Bầu Hiển tuyên bố không tiếc tiền để đưa mô hình học viện La Masia về Việt Nam. Tất nhiên, đây là viễn cảnh mà bất cứ người hâm mộ bóng đá nào cũng mong muốn bởi còn gì tuyệt vời hơn khi cầu thủ trẻ Việt Nam được tiếp xúc với công nghệ đào tạo ra Messi, Iniesta, Xavi, Pique, Puyol, Fabregas, Busquets. Lối đá tiqui-taka mà đội chủ sân Nou Camp đang sử dụng, được coi là phù hợp nhất với tố chất người Việt Nam.
Nói về kế hoạch giúp bóng đá Việt Nam thay đổi, ông chủ của đội bóng Hà Nội T&T chia sẻ: “Tôi tin, năm 2017 sẽ mời được Barcelona sang Việt Nam thi đấu. Bên cạnh đó, tôi muốn hợp tác về đào tạo trẻ với họ để thúc đẩy bóng đá Việt Nam phát triển. Tôi yêu cầu họ cung cấp thêm một gói đào tạo quản lý bóng đá với mục tiêu giúp bóng đá Việt Nam tiến bộ toàn diện”.
Bầu Hiển (trái) muốn đưa Barcelona đến Việt Nam du đấu. Ảnh: Tùng Lê. |
Bầu Hiển cho biết thêm: “5 năm trước, tôi ngồi ăn tối với Deco, Van Nistelrooy. Họ nói rằng chỉ biết Thái Lan chứ không biết Việt Nam, nên tôi muốn quảng bá hình ảnh đất nước ra ngoài thế giới".
La Masia - lò đào tạo trẻ số một thế giới
Trung tâm nghiên cứu bóng đá CIES (Thụy Sỹ) đánh giá, Barcelona hiện là đội bóng thành công nhất với công tác đào tạo cầu thủ trẻ. Lò La Masia của câu lạc bộ chủ sân Nou Camp được thành lập năm 1979, khi Johan Cruyff đưa mô hình của Ajax về đội chủ sân Nou Camp. Bảy mùa giải gần đây, các cầu thủ trưởng thành từ La Masia là nhân tố quan trọng giúp đội bóng xứ Catalan vươn lên số một thế giới với 3 chức vô địch Champions League từ mùa giải 2008/09.
Ở trận chung kết Champions League 2009 với MU, 7 trong 11 vị trí xuất phát trong đội hình chính thức Barcelona trưởng thành từ La Masia, giống như huấn luyện viên Pep Guardiola khi đó dẫn dắt đội bóng xứ Catalan. Tại World Cup 2010, 9 trong tổng số 23 tuyển thủ của nhà vô địch Tây Ban Nha cũng xuất thân từ La Masia.
Tháng 8 năm ngoái, huấn luyện viên (HLV) Luis Enrique gây chú ý khi đưa ra đội hình có đến 13 cầu thủ trưởng thành từ La Masia (6 ra sân và 7 dự bị). Điều đó cho thấy lò đào tạo trẻ của Barcelona thực sự lớn mạnh. La Masia là nơi rèn giũa Puyol, Valdes, Xavi, Iniesta, Fabregas, Pique, Busquets và chủ nhân của 5 quả bóng vàng Lionel Messi.
Cựu chủ tịch Barcelona, Joan Laporta từng chia sẻ: “Tại La Masia - trung tâm đào tạo của câu lạc bộ, đó là nền tảng của đội bóng trong cả thể thao và bản sắc. Suốt chiều dài lịch sử Barcelona, thời kỳ hoàng kim chỉ đến khi nòng cốt đội hình là những người được chính câu lạc bộ đào tạo và trở thành cầu thủ hàng đầu thế giới”.
Tuy nhiên, không phải học viên nào ở La Masia cũng đi đến đỉnh vinh quang như Messi, Iniesta và Xavi. Chỉ có 10-15% số học viên ưu tú nhất được thử sức ở đội hình chính Barcelona, 30-40% số học viên có được chỗ đứng ở các CLB khác, phần còn lại gần như không có cơ hội tỏa sáng với nghiệp túc cầu.
Do vậy, Barcelona đặc biệt chú trọng đến việc phát triển những tài năng sáng giá nhất, đặt nền móng cho tương lai. Ban huấn luyện La Masia gọi đó là lớp học tài năng, và hiện có khoảng 48 cầu thủ đang theo học lớp này. Trong tương lai, La Masia sẽ cho ra lò những Messi, Iniesta hay Xavi mới.
Giáo dục phát triển toàn diện
Mỗi năm, Barcelona bỏ ra 13,5 triệu bảng để tìm kiếm tài năng mới nổi và phát triển khâu đào tạo trẻ. Con số trên hơn hẳn Arsenal (2,5 triệu), MU (4 triệu) hay Chelsea (3,6 triệu).
Ở La Masia, điều đặc biệt là bóng đá không phải lĩnh vực được ưu tiên số một. Các học viên phải đến lớp học văn hóa vào buổi sáng, tập luyện bóng đá vào buổi chiều và trở về ký túc xa - nơi họ ở lại 10 tháng mỗi năm.
Từ năm 1979, hơn 500 cậu bé được đào tạo ở La Masia. Tại đây, họ nhận được sự quan tâm rất lớn. Có khoảng 70 nhân viên chuyên trách chăm sóc 75 tài năng nhí mỗi năm, độ tuổi từ 11 đến 18. Đội ngũ này gồm huấn luyện viên, bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng, đầu bếp, nhà tâm lý học và chuyên gia vật lý trị liệu.
Cựu trung vệ Carles Puyol nhớ lại những năm tập luyện trong màu áo đội trẻ Barcelona: “Họ chăm lo cho tôi rất tốt. Thực sự đam mê và thích thú được ở La Masia. Phải xa gia đình và bạn bè, nhưng tôi luôn hạnh phúc khi nghĩ về việc ở đây nhiều hơn”.
Thời gian biểu của các thành viên tại La Masia.
6h45: Ngủ dậy.
7h15: Ăn sáng.
7h30: Xe bus đưa tất cả đến trường học trong thành phố.
14h: Ăn trưa.
15h: Thời gian nghỉ ngơi.
15h30: Học tiếng Anh.
17h: Tập luyện chuyên môn.
18h30: Tập trong phòng thể lực.
20h: Thời gian nghỉ ngơi.
21h: Ăn nhẹ trước khi đi ngủ.
21h30: Thời gian nghỉ ngơi.
22h30: Lên giường đi ngủ.
Còn Lionel Messi chia sẻ: “Khi còn bé, các thầy không dạy tôi cách chơi để giành chiến thắng. Tuy nhiên, họ muốn chúng tôi phát triển với khả năng như những cầu thủ”.
Các học viên được sắp xếp chỗ ngủ trong ký túc xá rộng rãi và tiện nghi. Barcelona có chủ trương dạy dỗ những cậu bé nên người, có thể tự vận động kiếm sống nếu không thể theo đuổi bóng đá lâu dài.
Giám đốc học viện La Masia, Carles Folguera cho rằng, hai phẩm chất quan trọng nhất của các cậu bé ở La Masia là tình bạn và đức tính khiêm tốn. Barcelona không muốn nói về những khoản tiền lớn. Hãy nhìn vào ví dụ như Iniesta, tiền vệ hiện là đội trưởng của Barcelona, nhưng không bao giờ tỏ vẻ kiêu ngạo, sống hòa đồng và thân thiện.
“Chúng tôi luôn cảm nhận được tinh thần và truyền thống của câu lạc bộ. Xét về giá trị, không chỉ đào tạo về bóng đá, La Masia còn giúp chúng tôi trở thành những con người có ích. Mọi người cảm nhận được sự liên kết với đội bóng”, trung vệ Gerard Pique cho hay.
Rõ ràng, các cầu thủ trẻ phải luôn nỗ lực tích lũy kinh nghiệm, học hỏi nhiều nhất có thể và thể hiện tất cả mỗi khi có cơ hội. Có thể không khoác áo đội một Barcelona hay không theo đuổi bóng đá, nhưng họ có thể làm điều gì đó tuyệt vời cho một đội bóng hoặc một lĩnh vực khác.