Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

Giải cứu Đà Nẵng

Thành phố đáng sống bất ngờ “đóng băng” vì ca mắc Covid-19. Giữa hàng nghìn người tìm cách tháo chạy khỏi ổ dịch, các y bác sĩ đi ngược chiều đám đông để giải cứu Đà Nẵng.

Thành phố đáng sống bất ngờ “đóng băng” vì ca mắc Covid-19. Giữa hàng nghìn người tìm cách tháo chạy khỏi ổ dịch, các y bác sĩ lại đi ngược chiều đám đông để giải cứu Đà Nẵng.

Bác sĩ Dũng không muốn bỏ lại 400 bệnh nhân đang điều trị ở khoa Thận nhân tạo của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), nhưng anh biết không còn lựa chọn nào khác. Sinh mệnh của 470 bệnh nhân thận ở Đà Nẵng cũng đang hết sức cấp bách. “Bệnh nhân không được chạy thận có thể sẽ chết trước cả khi bị mắc Covid-19”, bác sĩ Dũng nhớ lại.

Đó là ngày 28/7. Anh cùng một nam điều dưỡng ngồi xe 115, đi một mạch hơn 700 km từ Hà Nội đến tâm dịch sau khi nhận nhiệm vụ “vào Đà Nẵng để lo một đơn vị thận nhân tạo mới”.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Dũng là 1 trong 40 chuyên gia của “đội tinh nhuệ” mà Bệnh viện Bạch Mai cử vào chi viện cho Đà Nẵng cuối tháng 7. Trên tờ quyết định công tác của họ khi đó chỉ ghi ngày đi, không rõ ngày về.

Điện thoại báo 35 độ C nhưng bác sĩ Trang cảm thấy như 40 độ. Chị mệt phờ vì phải nhốt mình trong bộ đồ bảo hộ kín mít, mồ hôi chảy thành dòng ở lưng, xuống tận chân.

Điều hòa ngay trên đầu nhưng không ai dám bật, mất nước nhưng không ai dám uống. Chị ngại những lần đi vệ sinh ngốn tới 30 phút - 15 phút cởi đồ ra và 15 phút mặc đồ vào.

Bệnh viện Đà Nẵng bị phong tỏa chiều 26/7, bác sĩ Đinh Thị Huyền Trang và hơn 30 nhân viên khoa Ung bướu nhận chỉ đạo vừa cách ly, vừa điều trị cho bệnh nhân. Không có bệnh nhân mới nhưng ai cũng “đầu tắt mặt tối” do phải làm thêm cả phần việc của nhân viên vệ sinh, những người đã rời đi khi bệnh viện trở thành ổ dịch.

Mọi thứ thay đổi chỉ trong một buổi sáng. Trưa, khoa Ung bướu bất ngờ được yêu cầu trong 1 giờ phải chuyển toàn bộ bệnh nhân khỏi Bệnh viện Đà Nẵng.

Chị Trang không đếm nổi chiều đó đã chạy bao nhiêu lần khắp 3 tầng của khoa trong bộ đồ bảo hộ. Chỉ một buổi chiều, xe cấp cứu 115 đã chuyển toàn bộ hơn 120 bệnh nhân và người nhà đến Bệnh viện Ung bướu.

120 người của khoa Ung bướu chỉ là một phần rất nhỏ của 1.600 bệnh nhân và gần 2.000 người nhà ở Bệnh viện Đà Nẵng thời điểm bị phong tỏa. Trong tuần đầu tiên bùng phát dịch, hàng trăm chuyến xe như thế đã chạy không ngơi nghỉ giữa các bệnh viện. Đi khỏi Bệnh viện Đà Nẵng lúc này là cách tốt nhất để tránh nguy cơ lây nhiễm giữa nhân viên y tế và bệnh nhân.

cuoc chien chong dich tai Da Nang anh 1

Bác sĩ Phạm Thế Thạch, Phó khoa Hồi sức Tích cực, Bệnh viện Bạch Mai, kể điều hoảng nhất của đoàn công tác khi bước vào Bệnh viện Đà Nẵng ngày đầu tiên là quá đông người trong không gian hẹp, thông khí kém. Phân tích của Bộ Y tế cho thấy trung bình một người mắc Covid-19 có thể lây bệnh cho 5 người khác trong bệnh viện.

Điều lo lắng nhất là những ca nhiễm đầu tiên bắt nguồn từ nhóm bệnh nhân suy thận. Đây là nhóm có nhiều bệnh nền, sức đề kháng yếu, dễ bội nhiễm các vi khuẩn và virus khác ngoài SARS-CoV-2 nên nguy cơ tử vong cao. Cứ vài ngày, Bệnh viện Đà Nẵng lại thông báo có bệnh nhân suy thận mắc Covid-19, áp lực lên ngành y tế càng lớn.

Trước tình hình đó, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đề xuất ưu tiên số một là “làm sạch” Bệnh viện Đà Nẵng, coi đây như F0 của toàn thành phố.

“Giả sử Đà Nẵng là một chiến trường thì khi mình đã tạm thua ở chiến trường này, phải lui về cứ điểm khác, không cho nó lan rộng ra quá nhiều nơi. Mình phải lập chiến địa mới để chiến đấu”, bác sĩ Thạch phân tích.

Chiến trường Đà Nẵng được "bài binh bố trận" lại.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn yêu cầu bệnh nhân Covid-19 nhẹ và hồi sức rút về Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, giao đoàn công tác của Chợ Rẫy phụ trách. Trung tâm Y tế Hòa Vang là cứ điểm tiếp nhận nhóm bệnh nhân nhẹ, còn hồi sức và suy thận do Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ.

Trong lúc chờ hai “căn cứ” mới hoàn thành, những chuyến xe 115 lặng lẽ vượt hầm Hải Vân đưa bệnh nhân nặng nhất ra Bệnh viện Trung ương Huế.

Đêm 30/7 là lần cuối cùng bác sĩ Thạch phải chở bệnh nhân ra Huế. Anh tính toán đi ban ngày thì đỡ vất vả hơn nhưng đi vào ban đêm có thể rút ngắn thời gian thêm 10-20 phút, cũng là thêm hy vọng sống cho bệnh nhân.

Ngồi trong khoang xe chật ních máy móc, mắt anh luôn dõi theo từng con số về nhịp tim, nhịp thở lên xuống trên màn hình. Thẳm sâu trong lòng, anh biết hy vọng sống của bệnh nhân 428 rất mong manh.

Bệnh nhân 428 là cách mà hệ thống y tế định danh người mắc Covid-19. Còn với bác sĩ Thạch, đó là một người đàn ông 70 tuổi, người đã dành 10 năm cuộc đời gắn với bệnh viện, liên tục lọc thận 2 buổi/tuần để duy trì sự sống. Giờ đây, ông nằm bất động trên băng ca, chật vật níu kéo từng hơi thở khi tim, thận không có khả năng hồi phục.

"Bình thường, chức năng tim phải đạt 60-70% thì bệnh nhân này chỉ còn 12%. Quả tim chỉ đập thoi thóp”, bác sĩ Thạch kể.

Khoảng 1h sáng, bệnh nhân được vận chuyển an toàn đến Huế. Nhưng trong cuộc đua với tử thần đêm ấy, bác sĩ Thạch đã không thắng. Bệnh nhân 428 ra đi lúc 5h30 sáng 31/7, trở thành ca tử vong vì Covid-19 đầu tiên của Việt Nam.

Ngay tối đó, bệnh nhân 437 cũng không qua khỏi. Họ đều là những bệnh nhân chạy thận lâu năm tại Bệnh viện Đà Nẵng.

Những cái chết liên tiếp càng khiến áp lực phải nhanh chóng thiết lập một đơn vị thận nhân tạo trở nên nặng nề hơn với bác sĩ Dũng.

cuoc chien chong dich tai Da Nang anh 2

Việc đầu tiên anh làm khi vào Đà Nẵng là đến thẳng Trung tâm Y tế Hòa Vang. Đơn vị thận nhân tạo ở Hòa Vang khi ấy vẫn chưa có gì ngoài một căn phòng trống.

Giai đoạn ấy, cả Trung tâm Y tế Hòa Vang ai cũng đi như chạy.

Từ một cơ sở y tế tuyến huyện (hạng 3), Trung tâm Y tế Hòa Vang được sửa chữa, lắp đặt một phòng thận nhân tạo và hai phòng ICU (săn sóc tích cực) với điều kiện ngang đơn vị tuyến Trung ương (hạng 1) trong vài ngày. Điều mà bình thường nhanh lắm cũng phải mất một tháng, chậm có thể kéo dài cả năm.

Những ngày đó, bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Y tế Hòa Vang, theo sát tiến độ của từng tiếng hàn xì, tiếng sắt thép xủng xoảng va nhau. Thợ điện, thợ nước, thợ sơn... ai nấy đều gấp gáp.

Ngày 1/8, khoa Hồi sức Cấp cứu (ICU) đầu tiên của Bệnh viện dã chiến Hoà Vang sẵn sàng đón bệnh nhân. Ngày 3/8, khoa Thận nhân tạo cũng chính thức đi vào hoạt động. Những căn phòng trống trơn mau chóng được lấp đầy bằng giường bệnh, máy lọc máu, máy thở... từ khắp các nơi gửi về theo lời khẩn cầu của Đà Nẵng. Bác sĩ Vĩnh gọi đó là kỳ tích khó lặp lại.

15h ngày 1/8, bệnh nhân đầu tiên được đẩy vào khoa Hồi sức Cấp cứu, cánh cửa phòng đóng lại nhưng mở ra hy vọng cho gần 200 bệnh nhân Covid-19 của Đà Nẵng. Trung tâm Y tế Hòa Vang, từ một cơ sở y tế tuyến huyện, đã trở thành trung tâm điều trị Covid-19 lớn nhất cả nước, với những bệnh nhân nặng nhất.

Tại Bệnh viện dã chiến Hòa Vang, khoa Thận là nơi điều trị những bệnh nhân Covid-19 nặng nhất cả nước, tiên lượng tử vong.

Một ngày của các bác sĩ, điều dưỡng bắt đầu bằng việc đi đến từng giường bệnh, kiểm tra sức khỏe, vệ sinh răng miệng, hút đờm dãi, lau người, thay băng, tiêm thuốc, thay bỉm, lau vết nhiễm trùng, vỗ rung cho từng bệnh nhân. Có bao nhiêu bệnh nhân thì số thao tác ấy lặp lại bấy nhiêu lần.

- Tuấn ơi, Tuấn! Tuấn ơi, Tuấn! - bác sĩ Dũng vừa gọi, vừa vỗ liên tục vào bên vai trần của nam bệnh nhân, giọng nhẹ nhàng nhưng cứng rắn - dậy để anh đặt catheter lọc máu.

Nam bệnh nhân người xanh xao, hai tay quắt queo ôm trước ngực như tư thế phòng thủ, mắt vẫn không chịu mở, mồm lẩm bẩm lời từ chối ngắt quãng. Bát cháo ở đầu giường đã nguội ngắt từ lúc nào, những viên thuốc còn nguyên nằm ngổn ngang bên cạnh. Bác sĩ Dũng bất lực nhìn bệnh nhân.

Đúng lúc đó, tiếng nhạc từ chiếc điện thoại đen trắng trên cửa sổ át đi tiếng thở khó nhọc của Tuấn. Nam bệnh nhân vẫn nhắm nghiền mắt, từ chối mọi giao tiếp.

Bác sĩ Dũng nghe máy. Đầu dây bên kia, một giọng Quảng cất tiếng, nói gì đó nhưng anh không hiểu. Vị bác sĩ rảo bước tìm kiếm một nữ điều dưỡng người địa phương nhờ làm “phiên dịch viên”. Tuấn vẫn liên tục gạt đi chiếc điện thoại trong tay nữ điều dưỡng, từ chối bằng giọng cáu gắt, mắt vẫn nhắm nghiền.

Nam bệnh nhân không biết rằng cuộc điện thoại là sự sắp xếp của bác sĩ với gia đình để thuyết phục anh hợp tác điều trị.

Nữ điều dưỡng nhìn bác sĩ Dũng qua lớp hơi nước mờ mờ trên mắt kính, chia sẻ sự lúng túng chung. Đây là lần thứ 4 bệnh nhân từ chối lọc máu, nếu cứ giữ tình trạng này, thận sẽ ứ nước, có thể gây ra nhiễm trùng, rất nguy hiểm. Bác sĩ Dũng không biết phải làm gì tiếp theo. Hơi nước trên kính bảo hộ chảy xuống, cay xè mắt.

Trong 31 bệnh nhân mà khoa Thận từng tiếp nhận, đây là trường hợp khiến anh căng thẳng nhất. Bệnh nhân liệt hai chi dưới nên đại tiện, tiểu tiện không tự chủ, dẫn đến nhiễm khuẩn ngược dòng gây hỏng 2 quả thận. Mới hơn 20 tuổi nhưng Tuấn đã trải qua 4 năm chạy thận, lọc máu đến hỏng cả cầu tay, phải chọc kim vào bẹn.

“Một số bệnh nhân bi quan, mình cũng không trách họ được. Bệnh nặng mà còn phải cách ly, không có người thân bên cạnh. Tôi thường động viên bệnh nhân là bây giờ tất cả đều cố gắng. Gia đình cố gắng, bác sĩ cố gắng, cả xã hội cố gắng thì em phải cố vượt lên”, bác sĩ Dũng tâm sự, ánh mắt trầm ngâm. Anh đã tính đến phương án gây mê cho bệnh nhân này để lọc máu.

cuoc chien chong dich tai Da Nang anh 3

Làm thầy thuốc, anh không sợ gặp ca bệnh khó, chỉ lo bệnh nhân bi quan, để mặc sự sống cho vận may.

Anh kể lần hoảng nhất là bệnh nhân tự động rút kim khỏi ven tay khi mới được 3/4 thời gian lọc máu. Máu phụt lên cả trần nhà. May mắn là các bác sĩ, điều dưỡng đứng ngay đó, kịp khóa kim lại, canh chừng để đảm bảo thải hết chất độc khỏi cơ thể bệnh nhân.

Cuối ca trực chiều, bác sĩ Dũng một lần nữa quay lại thuyết phục Tuấn lần thứ 5, hy vọng vực dậy tinh thần của chàng trai trẻ. Cuối cùng, Tuấn cũng chịu lọc máu. Ca chạy thận hôm đó tiến hành rất muộn, kéo dài từ 17h đến 21h. Mọi người cùng thở phào.

Niềm vui chưa tan thì mối lo mới lại ập đến. Một số nhân viên y tế tại Bệnh viện dã chiến Hòa Vang được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2.

“Anh à, kết quả xét nghiệm lần 1 của anh dương tính”, một bác sĩ thẳng thắn thông báo với đồng nghiệp. Ngừng lại như để thăm dò cảm xúc của người ở đầu dây bên kia, bác sĩ này trấn an: “Anh hết sức bình tĩnh nhé”.

Khoa Hồi sức Cấp cứu như đóng băng. Tất cả y lệnh dừng lại, chỉ còn tiếng píp píp lặp đi lặp lại của máy móc. Mọi ánh mắt đổ dồn về hướng cuộc gọi.

Bệnh nhân 889 là bác sĩ vừa được cử đến chi viện cho Bệnh viện dã chiến Hòa Vang 5 ngày trước. Nghe tin, điều dưỡng trưởng Hoàng Minh Hoàn rất sốc.

cuoc chien chong dich tai Da Nang anh 4

Từ hôm rời khoa Hồi sức Tích cực, Bệnh viện Bạch Mai đến Đà Nẵng, ngày 12/8 là một trong những hôm buồn nhất với chị Hoàn. Đó là ngày khoa có ca tử vong đầu tiên, cũng là ngày đồng nghiệp đầu tiên trong khoa nhiễm bệnh.

Cả ca trực chiều đó, chị Hoàn cứ liên tục ra, vào phòng bệnh không chủ đích, tự hỏi nguồn lây nhiễm có thể xuất phát từ đâu. Bác sĩ này vốn rất cẩn thận trong công tác phòng hộ nên không thể lây nhiễm do sai sót trong quá trình điều trị. Lần đầu tiên gặp mặt, chính bác sĩ đó là người phê bình chị đeo khẩu trang chưa đúng.

“Tôi rất lăn tăn, không hiểu mình đã làm hết sức để cho người ta không bị nhiễm hay chưa”, nữ điều dưỡng 46 tuổi tự trách mình.

Tối đó, chị Hoàn không nuốt nổi cơm.

Cả ngày hôm sau, điều dưỡng Hoàn thấp thỏm chờ kết quả xét nghiệm. Mọi người trong khoa đều đã âm tính, chỉ còn chị là chưa có kết quả. Nữ điều dưỡng thao thức đến 2h sáng. Chị không muốn bị đánh số lúc này.

Điều chị sợ nhất không phải là nhiễm bệnh, mà sợ khoa Hồi sức Cấp cứu "vỡ trận". Chị gọi đó là nỗi sợ không còn được chiến đấu trên chiến trường của mình.

“Âm tính”. Nhận kết quả xét nghiệm, chị Hoàn vỡ òa. Chị bảo từ hồi vào đây, thấy thích nhất màu xanh lá cây vì đấy là màu báo kết quả xét nghiệm âm tính.

1 tuần. 2 tuần. 3 tuần. Số bệnh nhân Covid-19 mới nhập viện ít dần, số giờ nghỉ của chị Hoàn và các nhân viên y tế thì nhích lên từng chút một. Từ những giai đoạn phải làm việc đến hơn 15 giờ mỗi ngày, số giờ làm cứ giảm dần xuống 12 giờ, rồi 10 giờ.

Ngày 18/8, điều dưỡng Hoàn có ngày nghỉ đầu tiên sau hơn 3 tuần chạy không nghỉ chân. Đó cũng là ngày vui nhất của Bệnh viện dã chiến Hòa Vang kể từ khi dịch Covid-19 tái bùng phát ở Đà Nẵng. Hôm đó, 23 bệnh nhân ở đây được xuất viện.

Việt Nam, Việt Nam ơi cố lên! Đà Nẵng, Hòa Vang ta cố lên!

Sân trước của Bệnh viện dã chiến Hòa Vang rộn ràng tiếng nhạc của bài hát vừa được một dược sĩ sáng tác mấy ngày trước. Hôm đó, Hòa Vang có 23 người (trong đó có 4 bệnh nhân suy thận) được điều trị khỏi Covid-19.

Bác sĩ Vĩnh, Giám đốc Bệnh viện dã chiến Hòa Vang, tất bật sắp xếp từng chi tiết nhỏ nhất. 200 bộ hồ sơ xuất viện mà anh in sẵn để chờ bệnh nhân khỏi bệnh đã phát được hơn 1/3. Nổi bật trên bộ hồ sơ ra viện là lá cờ đỏ sao vàng cùng những dòng chữ: Chúc mừng, cảm ơn và chiến thắng.

Cuối buổi lễ, bác sĩ Vĩnh đi về phía bác sĩ Dũng. Gần một tháng cùng chinh chiến, họ chỉ nhận ra nhau qua đôi mắt. “Đến giờ vẫn chẳng biết khuôn mặt thật của nhiều người thế nào”, bác sĩ Vĩnh cười nói.

Vị bác sĩ khoe với bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, đứng ngay đó rằng đã “nhận anh Dũng làm anh kết nghĩa”, kể không ngớt những điều học được từ người anh. Bà Yến chăm chú nghe chia sẻ của 2 đồng nghiệp, khóe mắt như có nét cười.

Đến giờ, bà Yến vẫn chưa quên được cảm giác bàng hoàng những ngày đầu phát hiện ra ca mắc Covid-19 ở bệnh viện đa khoa lớn nhất thành phố.

“Giai đoạn đầu rất đảo lộn, rất khó tìm ra hướng đi”, người đứng đầu Sở Y tế Đà Nẵng tâm sự. Bà bảo chính tham vấn của đoàn chi viện Bệnh viện Bạch Mai và Bộ Y tế về việc làm sạch Bệnh viện Đà Nẵng đã giúp thành phố đi đúng hướng.

Lúc đó, bà cũng không nghĩ rằng có thể xây dựng một đơn vị hồi sức tích cực ở một cơ sở y tế hạng 3 như Hòa Vang. “Một sự trưởng thành quá nhanh”, người đứng đầu ngành y tế Đà Nẵng rưng rưng chia sẻ.

Tròn một tháng kể từ khi dịch bệnh tái bùng phát, tâm dịch Đà Nẵng nay đã được kiểm soát.

Ngày 26/8, lần đầu tiên sau hơn một tháng kể từ khi tái bùng phát dịch, Đà Nẵng không có ca nhiễm mới. Đó cũng là ngày thứ 19 liên tiếp, Bệnh viện Đà Nẵng không ghi nhận thêm trường hợp mắc Covid-19 ở nhóm suy thận mạn, đồng nghĩa với chuỗi lây nhiễm từ nhóm bệnh nhân nặng nhất đã được cắt đứt.

Ngày 27/8, những người cuối cùng của đoàn chi viện Bệnh viện Bạch Mai rút khỏi Đà Nẵng.

Dù 8h xe mới chạy, điều dưỡng Hoàn khấp khởi dậy ăn sáng từ 6h, liên tục nhắc đi nhắc lại “được về vui quá là vui”. Dù còn phải cách ly thêm 14 ngày, không kịp đưa con đi khai giảng, nhưng với chị, chỉ cách gia đình 5 phút đi bộ cũng đã là rút ngắn đi rất nhiều chiều dài của nỗi nhớ.

Bác sĩ Thạch vẫn bận màu áo xanh bộ đội quen thuộc, kiểm tra lại những trang thiết bị được mang về Bệnh viện Bạch Mai sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại Đà Nẵng.

Còn bác sĩ Dũng giữ nét mặt trầm tư, mắt không rời điện thoại. Suốt một tháng nay, anh vẫn luôn canh cánh nỗi lo về 400 người bệnh đang chờ ở Bạch Mai. Cuộc chiến ở Đà Nẵng đã tạm kết thúc, nhưng một “chiến trường” khác vẫn đang chờ anh ở nhà.

'Chúng tôi như xát muối trong lòng khi công bố ca tử vong'

Khi đăng những tin tử vong công bố từ bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế, chúng tôi như xát muối trong lòng. Chúng tôi hoàn toàn không muốn điều đó.

Thu Hằng

Đồ họa: Như Ý
Ảnh: Phạm Ngôn, Văn Nguyện, Lê Bảo.

Bạn có thể quan tâm