Câu chuyện cover (hát lại) trở thành đề tài được bàn luận sau khi ca sĩ Tuấn Hưng bày tỏ thái độ không hài lòng khi nhiều giọng ca trẻ xin cover nhạc của anh. Nam ca sĩ cũng nhắc nhở các ca sĩ trẻ nên tự tìm hướng đi và ca khúc của riêng mình thay vì mải mê cover.
Tuy nhiên, có một thực tế ở thị trường nhạc Việt là không chỉ những giọng ca trẻ mà nhiều ca sĩ đã thành danh cũng có những dự án được cho là cover.
Trường hợp điển hình có thể kể đến là Hà Anh Tuấn với những ca khúc gắn liền với thanh xuân của thế hệ 8X, 9X. Ngoài ra, cũng có những nghệ sĩ làm mới nhạc của các nhạc sĩ danh tiếng như trường hợp của rapper Hà Lê với nhạc Trịnh từ năm 2019 đến nay.
Vấn đề được đặt ra là nên nhìn nhận thực trạng cover như thế nào, và có phải cứ hát ca khúc cũ là cover?
Hà Lê cho rằng cần phân định cover với làm mới, sáng tạo giá trị âm nhạc cũ. |
“Cần phân định cover với làm mới”
Nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng cover là hát đúng bản phối cũ của ca khúc cũ. Đây là hiện trạng phổ biến, không chỉ trong nhạc Việt mà trên thế giới, nhiều ca sĩ cũng hát lại nhạc Beatles.
“Nhưng nếu hát theo phong cách mới thì không phải cover. Làm mới là không còn giống cái cũ. Như trường hợp của Hà Lê, làm mới cả giai điệu, bản phối của nhạc Trịnh, đưa chất liệu âm nhạc mới vào thì đó không phải cover”, tác giả Tre xanh ru nhấn mạnh.
Trả lời Zing, Hà Lê gọi tên việc làm mới nhạc Trịnh của anh là “remake”. Anh khẳng định bản thân đã thay đổi vòng hòa thanh của nhạc Trịnh với cách làm rất khác.
“Do vậy, tôi gọi là remake, dù từ này phổ biến ở điện ảnh hơn âm nhạc. Nếu trên giai điệu của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tôi làm acoustic đơn giản, không thay đổi vòng hòa thanh thì gọi là cover nhưng khi đưa những sáng tạo riêng vào, gọi cover là không hợp”, anh cho hay.
Nam nghệ sĩ cũng nhấn mạnh cover cần được phân định thay vì bị đánh đồng là "lười biếng". Nếu chỉ là hát lại với giai điệu y như vậy thì đó là cover. Nhưng nếu hòa thanh mới, phối mới, tức làm mới thì cũng có người gọi là tái sản xuất.
Ngoài Hà Lê, trường hợp của Hà Anh Tuấn cũng từng gây tranh cãi vì cover. Một số ý kiến cho rằng nếu gọi những dự án của Hà Anh Tuấn là cover đơn thuần cũng không hoàn toàn chuẩn.
“Trường hợp của anh Hà Anh Tuấn là đã làm mới các ca khúc cũ, với ý tưởng riêng, concept riêng thì tôi nghĩ không hẳn là cover đơn thuần. Anh Tuấn còn làm những đêm nhạc riêng, nghĩa là những dự án rất bài bản”, Hà Lê trả lời về trường hợp của Hà Anh Tuấn.
Song, nam rapper cũng cho rằng khái niệm chỉ đúng phần nào, tùy vào quan sát và cảm nhận của mỗi người.
Hà Anh Tuấn được cho là thành công nhờ cover những ca khúc gắn liền với thanh xuân thế hệ 8X, 9X. |
“Dành sức sáng tạo cho những sản phẩm mới”
Quốc Trung khẳng định Hà Lê không phải là cover. Bởi lẽ, cover là hát lại một bài hát theo cách trung thành tuyệt đối với giai điệu.
Song, nam nhạc sĩ hy vọng trường hợp như Hà Lê sẽ chỉ coi việc làm mới dự án nhạc Trịnh là bước đệm, tạo ra những không gian âm nhạc để tiến lên, chứ không nên đắm đuối với việc làm mới các ca khúc cũ.
“Phải tự tin bước vào con đường nghệ thuật của mình, tạo ra dấu ấn riêng, cá tính riêng của mình, không nên ỷ lại hay dựa dẫm, lạm dụng những thứ tinh hoa có sẵn. Anh không thể cứ hát nhạc Trịnh bởi vì nhạc Trịnh vốn đã hay, dễ tạo ra chỗ đứng. Chỉ nên coi đó là bước khởi đầu, thậm chí là thử nghiệm để tạo ra những năng lực sáng tạo”, nhạc sĩ nhấn mạnh.
Theo Quốc Trung, nghệ thuật đòi hỏi cái mới. Và quan trọng, nghệ sĩ phải dành sức sáng tạo để làm sản phẩm riêng, làm sản phẩm mới cho mình.
Chung chia sẻ với nhạc sĩ Quốc Trung, nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường cũng cho rằng các ca sĩ nên hướng đến việc có những ca khúc của riêng mình. Đó sẽ là nền tảng vững chắc nhất trên con đường âm nhạc.
Trước những nhận định của giới chuyên môn, Tăng Phúc một trong những giọng ca được biết đến nhờ hát lại những bản hit cũ, hết sức đồng tình.
Anh cho biết thực ra các giọng ca trẻ cũng luôn muốn tìm cơ hội âm nhạc, thay vì mải mê cover.
“Nếu để ý mọi người sẽ thấy tất cả những bạn cover hiện nay trước hết là những người thích hát. Mà đã thích hát thì chắc chắn không ai lại không muốn bản thân có những ca khúc độc lập”, giọng ca Đừng chờ anh nữa nói.
Giọng ca nổi lên nhờ cover Tăng Phúc cho rằng các dự án cover chuyên nghiệp cần phải đảm bảo yếu tố bản quyền. |
“Cover hay làm mới đều cần đảm bảo yếu tố bản quyền”
Giới trong nghề đồng nhận định rằng “cover” hay “remake” các bản hit đã được yêu thích trước đó đều là những hoạt động tích cực, miễn là đảm bảo yếu tố bản quyền tác giả hay độc quyền của ca sĩ.
Khắc Việt ủng hộ việc cover vốn khá phổ biến hiện nay nhưng không nên vì mục đích thương mại.
“Các bạn cover cũng không sao, sẽ càng giúp bài hát lan tỏa, nhưng không phải mục đích thương mại. Khi cover vì mục đích thương mại thì ca sĩ, nhạc sĩ phản ứng là bình thường. Đây là chất xám của người nghệ sĩ nên chắc chắn phải bảo vệ tâm huyết của mình”, nam ca sĩ nói.
Nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường cũng có chia sẻ tương tự. Anh cho rằng nếu cover bình thường thì không có gì đáng lên án. Nhưng nếu cover thương mại, đăng trên kênh bật quảng cáo, kiếm tiền thì không được.
“Đó là vi phạm bản quyền tác giả”, tác giả Cả một trời thương nhớ nói.
Trong khi đó, Tăng Phúc cho rằng nếu cover là những dự án phát triển cá nhân, đăng trên kênh riêng thì luôn cần phải đảm bảo yếu tố tác quyền.
“Quan điểm của tôi là khi mình cover thì lúc nào cũng phải đảm bảo được yếu tố tác quyền tác giả, thậm chí Cục Bản quyền, phải có được sự đồng ý mới cover. Trường hợp của tôi cũng vậy, như đợt tôi làm series acoustic, tôi phải có sự chấp thuận của người nắm quyền tác giả”, anh nói.
Với các dự án làm mới (remake, reproduce), theo quan sát, các ca sĩ cũng thường nghiêm túc đảm bảo vấn đề bản quyền.
Hà Lê khi làm mới nhạc Trịnh cũng đã được sự đồng ý của gia đình Trịnh Công Sơn. Nam rapper cho biết thành viên gia đình cố nhạc sĩ Diễm xưa ủng hộ sản phẩm làm mới nhạc Trịnh của anh. Đại diện gia đình cũng cho biết sẽ mời nam ca sĩ tham gia các đêm nhạc tưởng nhớ Trịnh thời gian tới.