Nhà văn người Anh Alan Garner, 87 tuổi, đã trở thành nhà văn lớn tuổi nhất lọt vào danh sách chung khảo của giải thưởng Booker.
Cuốn sách Treacle Walker của ông sẽ phải cạnh tranh với 5 cuốn tiểu thuyết khác trong danh sách năm nay, trong đó có cuốn Small things like these - tác phẩm ngắn nhất khi tính theo số trang (116 trang) từng lọt vào danh sách này.
Tác giả Alan Garner là nhà văn lớn tuổi nhất từng lọt vào danh sách chung khảo của giải thưởng Booker. Ảnh: BBC. |
Cuốn Treacle Walker thậm chí còn ngắn hơn khi tính theo số từ. Dù vậy, Alan Garner vẫn phải dành tới 8 năm để viết nên câu chuyện về một tình bạn khó có thể xảy ra giữa một người giúp chữa lành tâm hồn và một cậu bé.
Là người lớn tuổi nhất từng lọt vào danh sách chung khảo cho giải thưởng này, ông Alan Garner nói: "Tuổi tác không liên quan tới khả năng sáng tạo. Dù vậy, mọi kỹ năng của sự nghiệp văn chương và quá trình học hỏi đều gắn liền với thực hành và kinh nghiệm".
Bốn tác giả khác, bao gồm NoViolet Bulawayo, Percival Everett, Elizabeth Strout và Shehan Karunatilaka cũng có tác phẩm được đề cử giải Booker Prize năm nay.
Tác phẩm chiến thắng sẽ được công bố vào ngày 17/10 tới. Ảnh: Booker Prize. |
Đây là lần thứ hai tác giả người Zimbabwe Bulawayo xuất hiện trong danh sách đề cử Booker. Lần này là với tác phẩm Glory, một câu chuyện ngụ ngôn được nhìn qua góc nhìn của thế giới động vật.
Phần lớn các cuốn sách vào chung khảo năm nay được lấy cảm hứng từ các sự kiện có thật như vụ giết Emmett Till (trong cuốn The Trees của Percival Everett) và sự sụp đổ của chính quyền Zimbabwe Robert Mugabe (trong cuốn Glory).
Chủ tịch ban giám khảo giải Booker, Neil MacGregor, cho biết các tác phẩm được chọn đều "nói lên một cách mạnh mẽ nhiều điều quan trọng" mà "tất cả chúng ta quan tâm".
Sáu tác giả trong danh sách đề cử này sẽ nhận được 2.500 bảng Anh mỗi người và một ấn bản đặc biệt về cuốn sách của họ.
Người chiến thắng giải thưởng Booker sẽ được công bố vào ngày 17/10 tại một buổi lễ tại Roundhouse ở London.
Sáu tác phẩm vào vòng chung khảo Giải Booker 2022
Cuốn Glory của NoViolet Bulawayo là một câu chuyện ngụ ngôn, trong đó tổng thống là một con ngựa và người vợ đầy tham vọng của ông là một con lừa dùng trang sức Gucci. Nghe có vẻ khó xảy ra và hơi kỳ lạ khi chó, mèo và công có thể sử dụng mạng xã hội hay thậm chí đi làm móng. Tuy nhiên, những tình tiết này khiến câu chuyện thú vị và thu hút được sự quan tâm.
Cuốn The Trees của Percival Everett được đánh giá cao khi có thể mang lại nhiều cảm xúc cho độc giả. Với nhịp điệu nhanh, câu chuyện về nạn phân biệt chủng tộc và bạo lực của cảnh sát ở Mỹ khiến độc giả khó có thể đặt nó xuống và bị thu hút với nhiều tình tiết vừa kịch tích vừa có nét hài hước.
Cuốn Treacle Walker của Alan Garner. Là sự kết hợp giữa cổ tích và ngụ ngôn. Trong đó, các nhân vật sống động và ấn tượng như: chiếc gương có thể hát, bầu trời rạn nứt, các câu văn xuôi được chấm phá bằng nhiều từ mới lạ.
Cuốn The Seven Moons of Maali Almeida của Shehan Karunatilaka. Tác phẩm này rất khó để đưa vào một thể loại cụ thể nào. Với sự xuất hiện của những hồn ma và linh hồn ở thế giới bên kia, câu chuyện ở đây vừa có những hình ảnh siêu nhiên nhưng cũng mang tới một góc nhìn toàn diện và sâu sắc về chính trị Sri Lanka.
Cuốn Small Things Like These của Claire Keegan nén cả một thế giới vào trong hơn 100 trang sách. Lấy bối cảnh là một thị trấn nhỏ ở Ireland vào năm 1985, đây là một cuốn sách tinh tế và không lãng phí một từ nào.
Cuốn OhWilliam! của Elizabeth Strout tiếp tục là một câu chuyện về tình yêu của Elizabeth Strout nhưng lần này sự cô đơn, sự già nua và đau buồn được thể hiện một cách đơn giản mà sâu sắc.