Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giấc mơ dang dở của lao động Việt hồi hương từ Nga

Từ khu lều trại ở Nga trở về lần này, phần lớn họ đều không ai muốn nhắc đến những ngày sóng gió đã qua, bởi họ muốn quên đi giấc mơ làm giàu dang dở.

Sáng 23/8, trên phi cơ SU 290 của Hãng hàng không Nga Aeroplot, 45 người Việt từ khu lều trại ở Nga về đến Hà Nội. Cho đến nay, đã có khoảng 240 người Việt hồi hương, sau chiến dịch truy quét người nhập cư của cảnh sát Nga.

Trước đó, trong quãng thời gian từ ngày 10 đến 20/8, đã có 195 người Việt bị trục xuất khỏi Nga. Khu lều trại được dựng lên để giam giữ khoảng 600 người Việt đã bị dỡ bỏ ngày 20/8 và những người Việt còn lại đã được chuyển đến trung tâm giam giữ người nước ngoài, hay còn gọi là trại Sông Hồng.

Trước cửa khẩu sân bay Sheremet, lao động Việt Nam chuẩn bị xuất cảnh về nước.

Chiếc máy bay chở khách SU 290 của Hãng hàng không Nga Aeroplot trong hành trình khởi hành từ Mátxcơva lúc 20 giờ 45 phút ngày 22/8 (giờ Mátxcơva) đã chở thêm 45 người Việt hồi hương. Ngay từ chiều, nhóm người Việt này đã được đưa vào sân bay Sheremet theo một lối đi riêng và được giám sát an ninh cẩn thận. Gần sát giờ máy bay cất cánh, nhóm người Việt mới được lực lượng an ninh Nga dẫn lên máy bay để trở về Việt Nam. Những công dân Việt Nam này sau nhiều ngày sống tập trung ở lều trại nên khuôn mặt ai nấy đều mệt mỏi. Hành lý của những người này chỉ vọn vẹn một túi xách và ba lô nhỏ, dường như đó là tất cả những gì họ mang về sau những ngày sinh sống ở Nga.

“Tháng lương đầu tiên” mãi chỉ là giấc mơ

Trong số những người Việt hồi hương đợt này, có một chàng trai rất trẻ, mới 19 tuổi là Đỗ Văn Tình, quê ở Ba Bể, Bắc Kạn. Vì là chuyến bay đêm nên hầu như ai nấy đều mệt nhoài và vùi sâu trong giấc ngủ, riêng Tình thức giấc và thường xuyên lấy tay gạt nước mắt. Sự đau khổ, mệt mỏi và buồn bã như hiện lên hết trên khuôn mặt của em. Theo lời Tình, em chỉ mới sang Nga làm việc được hơn 1 tháng thì bị cảnh sát bắt. Tình cho biết, một người quen của vợ chồng người chú họ đã môi giới để em đã đến nước Nga để làm việc trong một xưởng may chui. Chi phí cho lần đi đó hết 10,5 triệu đồng. Khi đến Nga, chủ xưởng may đã thu hết hộ chiếu, giấy tờ tùy thân của em. Ở xưởng may chui, mỗi ngày em làm việc 4 giờ bắt buộc và làm ngoài giờ. Tuy nhiên, Tình không hề được hay biết mức lương mình sẽ được nhận là bao nhiêu.

Tình kể, ngày 31/7, khi em đang làm việc tại xưởng may thì cảnh sát ập đến bắt rất nhiều công nhân Việt Nam trong xưởng sau đó đưa đến khu lều trại. Theo miêu tả của Tình, khu lều trại khá rộng và có khoảng 600 người Việt bị đưa vào tập trung. Mỗi phòng có 40 người sống chung. Theo lời Tình, cảnh sát dựng một hàng rào chắn và những người Việt chỉ được đi lại phía trong khu vực hạn chế đó. Mỗi ngày quản lý trại cung cấp 3 bữa ăn, chủ yếu là gạo nấu loãng như cháo của Việt Nam, thịt hầm, tuy nhiên lượng ăn đôi khi không đủ no. Tình kể, phần lớn người Việt trong trại không biết tiếng Nga và chỉ khi có những sinh viên Việt Nam tình nguyện được cử đến làm phiên dịch viên trong trại thì mới hiểu được những yêu cầu của nhân viên Nga. Cũng nhờ có sự giúp đỡ của những sinh viên này, Tình mới gọi điện thoại về Việt Nam báo tin cho cha mẹ mình.

Đỗ Văn Tình ngồi hàng ghế cuối trên chuyến bay trở về Việt Nam ngày 23.8.

Ngày Tình rời quê hương Bắc Kạn để mong được đổi đời ở phương trời mới, anh trai của Tình đã phải thay cha mẹ vay mượn để có số tiền chi phí cho chuyến đi của em trai. “Ngày em ra đi, cả gia đình chờ đợi và kỳ vọng, giờ thì tay trắng, ngay cả tháng lương đầu tiên mà em chờ đợi, giờ cũng tan tành mây khói...”, Tình nói trong khi nước mắt của em lăn dài trên gò má. Khi được hỏi về tương lai trước mắt của mình, em chỉ im lặng, bởi bản thân em cũng chưa thể thoát khỏi cú sốc trong những ngày qua.

Trong khi đó, phần lớn những người trong nhóm trở về lần này đều không ai muốn nhắc đến những ngày sóng gió đã qua, bởi họ muốn quên đi giấc mơ làm giàu dang dở.

Một miếng khi đói...

Sống ở nước Nga trong những ngày qua mới hiểu hết sự vất vả của các cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Nga trong nỗ lực để bảo vệ công dân của mình. Đại sứ quán Việt Nam đã trực tiếp gặp và làm việc với lãnh đạo Bộ Ngoại giao Nga, chính quyền Mátxcơva, giám đốc Sở Nội vụ Mátxcơva, giám đốc Sở Di trú Mátxcơva về các vấn đề liên quan đến các công dân Việt Nam đang bị tạm giữ.

Hiện vẫn còn khoảng 300 người Việt đang phải sống ở trung tâm giam giữ người nước ngoài và đang chờ hoàn tất giấy tờ để hồi hương. Theo luật của Nga những người bị trục xuất về nước sẽ bị cấm nhập cảnh vào Nga với thời hạn 5 năm.

Ngoài việc lo hỗ trợ hoàn tất giấy tờ cho những lao động này, cán bộ Đại sứ quán đã có rất nhiều cuộc thương lượng, đàm phán và đưa ra yêu cầu để đảm bảo điều kiện sống cho công dân của mình trong khu lều trại. Ban đầu, từ việc phải ăn hạt bo bo, Đại sứ quán ta đã đàm phán với phía Nga để các công dân Việt Nam được ăn cơm và cải thiện rất nhiều điều kiện sống, sinh hoạt trong khu lều trại.

Ngược lại, phía Nga cũng rất thiện chí khi cùng phối hợp giải quyết vụ việc. Ngoài ra, Đại sứ quán cũng kêu gọi bà con cộng đồng, những người có điều kiện kinh tế, chung tay giúp đỡ những người Việt gặp nạn. Có rất nhiều doanh nghiệp Việt ở Nga đã quyên tiền thông qua Đại sứ quán để tặng cho những người Việt gặp nạn một khoản nho nhỏ “dắt lưng” khi trở về.

Đại sứ quán Việt Nam tại Nga sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan sở tại là Sở Di trú, Sở Nội vụ của Nga để tiếp tục tiến hành các đợt tiếp theo. Phía Nga cũng sẽ thúc đẩy càng nhanh chóng càng tốt việc đưa người Việt về nước.

Theo Dân Việt

Bạn có thể quan tâm