Giải mã biệt đội động vật sắp 'thất nghiệp' của Mỹ
Hải quân Mỹ đang xúc tiến việc thay thế đội ngũ cá heo, sư tử biển dò mìn bằng những loại robot không người lái tối tân, có khả năng tìm và phá hủy vật liệu nổ của đối phương trên những vùng biển trọng yếu.
Theo kế hoạch vừa được thông qua, 24 trong số 80 cá heo dò mìn được đào tạo bài bản của Hải quân Mỹ sẽ được thay thế bởi thiết bị lặn điều khiểu từ xa hình quả ngư lôi. Do sở hữu đặc tính tương tự như cá heo dò mìn nhưng thời gian “chế tạo” nhanh hơn nên loại thiết bị mới này sẽ dần thay thế toàn đội ngũ cá heo dò mìn đang được sử dụng.
Cá heo được huấn luyện để phát hiện ngư lôi, thiết bị nổ dưới biển. |
Trên thực tế, cá heo dò mìn là sản phẩm của chương trình đào tạo động vật có vú phục vụ mục đích quân sự trị giá 28 triệu USD, được Hải quân Mỹ triển khai từ cuối thập nhiên 1950. Ngoài cá heo, sư tử biển cũng được tuyển mộ nhằm mục tiêu rà phá bom mìn dưới những vùng biển xảy ra tranh chấp.
Ngoài ra, những chiến sĩ đặc biệt này còn thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tàu, bến cảng hay phát hiện sự xâm nhập vào khu vực bảo vệ. Trong số những chiến binh động vật, cá heo được sử dụng với số lượng lớn nhất nhờ khả năng phát sóng siêu âm của loài động vật này. Không chỉ lan đi với vận tốc và phạm vi rộng trong nước biển, sóng này còn có khả năng phát hiện những vật thể ẩn dưới đáy biển hay núp dưới những rặng sinh vật ngầm.
Vào năm 1960, hàng loạt cá heo và sinh vật biển được lựa chọn vào chương trình săn lùng ngư lôi dưới đáy biển. Sở hữu khả năng đặc biệt, cá heo nhanh chóng trở thành chủ lực của đội quân này nhờ trí thông minh cùng khả năng lặn đặc biệt. Thành quả của quá trình đào tạo tốn kém và kéo dài tới 7 năm là những chú cá heo đặc biệt với khả năng rà soát khu vực rộng lớn.
Giống như đặc nhiệm Mỹ, biệt đội cá heo và sư tử biển của Hải quân sẽ được triển khai tới mọi vùng biển trong vòng 24 giờ, nhờ các loại phương tiện tối ưu nhất bao gồm máy bay, chiến hạm hay trực thăng chuyên dụng. Điểm đặc biệt của biệt đội này là khả năng qua mặt hoàn hảo các hệ thống phòng vệ của đối phương, bởi ngoài kỹ năng đặc biệt, chúng cũng là những sinh vật biển bình thường.
Trên thực tế, có 5 biệt đội động vật dò mìn đang được Hải quân Mỹ sử dụng, lần lượt mang các số hiệu MK4, MK5, MK6, MK7 và MK8. Trong đó, nhóm MK4, 7,8 sử dụng cá heo, MK5 sử dụng sư tử biển và MK6 là lực lượng hỗn hợp 2 loại động vật trên. Khả năng hoạt động của những biệt đội này cũng khác nhau, ví dụ MK4 làm nhiệm vụ xác định vị trí ngư lôi, mìn lơ lửng trong khi MK-7 tìm ra cá loại vật liệu nổ giấu dưới đáy biển. MK8 chịu trách nhiệm tìm ra hành lang an toàn cho tàu thuyền tại khu vực nguy hiểm.
Sư tử biển gắn thiết bị định vị vào dị vật phát hiện dưới đáy biển. |
Trong khi đó, nhóm hỗn hợp MK6 được giao nhiệm vụ bảo vệ các bến cảng và tàu thuyền cũng như xác định những phương tiện hoạt động trái phép. Ngay sau khi kẻ xâm nhập được phát hiện, những chú cá heo sẽ phát lệnh trở lại đơn vị tác chiến, giúp lực lượng bảo vệ vũ trang tiếp cận và vô hiệu hóa đối phương. Trong khi đó, nhóm sư tử biển MK5 được sử dụng để tìm kiếm người, phương tiện mất tích trên biển. Chúng dễ dàng tìm ra những binh sĩ mất tích ngoài đại dương, khi khả năng tìm kiếm của con người bị hạn chế. Thậm chí, tên lửa hay vũ khí cũng dễ dàng được những chú sư tử biển tìm thấy dưới lòng đại dương.
Dù sở hữu những khả năng ưu việt nhưng các nhà chức trách Mỹ phủ nhận việc sử những chú cá heo và sư tử biển được đào tạo để thực hiện mục tiêu tấn công đối phương. Quan chức Hải quân Mỹ khẳng định, họ sở hữu những vũ khí ưu việt với sức công phá mạnh hơn rất nhiều so với trang bị thuốc nổ trên mình cá heo, sư tử biển để tấn công đối phương. Ngoài ra, việc sử dụng động vật làm vũ khí tự sát cũng bị các nhà hoạt động vì quyền lợi động vật phản đối kịch liệt.
Trên thực tế, chưa có báo cáo nào về việc sử dụng cá heo và sư tử biển làm vũ khí tấn công. Tuy nhiên, chúng được sử dụng nhiều ở Iraq và Bahrain để tìm kiếm vị trí vật liệu nổ trong thời điểm xảy ra chiến sự. Hiện diện tại Vịnh Ba Tư trong chiến dịch tấn công Iraq năm 2003, những chú cá heo và sư tử biển đã phát hiện 100 ngư lôi và mìn chống hạm bên dưới cảng Umm Qasr, giúp giảm thiểu đáng kể thiệt hại cho Mỹ và đồng minh.
Một chú cá heo đặc nhiệm của Mỹ. |
Tại Bahrain, biệt đội cá heo và sư tử biển dò mìn Mỹ cũng được triển khai từ tháng 10/1987 – 6/1988 để làm nhiệm vụ tuần tra và phát hiện kẻ xâm nhập dưới nước. Trong thời gian đó, một chú cá heo đã phát hiện ra thợ lặn xâm nhập trái phép trước khi gắn một thiết bị báo động vào phía sau bình dưỡng khí của kẻ lạ mặt. Ngay lập tức, đội ngũ an ninh nhận được cảnh báo và tiến hành bắt giữ kẻ xâm nhập.
Trên thực tế, việc cho nghỉ hưu đội cá heo và sư tử biển dò mìn của Hải quân Mỹ là một sự lãng phí lớn. chính vì lẽ đó, 80 chú cá heo và 40 sư tử biển đang trong biên chế các biệt đội động vật sẽ được sử dụng vào những mục đích khác, bao gồm rà soát an ninh, tìm kiếm người mất tích hay giải cứu những người gặp nạn. Trên thực tế, nhiệm vụ mới giúp biệt đội động vật của Mỹ an toàn hơn so với việc dò tìm bom mìn ở những vùng chiến trận.
Trịnh Duy
Theo Infonet