GIẤC MƠ HƠN NỬA THẾ KỶ ĐƯỢC ĐÓN TẾT TRÊN BỜ
5 thế hệ người dân nơi xóm vạn đò Thủy Phú vẫn bám lấy những con thuyền, sống chết cùng khúc sông lạnh lẽo. Ước mơ đón một cái Tết trên bờ cũng đã dài như tuổi họ sinh ra.
Ít ngày trước năm mới Mậu Tuất, những con người sống nơi đoạn cuối khúc sông Hương vẫn tất bật với việc buông lưới, bắt tôm cá bán kiếm tiền sống qua ngày.
Với họ, 24 hộ dân sống dọc khúc sông, Tết cũng như ngày thường, không xông đất, xông nhà, may họa chỉ là bữa ăn no cơm, có bánh chưng, miếng thịt và hương khói đốt nhiều hơn trên thuyền.
Năm thế hệ chung một con thuyền
Ngày cuối năm, xóm vạn đò Thủy Phú, xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên - Huế) vắng không khí vui tươi, rộn rã chuẩn bị cho ngày Tết cổ truyền.
Trong cái lạnh cắt da, cắt thịt, đoạn cuối khúc sông Hương hòa với sông Bồ càng trở nên lạnh lẽo. Những cơn gió rít từng hồi làm tấm vải bạt ni lông phất phơ, vi vu trước gió hiện lên vẻ đượm buồn cho ngày cuối năm.
Hơn 50 năm trước, cuộc sống đói khổ, không có đất canh tác, những người vạn chài trên phá Tam Giang dọc theo con nước trên những chiếc thuyền hành nghề săn tôm, bắt cá để mưu sinh. Lênh đênh mãi trên khúc sông đoạn cuối sông Hương hòa dòng với sông Bồ, họ quen dần với cuộc sống trên những con thuyền rồi sống hẳn dưới đó mãi cho đến sau này.
Cuộc sống sông nước, nay đây mai đó dần đưa họ xích lại gần nhau, những con thuyền mới của mỗi cặp vợ chồng mới dần làm số thuyền đò ở vùng nhiều hơn. Hơn nửa thế kỷ, bao thế hệ về sống chung với nhau, rồi sinh con, đẻ cái. Cho đến nay 24 hộ dân với gần 130 nhân khẩu vẫn theo nhau sống lầm lũi trên khúc sông.
Họ xem thuyền là nhà, sông là mảnh đất mưu sinh, là nơi sống rồi chết đi suốt bao thế hệ.
Chị Võ Thị Khanh (33 tuổi) kể tử nhỏ đã sống với cha mẹ trên thuyền. Thuyền là gia tài duy nhất để có chỗ ăn, chỗ ngủ và là phương tiện mưu sinh hàng ngày. Thuyền cũng thành căn phòng tân hôn của vợ chồng chị. Khúc sông này là nơi họ lớn lên, quen nhau rồi nên duyên vợ chồng.
Chiếc thuyền rộng chưa đầy 10 m2 là nơi sinh hoạt, nghỉ ngơi và để toàn bộ đồ dùng của 6 thành viên trong gia đình chị Võ Thị Khanh (33 tuổi). Các con chị Khanh không có góc học tập của mình.
|
Trần Văn (12 tuổi, con chị Khanh) cùng đứa em út tranh thủ làm bài tập cô giáo ra về nhà rồi dọn sách vở vào một góc nhỏ trong con thuyền chưa đầy 10 m2 để gia đình có chỗ rộng rãi hơn đón Tết. “Được nghỉ mấy ngày Tết nhưng cũng có bài tập về nhà nên con để tạm đó, hết Tết còn làm bài để đi học”, Văn chỉ về đống bài tập được cô giáo giao về Tết và nói. Văn mơ ước có một ngôi nhà trên bờ để em được đi học gần hơn, đón Tết vui hơn. |
Ngày thường xóm vạn đò Thủy Phú khá vắng vẻ, trẻ con không đi học cũng chạy đi chơi, người lớn thì nằm ngủ mãi đến trưa mới dậy để tối đi đánh tôm, cá. Chỉ có chiều tối hoặc ngày lễ Tết người lớn, trẻ nhỏ mới quay lại, phá tan cái vắng lặng đoạn cuối con sông.
Sẩm tối, người lớn ngồi trong thuyền ngóng ra ngoài trời mơ về một thứ gì tốt đẹp. Phía cồn cát trước xóm, mấy đứa trẻ nhảy múa, chơi trốn tìm, đánh bi…
Ở góc khác, nhóm thanh niên ngồi túm tụm trên chiếc ghe nhỏ, chuyện trò rôm rả và chuyền tay nhau chiếc ly, dường như họ đang nhậu để xua đi cái lạnh đêm đông những ngày cuối năm.
“Cuối năm cũng như ngày thường, chưa đi làm cá được nên chúng nó đem rượu ra uống chứ cũng chẳng biết làm gì khác. Ở đây, Tết cũng như ngày thường, có may ra Tết có kẹo bánh cho mấy đứa nhỏ chứ người lớn cũng vậy thôi”, một người dân giải thích khi tôi ngước mắt nhìn về phía nhóm thanh niên.
“Nước sông rịn vào cơm áo” là câu ví von của người dân vạn đò Thủy Phú. Những phận người sống dựa vào tôm cá trên sông, họ ăn uống, tắm gội, giặt giũ nhờ vào nguồn nước sông đục ngầu và đầy rác thải trôi dạt. Từ đời cha ông đến con cháu, suốt đời sấp mặt với sông nước, rồi họ lớn lên và lấy nhau, lại sống lênh đênh trên đò như một định mệnh.
Cả xóm chưa ai học qua cấp 2
Anh Lê Toan (40 tuổi) kể trước nay mấy chục năm sống trên thuyền đủ thứ thiếu thốn nhưng cái thiếu nhất là nước sạch.
“Sông nước bốn mặt nhưng cái thiếu nhất của dân vạn đò lại là nước. Nước sạch nhà tui mua chỉ dùng tiết kiệm, chủ yếu nấu thức ăn. Tắm rửa, giặt giũ đều dùng nước sông”, người đàn ông 40 tuổi nói.
Con đò rộng chừng 10 m2 là nơi 6 con người gia đình anh Toan sống, mọi sinh hoạt bó gọn trong một khoảng không gian tối tăm, nhỏ hẹp. Gian giữa là nơi đặt bếp, cũng là nơi ăn chốn ngủ, phía đầu là đồ đạc, dụng cụ cho nghề chài lưới.
Đồ dùng trong nhà được đặt gọn gàng trong góc thuyền nhỏ. Những vật dụng như gương, lược, bàn chải đánh răng của gia đình được dắt tạm lên mái thuyền đan bằng nan tre. |
Người vạn đò chủ yếu dùng đèn pin, bình ắc quy, 1 số nhà xin kéo điện trên xóm kéo xuống thuyền dùng. |
Cuộc sống khó khăn, miệng ăn càng nhiều mà tiền kiếm chẳng ra, cô con gái đầu anh Toan không đi học. 15 tuổi, tối nào cô bé đi bán đậu phộng, kẹo cao su ở các quán nhậu, hàng ăn trên phố để có thêm tiền phụ ba mẹ cho các em học đầy đủ hơn.
Ba năm sau, cô con gái học đến lớp 8, cũng vì không có tiền học nên đành gác bút, bỏ dở mơ ước làm giáo viên mà cô bé từng nói với bố mẹ để đi làm kiếm sống.
“Con bé đi miền Nam ở với bà dì rồi đi rửa chén bát cho người ta kiếm tiền gửi cho ba đứa em đi học. Cứ gọi về nó lại dặn đứa em nhớ học cho giỏi, nghe con nói, nhìn những trang vở của con mà nước mắt cứ chảy”, anh Toan trầm giọng.
Không có khung ảnh, không có góc riêng, những tấm ảnh cưới, giấy khen, huy chương được dắt tạm lên những tấm mên đan bằng tre trên mái thuyền. Những đứa con anh Toan hầu như không có góc học tập. |
Thương con làm xa, nhiều lần muốn gọi con về tiếp tục đi học, nhưng nghĩ cảnh đói nghèo, vợ chồng anh Toan đành im lặng rồi tự nhủ đi làm được nhiều cá, lo cho 2 đứa út học đầy đủ hơn.
Bao năm qua, cả xóm vạn đò không ai học lên tới cấp 3 chứ chưa nói gì đến đại học, cao đẳng. Đa số đều nghỉ học từ cấp 2 để theo nghề sông nước hoặc vào phương nam kiếm sống.
Trời về khuya, sương dày thêm, những người dân vạn đò bắt đầu công việc của mình. Tiếng thuyền máy theo ánh đèn chạy ra khỏi xóm chài, hướng về vùng phá Tam Giang xóa tan sự tĩnh mịch của màn đêm.
Giữa cái lạnh của tiết trời đông, bao năm họ vẫn đầm mình vào dòng nước lạnh bắt tôm, cá đến sáng hôm sau mới nghỉ.
“Cả đêm quần quật trên phá, trời thương thì được chút lộc đem ra chợ đổi gạo còn không thì được mớ cá nhỏ chỉ đủ cải thiện bữa ăn”, vợ anh Toan nói thêm.
24 hộ dân xóm vạn đò Thuỷ Phú, không ai hơn ai, họ cứ nghèo khổ, đeo bám mãi trên những con thuyền. Kiếp vạn chài ăn sông, ngủ đò cứ vịn vào vai áo từ đời này qua đời khác. Nhiều người muốn buông ra nhưng nghĩ lại không biết đi đâu về đâu nên lại bám lấy nó như định mệnh đã an bài.
Người dân nơi đây chủ yếu sống bằng chài lưới. Với họ nước sông như đã rịn vào vai áo, khó dứt ra. Họ mong có mảnh đất cắm dùi, cho con cái bớt khổ. |
Trẻ, già mơ đón Tết trên bờ
Hơn nửa thế kỷ, xóm vạn chài vẫn thế, vẫn những con thuyền, những tấm bạt ni lông phủ kín quanh thuyền, cuộc sống sông nước đã rịn vào con người họ như không bao giờ có thể dứt ra.
Xóm vạn chài cứ ẩn dật, khuất sau những căn nhà ngói kiên cố phía trước, nếu không để ý thì khó ai có thể nhận ra dù cái ranh giới ấy chỉ là cái cồn cát, chỉ mấy bước chân trẻ nhỏ.
Phía trên là những ngôi nhà kiên cố, chễm chệ. Dưới sông những chiếc thuyền tuềnh toàng, dập dềnh theo sóng nước là nơi gần 130 người dân xóm vạn đò ngày ngày vẫn bám lấy dòng sông để sống. |
Mọi sinh hoạt, tắm giặt, rửa rau đều trên khúc sông này. |
Ba thế hệ gia đình Lê Thị Lồng (80 tuổi) gắn với sông nước, bao người sống rồi đi miền Nam kiếm việc làm, nay 8 con người sống chen chúc trên con đò chật hẹp.
“Không biết rồi sẽ chết lúc nào, nhưng cả đời ông bà, bố mẹ rồi mình sống trên đò rồi, chỉ mong có mảnh đất để con cháu nó có được một lần đón Tết trên bờ”, bà Lộng ước mơ.
Ngày trước sống cùng ba mẹ trên thuyền, rồi lấy chồng trên thuyền. Cũng trên con thuyền này 7 người con ra đời, khôn lớn. Đời chúng cũng lấy vợ, cưới chồng, sinh con và rồi tiếp tục sống trên đò.
Cặm cụi làm ăn quanh năm, suốt tháng không mua nổi miếng đất để lên bờ, có đứa thì mua được mảnh đất trên cạn, nhưng làm miết cả mấy năm chẳng trả hết nợ.
Nhìn vào mấy tấm giấy khen học sinh giỏi không có khung, dắt tạm ở những tấm mên quanh thuyền, Lê Nam (13 tuổi, học lớp 7) chỉ mong được lên bờ để bạn bè không còn gọi là đồ ở nốc, đồ ở đò.
“Nghe chúng nó nói buồn lắm, nhưng nghe nhiều cũng quen, tức quá thì nói lại mấy câu cho chúng biết, nói nhiều rồi cũng kệ. Em chỉ mong có nhà trên bờ để đi học cho tiện, để chúng không còn gọi là đồ đò nữa”, Nam cúi mặt.
Nghe bạn chọc ghẹo ở đò, Nam im lặng rồi về nhà nói với mẹ. Thương con, vợ chồng anh Toan chỉ biết an ủi con cố gắng học hành. |
Cái Tết cận kề, những con người này vẫn lại ăn dầm ở dề trên con thuyền, bên khúc sông lạnh lẽo. Những đứa trẻ ở đây vẫn sống và ăn những cái Tết trên thuyền và nghĩ về một ngày mai khi chúng được lên bờ.
Ông Trương Đắc Giàu, Phó chủ tịch UBND xã Hương Vinh, cho biết quỹ đất cho những hộ dân vạn chài Thủy Phú đã có nhưng do tỉnh chưa có kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng nên chưa thể chuyển người dân lên bờ được.
“Chính quyền cũng có gói hỗ trợ 'vốn vay nước sạch' để người dân vay tiền bắt máy nước nhưng vấn đề là không có đất thì làm sao bắt được máy nước nên đa số tiền họ dùng trang trải cuộc sống”, ông Giàu nói.