Đại diện các học viên và gia đình cho biết phần lớn học viên học tại Trung tâm huấn luyện phi công Ahart đều tự túc kinh phí đi học. Nhưng đến tháng 9/2014, trung tâm Ahart bị đóng cửa và ông Nguyễn Đức Minh - chủ trung tâm, người trực tiếp ký hợp đồng đào tạo với các học viên bỏ trốn.
Đại diện các gia đình học viên cho biết ông Minh đã thu hết tiền học phí và tiền thuê nhà, tiền ăn của học viên với số tiền hơn 80.000 USD/người nên nhiều học viên bị bỏ rơi, bị đuổi khỏi nơi cư trú do phía trung tâm không đóng tiền nhà. Đồng thời nhiều người không có khả năng chi trả để tiếp tục học phi công ở cơ sở đào tạo khác.
Theo ông Lại Xuân Thanh, cục trưởng Cục Hàng không, thời điểm trung tâm Ahart bị dừng hoạt động có 79 học viên Việt Nam đang theo học. Trong đó có 21 học viên do Vietjet Air (VJA) gửi sang đào tạo, còn lại là các học viên học dưới dạng tự túc. Và mới chỉ có 6 học viên trong số này tốt nghiệp, có bằng lái máy bay thương mại.
Các học viên phi công nội hóa đầu tiên của Vietnam Airlines tại lễ cấp giấy phép bay. |
Với 21 học viên của VJA, đại diện VJA cho biết đã cử đoàn công tác sang tận nơi để giải quyết, hỗ trợ học viên và bố trí học ở trung tâm đào tạo khác.
Để tạo điều kiện giúp đỡ các học viên và gia đình, đảm bảo việc cung cấp phi công khi Việt Nam đang có nhu cầu sử dụng nhiều, tại cuộc họp với các gia đình học viên và các đơn vị liên quan chiều 22/1, Bộ trưởng Thăng đã đề nghị VNA nếu có nhu cầu sử dụng phi công có thể hỗ trợ các học viên nói trên tiếp tục học tập tại một cơ sở uy tín khác.
Ông Phan Xuân Đức, phó tổng giám đốc VNA, cho biết hiện VNA cần thêm khoảng 100 phi công mỗi năm. Vì vậy, VNA sẽ hỗ trợ tất cả các học viên Việt Nam từng theo học tự túc tại trung tâm Ahart tiếp tục học tập ở các cơ sở đào tạo khác và VNA sẽ nhận về làm việc sau khi hoàn thành chương trình học tập, có đủ các bằng cấp chứng chỉ theo yêu cầu.
Theo ông Đức, VNA sẵn sàng ứng trước 50% tiền học cho các học viên và trừ dần vào lương sau khi họ tốt nghiệp và về làm việc cho VNA.
Cục Hàng không Việt Nam cho biết đã liên hệ với Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) về sự việc trên. Phía FAA cho biết trung tâm Ahart cũng không báo cáo FAA việc thay đổi chủ sở hữu và thay đổi về cơ sở vật chất, không đáp ứng được một số quy định tại Quy chế An toàn hàng không Liên bang Mỹ (FAR) nên từ ngày 6/10/2014, FAA đã đình chỉ hoạt động của Ahart.
Phải sớm thành lập trung tâm đào tạo phi công ở Việt Nam
Ngày 23/1, tại hội nghị đánh giá chất lượng đào tạo, huấn luyện cán bộ, nhân viên hàng không, ông Lại Xuân Thanh nhắc lại câu chuyện các học viên phi công "nửa chừng đứt gánh" nói trên với mong muốn sớm thành lập được trung tâm đào tạo phi công ở Việt Nam.
“Các học viên đi học phi công theo hình thức xã hội hóa nên sự việc trên không có trách nhiệm của Bộ GTVT và Cục Hàng không. Nhưng về trách nhiệm chính trị thì vì không có hệ thống đào tạo ở Việt Nam nên họ mới đi học ở nước ngoài và gặp rủi ro như vậy. Đây là câu chuyện cần phải bàn để sớm thành lập trung tâm đào tạo phi công ở Việt Nam”, ông Thanh nói.