Trong buổi gặp gỡ báo chí cuối năm của Bộ Công Thương vào chiều 12/1, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, trong tương lai có thể tính tới sẽ điều chỉnh giá xăng dầu hàng ngày mà không phải đợi chu kỳ 15 ngày như hiện nay.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng lưu ý điều này còn phụ thuộc việc doanh nghiệp trong nước và khâu hậu kiểm của cơ quan chức năng có đảm bảo để vận hành như vậy được hay không.
Trao đổi với Zing.vn, tiến sĩ Ngô Trí Long cho biết, xem xét cơ chế điều chỉnh giá xăng dầu theo ngày của Bộ Công Thương là việc nên làm, đúng theo cơ chế và quy luật thị trường.
Lợi ích và khó khăn khi điều chỉnh giá xăng theo ngày
Theo ông Ngô Trí Long, với doanh nghiệp, giá biến động bám sát thị trường quốc tế sẽ giúp các đơn vị này chủ động hơn trong hoạt động kinh doanh.
Ông cho rằng, không nên nghĩ rằng giá thế giới biến động liên tục khiến tần suất điều chỉnh sẽ dày đặc. Bởi có thời điểm giá biến động nhiều lần trong ngày, nhưng cũng có những lúc giá ổn định trong nhiều ngày, nhiều tháng.
"Riêng với các cơ quan quản lý, điều cần thiết nhất là phải tính được giá cơ sở, dựa trên công thức đã có sẵn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là năng lực của cơ quan quản lý có đủ để theo dõi sát đươc giá xăng dầu nhập khẩu hay có đủ kinh nghiệm về ngành kinh doanh này nếu muốn điều tiết bằng cách thay đổi chính sách thuế phí hay không?", ông Long đặt câu hỏi.
Không chỉ ở Việt Nam - quốc gia phụ thuộc nguồn cung xăng dầu nước ngoài - mà ngay cả các nước xuất khẩu như UAE cũng áp dụng cơ chế điều chỉnh giá theo chu kỳ. Ảnh: Mạnh Thắng. |
Phân tích về thị trường xăng dầu trong nước hiện tại, ông Long khẳng định ngành này tại Việt Nam hiện hoạt động theo kiểu độc quyền nhóm khi có một số ít doanh nghiệp thống lĩnh, chưa có cạnh tranh thực sự. Với đặc điểm này, thị trường chưa thể tự định giá mà phải dựa vào Nhà nước.
"Nhà nước định giá xăng dầu theo giá cơ sở, hay thực chất là theo cơ chế giá trần, khống chế mức giá bán lẻ tối đa mà các doanh nghiệp được phép đưa tới tay người tiêu dùng. Việc áp dụng cơ chế giá theo 15 ngày hiện tại có nhiều bất hợp lý, bởi giá thế giới luôn thay đổi, nhưng nội địa lại phải chịu một độ trễ nhất định.
Việc điều chỉnh giá xăng theo ngày cũng tương tự như cơ chế với tỷ giá, nên có thể áp dụng được tại Việt Nam. Giá này có thể được công bố vào cuối ngày hôm trước hoặc sáng sớm hôm sau để người dân và doanh nghiệp chủ động", tiến sĩ Ngô Trí Long chia sẻ.
Thực tiễn tại Việt Nam cho thấy, trong nhiều năm thực hiện điều chỉnh giá xăng, cơ quan điều hành đã từng nhiều lần thay đổi chu kỳ tính giá.
Tháng 12/2012, Bộ Công Thương từng có văn bản trình Chính phủ về các phương án tính chu kỳ điều chỉnh giá xăng, bao gồm giữ nguyên thời gian tối thiểu cho hai lần liên tiếp là 10 ngày, hoặc nới rộng theo nghị định 84 là 30 ngày.
Khi đó, Bộ Tài Chính từng cho rằng, việc điều chỉnh giá xăng theo chu kỳ 10 ngày có ưu điểm là giúp giá trong nước tiệm cận thế giới. Tuy nhiên, nhược điểm của nó là tần suất điều chỉnh dày, dễ khiến dư luận phản ứng khi giá thế giới tăng liên tục.
Cuối cùng, phương án được chốt là 15 ngày, và đã được quy định trong Nghị định 83 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 84), áp dụng từ đầu năm 2015 đến nay.
Các nước khác định giá xăng dầu ra sao?
Tờ The Phnom Peng Post dẫn lời của phát ngôn viên văn phòng Bộ Thương mại Campuchia cho biết bắt đầu từ tháng 1/2016, chu lỳ điều chỉnh giá xăng tại quốc gia này sẽ rút ngắn chỉ còn 10 ngày một lần. Quyết định trên được cân nhắc dựa vào yêu cầu đảm bảo tính cạnh tranh trên thị trườg nhiên liệu, có tính toán đến tỷ giá ngoại tệ, nhu cầu thị trường.
Kể từ tháng 11/2015 đến ngày 13/1/2016, Campuchia có 3 lần giảm giá xăng dầu. Dù giá xăng ở quốc gia này được cho là đang ngang bằng với nhiều nước có nền kinh tế phát triển, người dân Campuchia vẫn đổ lỗi cho các công ty về việc chậm phản ứng với xu hướng giảm giá của thị trường quốc tế. Theo họ, các công ty đang trì hoãn giảm giá nhằm hưởng thêm chênh lệch giữa giá nhập khẩu và bán lẻ trong nước.
Ông Hiroshi Suzuki, Kinh tế trưởng tại Viện Nghiên cứu kinh doanh Campuchia (BRIC) cho rằng, giá xăng trên thị trường quốc tế là giá ghi trên hợp đồng kỳ hạn, do đó, mức giá cả trong nước sẽ có độ trễ nhất định và điều này là hoàn toàn dễ hiểu. "Dẫu vậy, từ tháng 6/2014 đến nay, giá xăng tại Campuchia đã giảm khoảng 18%, trong khi mức ở Nhật Bản cũng chỉ là 19%", vị này nói.
Trong khi đó, tờ National của UAE cho biết, quốc gia này hiện áp dụng chu kỳ diều chỉnh giá mỗi tháng một lần. Vào ngày 28 hàng tháng, Chính phủ sẽ công bố giá bán lẻ trong nước cho tháng tiếp theo.
Theo số liệu của Globalpetrolprice.com, chỉ 2/3 quốc gia do trang này theo dõi có giá xăng dầu cập nhật theo chu kỳ cố định, còn lại không có số liệu cập nhật. Venezuela, Lào, Lybia, Qatar... là những quốc gia không có cơ chế định giá xăng dầu cụ thể.