Giải cứu Jakarta, thành phố sắp chìm hoàn toàn dưới biển
Thứ bảy, 23/12/2017 10:31 (GMT+7)
10:31 23/12/2017
Thủ đô Jakarta của Indonesia đang chìm với tốc độ chóng mặt và chỉ còn 10 năm để tự "cứu". Nguyên nhân không chỉ ở biến đổi khí hậu mà còn do tác động khủng khiếp từ con người.
Biến đổi khí hậu khiến mực nước biển Java ngày càng dâng lên và thời tiết ở Jakarta ngày càng trở nên cực đoan. Hồi đầu tháng, một cơn bão tồi tệ đã biến đường phố Jakarta thành sông nước và khiến mọi thứ trong khu vực rộng lớn gần 30 triệu dân này bị ngưng trệ. Nhưng sự ấm lên toàn cầu hóa ra không phải là thủ phạm duy nhất đằng sau những trận lụt lịch sử ở thủ đô đất nước vạn đảo. Vấn đề là thành phố đang thực sự chìm xuống.
Nạo vét dọc sông Karang, phía bắc Jakarta. Trên thực tế, Jakarta đang chìm nhanh hơn bất kỳ thành phố lớn nào khác trên thế giới, tới mức các con sông đôi khi chảy ngược dòng, mưa thường xuyên biến các khu phố thành đầm lầy và các tòa nhà dần dần biến mất vào lòng đất. Nguyên nhân chính: người Jakarta đang đào giếng bất hợp pháp để khai thác các bể chứa nước ngầm phía dưới thành phố. Khoảng 40% Jakarta hiện nằm dưới mực nước biển.
Những đống đổ nát, ô nhiễm không khí và ùn tắc giao thông tồi tệ bậc nhất thế giới cũng góp phần "nhấn chìm" Jakarta. Người dân không tin vào chính phủ. Mâu thuẫn giữa các dân tộc cùng chung sống đã chặn đứng tiến bộ, làm nản lòng các nhà lãnh đạo cải cách và phức tạp hóa mọi thứ.
Các nhà thủy văn học nói rằng thành phố chỉ còn một thập kỷ để ngăn mình bị chìm. Viễn cảnh xấu nhất là phía bắc của Jakarta, với hàng triệu cư dân, sẽ chìm xuống dưới nước cùng phần lớn nền kinh tế Indonesia. Nếu không có một cuộc cách mạng về cơ sở hạ tầng, Jakarta sẽ không thể xây những bức tường đủ cao để giữ thành phố đứng vững trước sông, kênh rạch và biển Java đang ngày một dâng cao.
Thậm chí ngay cả khi có thể kiểm soát được sự chìm xuống, Jakarta vẫn phải đối mặt với những thách thức vẹn nguyên từ biến đổi khí hậu.
Tình trạng đáng báo động nhất được ghi nhận ở Bắc Jakarta, với cảng biển, chợ cá, khu ổ chuột, nhà máy điện, trung tâm mua sắm khổng lồ và tàn tích của khu định cư thuộc địa Hà Lan cùng những kho hàng đổ nát và các bảo tàng bụi bặm. Một số kênh và sông ô nhiễm nhất thế giới dệt thành một mạng lưới chảy xuyên qua Bắc Jakarta. Đó là nơi đang chìm nhanh nhất trong thành phố.
Các tầng nước ngầm không được bổ sung nước, bất chấp lượng mưa lớn và số lượng sông ngòi phong phú, bởi hơn 97% của Jakarta hiện tại bị bóp nghẹt trong bê tông và nhựa đường. Ảnh hưởng đối với vùng nông thôn trở nên thảm khốc, với việc đốt rừng mưa để nhường chỗ cho các nhà máy sản xuất dầu cọ và nhà máy dệt, gây ô nhiễm không khí khủng khiếp.
Nhiều người nghèo ở nông thôn định cư ở Jakarta trong những khu nhà tạm, tập trung dọc theo các kênh rạch. Nhà cửa và rác thải gây cản trở cho các trạm bơm mà thành phố đã phải xây dựng bởi không thể khai thác một cách tự nhiên sông và kênh rạch nữa. Có những ý kiến về việc chính phủ Indonesia sẽ chuyển thủ đô về một thành phố khác, hoặc thu hẹp Jakarta. Các chính trị gia đề ra nghị định cấm đào giếng và nhắc nhở người dân tích trữ nước mưa. Nhưng việc thực hiện vẫn không đi đến đâu.
Công nhân sửa chữa một bức tường biển đã bị sập. Động thái tham vọng nhất của thành phố là việc xây dựng một hệ thống tường biển khổng lồ. Đây chỉ là một rào cản tạm thời để giữ cho thành phố khỏi bị nước ăn sâu thêm. Với sự hỗ trợ từ Hà Lan, Jakarta nuôi mộng một trong những dự án đê biển lớn nhất lịch sử.
Thế nhưng với tốc độ sụt lún hiện tại, tường biển cũng có thể bị chìm dưới nước vào năm 2030.
Các chuyên gia môi trường đã chỉ rõ, nếu thành phố không làm sạch các sông và kênh rạch, con đê sẽ biến một vịnh Jakarta được bao bọc thành bể chứa lớn nhất thế giới.
Và thiên nhiên thì không còn chờ đợi.
Trước tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, Ấn Độ đã phải triển khai các súng phun nước khổng lồ để tạm thời làm sạch khói bụi tại thủ đô New Delhi, biện pháp cuối cùng còn hiệu quả.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đồng ý rằng con người chứ không phải AI sẽ đưa ra quyết định về việc sử dụng vũ khí hạt nhân, theo Nhà Trắng.