Mate 10 là smartphone chủ lực của Huawei trang bị màn hình sắc nét, trí tuệ nhân tạo đặc biệt và quan trọng nhất là có mức giá phù hợp. Thông qua Mate 10, Huawei muốn chứng minh cho người Mỹ thấy sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ Trung Quốc.
Thế nhưng, nỗ lực của Huawei xem ra đã đổ sông đổ biển. AT&T đột nhiên hủy bỏ kế hoạch bán Mate 10 cho khách hàng Mỹ trước khi thỏa thuận được công bố. Trước đó, tờ Wall Street Journal cho biết nhà mạng AT&T đã thay đổi kế hoạch.
Giám đốc điều hành phụ trách mảng kinh doanh tiêu dùng của Huawei, Richard Yu, giới thiệu mẫu smartphone cao cấp Mate 10 tại Munich tháng 10/2017. |
Chưa có lý do rõ ràng nào giải thích cho việc này. Tháng trước, một nhóm các nhà làm luật Mỹ gửi thư cho Ủy ban Viễn thông Liên bang bày tỏ lo ngại về thỏa thuận hợp tác giữa Huawei và một công ty viễn thông không nêu tên của Mỹ.
Theo đó, công ty viễn thông này sẽ bán sản phẩm Huawei tại thị trường Mỹ. Trước đó, đã có lo ngại, thậm chí cáo buộc từ giới chính khách Mỹ về quan hệ mật thiết giữa Huawei và chính phủ Trung Quốc.
Tờ New York Times đã có trong tay bức thư trên, trong đó nói rằng từ lâu Quốc hội Mỹ đã lo ngại về gián điệp Trung Quốc, và rõ ràng Huawei đã và đang đóng vai trò nào đó.
Tuy lá thư không nêu tên AT&T, việc hủy bỏ thỏa thuận bán điện thoại Huawei tại Mỹ cho thấy AT&T chính là công ty viễn thông được nhắc tới. Phát ngôn viên AT&T, Fletcher Cook, đã từ chối bình luận khi được hỏi về việc này.
Thực tế Huawei là công ty tư nhân chứ không phải của nhà nước. Công ty này nhiều lần bác bỏ cáo buộc gây ra nguy cơ an ninh quốc gia đe dọa nước Mỹ.
Trong thông báo đưa ra, Huawei cho biết hãng đã cung cấp thiết bị chất lượng cao cho thị trường toàn cầu và Mỹ hơn 5 năm qua, đồng thời muốn giới thiệu các sản phẩm mới cho người dùng Mỹ vào ngày 9/1.
Thị trường khó nuốt
Kế hoạch đổ vỡ phút cuối là chuỗi thất bại mới nhất của Huawei trong nhiều năm qua. Hãng này đã tốn rất nhiều công sức vượt qua các rào cản chính trị để tiếp cận thị trường Mỹ.
Nói chung, Huawei đã đánh giá thấp hố ngăn cách chính trị ngày càng sâu rộng với các vấn đề công nghệ, riêng tư người dùng và bảo mật thông tin. Sự kiện này như đổ thêm dầu vào cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang rất gay gắt.
Mới tuần trước, công ty con của Alibaba Group (Trung Quốc) đã phải hủy bỏ thương vụ mua lại công ty MoneyGram (Mỹ) trị giá 1,2 tỷ USD sau khi giới chức Mỹ ngăn chặn thỏa thuận này.
Kịch bản cũng tương tự như vụ Huawei. Các nhà làm luật Mỹ lo ngại công ty Trung Quốc sẽ tiếp cận dữ liệu người dùng Mỹ, cho dù Alibaba Group ra sức khẳng định họ sẽ bảo vệ dữ liệu người dùng đến cùng.
Về phía AT&T, nhà mạng này cũng gặp không ít thách thức. Bộ Tư pháp Mỹ tháng 11/2017 đã phong tỏa thương vụ mua lại Time Warner trị giá 85,4 tỷ USD, chủ yếu do lo ngại vụ sáp nhập này sẽ tạo ra đế chế truyền thông mới có quyền hành thao túng lớn hơn.
Mới đầu, Huawei tính Mate 10 sẽ cạnh tranh với dòng iPhone cao cấp của Apple, và là phép thử của thương hiệu Trung Quốc tại thị trường Mỹ. Tuy các mẫu smartphone Huawei trước đây chỉ ở phân khúc bình dân, Mate 10 lại có giá lên tới 900 USD hoặc hơn mà không được hưởng chính sách hỗ trợ của nhà mạng.
Tuy Huawei vẫn bán điện thoại tại Mỹ nhưng lại không đạt được bất cứ thỏa thuận nào với các nhà mạng lớn như Verizon, AT&T, Sprint và T-Mobile. Vấn đề ở chỗ các nhà mạng này đang kiểm soát thị trường nên sẽ rất khó cho Huawei nếu muốn đặt chân vào đây.
Thỏa thuận với AT&T đổ vỡ cũng sẽ đóng băng nỗ lực tranh đua top đầu của Huawei với hai gã khổng lồ Apple và Samsung.
Sống trong nghi ngờ
Huawei luôn bị Mỹ nghi ngờ làm gián điệp cho chính phủ Trung Quốc. |
Nghi ngờ của Quốc hội Mỹ về quan hệ mật thiết giữa Huawei và chính phủ Trung Quốc khiến công ty này vô cùng mệt mỏi. Đã có nhiều nhà mạng Mỹ từ chối mua thiết bị của Huawei cho hạ tầng mạng viễn thông và dịch vụ lõi vì Washington lo ngại vấn đề bảo mật.
Trong lá thư gửi Ủy ban Viễn thông Liên bang Mỹ, các nhà làm luật Mỹ nói rằng Huawei có quan hệ mật thiết với chính phủ cũng như an ninh và tình báo Trung Quốc, đồng thời cáo buộc Huawei không tôn trọng sở hữu trí tuệ.
Thư ngỏ còn đề cập tới khả năng nếu thương vụ AT&T - Huawei thành công, sẽ có nhiều điện thoại Huawei bán tại Mỹ, rồi tới lúc các quan chức nước này sẽ sử dụng chúng.
Các phản đối này không làm giới phân tích ngạc nhiên. Lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ luôn nhìn thiết bị công nghệ sản xuất tại mỗi nước bằng con mắt nghi ngờ.
Về phía Trung Quốc, các quan chức nước này từng nhiều lần kêu gọi thay thế sản phẩm công nghệ do công ty Mỹ chế tạo bằng sản phẩm trong nước.
Bắc Kinh từng ngăn chặn các công ty Internet lớn của Mỹ như Google và Facebook thâm nhập vào thị trường Trung Quốc.
Giữa hai làn đạn đó, Huawei dễ trở thành bia tập bắn của giới chức Mỹ. Năm 2012, Ủy ban Tình báo của Hạ viện Mỹ nêu đích danh hai công ty Trung Quốc, trong đó có Huawei, là mối đe dọa với an ninh quốc gia Mỹ.
Huawei cũng đang bị Bộ Tài chính Mỹ điều tra xem công ty này có vi phạm lệnh cấm vận thương mại chống Iran và Triều Tiên hay không.
Nói chung, các công ty Trung Quốc muốn vươn ra thị trường thế giới và muốn thế giới công nhận họ là công ty đa quốc gia, trở ngại lớn nhất luôn là thị trường Mỹ.