Trong suốt hàng trăm năm qua, người dân tại châu Âu và nhiều nơi khác tin rằng những cá nhân biến thành ma cà rồng sẽ hồi sinh sau khi chết để hút máu người sống. Vì thế họ áp dụng một số biện pháp để ngăn chặn sự hồi sinh của "ma cà rồng".
Khi kiểm tra khoảng 300 mộ cổ tại các vùng nông thôn ở Ba Lan, Lesley Gregoricka, một nhà nghiên cứu của Đại học South Alabama ở Mỹ, cùng các đồng nghiệp phát hiện 6 ngôi mộ lạ. Hài cốt trong 6 ngôi mộ có liềm hoặc đá ở trước cổ, Newsweek đưa tin. Các chuyên gia đoán rằng, có lẽ người xưa làm vậy để "ma cà rồng" không thể rời khỏi mộ, hoặc nếu rời khỏi mộ thì liềm hay đá sẽ khiến đầu của họ lìa khỏi cổ.
Một bộ hài cốt với lưỡi liềm chặn ngang cổ ở Ba Lan. Ảnh: Newsweek |
Thế nhưng kết quả phân tích các bộ hài cốt cho thấy rất có thể nhóm "ma cà rồng" là những nạn nhân đầu tiên của bệnh dịch tả tại châu Âu.
"Hồi đó dịch tả tràn qua nhiều nước thuộc Đông Âu và đoạt mạng những người nhiễm nó một cách nhanh chóng", Maria Liston, một nhà nhân chủng học của Đại học Waterloo, phát biểu. Maria không tham gia nghiên cứu của Lesley.
"Cảnh bệnh nhân dịch tả lìa đời rất đáng sợ. Thông thường nạn nhân có thể chết trong vòng 12 tới 24 giờ. Thịt của họ gần như rữa ngay sau khi họ chết. Trong thời kỳ con người chưa am hiểu nhiều về tác nhân gây bệnh tả, người ta rất sợ hãi. Họ cho rằng bệnh nhân dịch tả có thể hồi sinh và tiếp tục gieo rắc bệnh", Maria mô tả.
Leszek Gardela, một nhà khảo cổ của Đại học Rzeszow tại Ba Lan, lại đưa ra một giả thuyết khác để giải thích. Theo Leszek, người xưa không chỉ đặt liềm hay đá lên cổ "ma cà rồng", mà còn thực hiện việc đó đối với những đối tượng mà họ nghi là phù thủy hay tội phạm. Như vậy, rất có thể 6 hài cốt ở Ba Lan không phải là "ma cà rồng", mà còn có thể là những đối tượng khác.