ảnh: Getty. |
"Một điều nữa là dù bạn có chẩn đoán lâm sàng hay không, về cơ bản bạn đang điều trị dựa trên triệu chứng, vì không có loại thuốc cụ thể nào có thể chống virus".
"Phương pháp này có thể được sử dụng ở những nơi có số trường hợp nhiễm quá lớn, không thể được phân loại bằng các biện pháp khác".
"Điều mà thế giới cần phải nghĩ tới vào lúc này là chúng ta cần phải có thêm các máy "xét nghiệm tại chỗ", cho phép phân loại nhanh các mẫu, WHO hoặc các tổ chức quốc tế cần phải nghĩ tới việc huy động chúng", ông Kumar phân tích.