Mưa lớn liên tục trong 2 ngày 29 và 30/10 khiến nhiều khu vực tại TP Vinh (Nghệ An) ngập nặng. |
Trong đó, khu vực khối 13 và 15, phường Bến Thủy ngập nặng nhất, chỗ sâu nhất gần 2 m. |
Khu vực này thấp trũng nên việc nước dâng lên quá nhanh khiến người nhiều người dân không kịp trở tay. Nhiều tài sản chưa kịp di chuyển bị chìm sâu trong dòng nước. Khoảng hơn 100 hộ dân phường Bến Thủy bị mắc kẹt trong nhà. |
Trao đổi với Zing, đại tá Nguyễn Ngọc Thanh, Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy & Tìm kiếm cứu nạn (Công an Nghệ An), cho biết để giúp nhiều hộ dân mắc kẹt đến nơi an toàn, đơn vị đã điều động 2 xe cứu hộ cứu nạn, 2 xuồng cùng 15 chiến sĩ đến. |
Lữ đoàn 873 (Cục Hậu cần Quân khu 4) cũng huy động gần 100 cán bộ, chiến sĩ và xuồng để giải cứu người dân. Ngoài ra, tham gia cứu nạn, cứu hộ còn có công an địa phương, cảnh sát giao thông. |
Còn trung tá Nguyễn Văn Mậu, Trưởng công an phường Hồng Sơn (TP Vinh), cho biết do mưa lũ khiến nhiều khu vực trên địa bàn ngập sâu, trong đó khu vực xóm Tân Kiều với khoảng 70 hộ dân bị nước ngập sâu đến khoảng 2 m. |
"Từ 3h, 12 cán bộ chiến sĩ phối hợp dân quân tự vệ và chính quyền địa phương tiếp cận gần 70 hộ dân, chủ yếu là người già và trẻ nhỏ để ứng cứu, đưa người dân trong khu vực đến nơi an toàn tránh trú", trung tá Mậu nói. |
Nhiều đoạn ngập sâu, lối vào lại nhỏ hẹp khiến lực lượng khi muốn tiếp cận với hộ dân bị cô lập phải bơi vào cứu người dân trong các căn nhà ngập sâu ở khối 13, phường Bến Thủy, TP Vinh. Ảnh: Chu Minh. |
Lực lượng công an, quân đội cũng kết bè, giúp người dân di chuyển một số tài sản đến nơi cao ráo, tránh hư hỏng. |
Cuối giờ chiều 30/10, mực nước có dấu hiệu rút chậm, một số người dân khối 13, phường Bến Thủy chèo thuyền tự chế, di chuyển trên khu vực ngập về kiểm tra nhà cửa. |
Nghệ An ra công điện khẩn ứng phó thiên tai
Ngày 30/10, Tỉnh ủy Nghệ An có công điện khẩn số 02 về việc ứng phó với thiên tai đang diễn ra trên địa bàn tỉnh do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9.
Theo công điện này, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý yêu cầu các bí thư cấp ủy, người đứng đầu chính quyền các cấp trong tỉnh trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó với mưa lớn và lũ lụt trên địa bàn tỉnh theo phương châm 4 tại chỗ.
Trước mắt, địa phương tập trung ứng cứu nhân dân nơi đang bị ngập và bị cô lập, chia cắt; tổ chức di dời, sơ tán dân nơi có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Triển khai biện pháp cảnh báo ở các điểm giao thông bị ngập lũ, bố trí lực lượng ứng trực, kiên quyết không để người và các phương tiện lưu thông qua địa điểm nguy hiểm.