Trong khi đó, nguồn cung tuy còn bị ảnh hưởng từ các sự kiện (bất ổn) tại các nước Trung Đông và Bắc Phi (Iran, Iraq, Libya,…) làm giảm sản lượng khai thác nhưng không gây hậu quả lớn vì sự bù đắp sản lượng khai thác tăng lên ở Ả rập Xê út, Mỹ, Nga. Với dự báo về cung - cầu như trên, VINPA cho rằng, giá xăng dầu năm 2014 sẽ giảm nhẹ.
Một yếu tố quan trọng nữa giúp giá xăng dầu ổn định, theo VINPA, là công nghệ khai thác các nguồn nguyên liệu hóa thạch mới từ cát dầu và đá phiến đã giúp Mỹ đã vượt qua Ả rập Xê út trở thành cường quốc sản xuất xăng dầu số một thế giới (với sản lượng trung bình 7,5 triệu thùng/ngày năm 2013 và 8,5 triệu thùng/ngày năm 2014). Và lần đầu tiên kể từ năm 1995, lượng dầu khai thác tại Mỹ vượt qua lượng nhập khẩu.
Mặc dù nhiều tín hiệu cho thấy giá xăng có thể tăng nhưng Hiệp hội xăng dầu vẫn dự báo giá xăng dầu sẽ không tăng so với năm 2013. |
Với thị trường trong nước, theo VINPA, lượng xăng dầu tiêu thụ tại Việt Nam trong năm 2014 tăng nhẹ do nền kinh tế tuy còn khó khăn nhưng bắt đầu hồi phục. Tuy nhiên, với dự báo giá thế giới giảm nhẹ, khả năng tăng thuế nhập khẩu ít và tỷ giá khá ổn định như hiện nay, VIPA cho rằng, hoàn toàn có thể hy vọng giá xăng dầu năm 2014 sẽ không tăng so với năm 2013.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều tín hiệu cho thấy, giá xăng dầu năm 2014 hoàn toàn có thể tăng khi trong nước dù đã có nhà máy lọc dầu Dung Quất, nhưng do công suất của nhà máy chỉ đáp ứng được khoảng 1/3 nhu cầu. Nguồn cung từ Dung Quất bị gián đoạn trong tháng 5 và tháng 6 tới, do nhà máy đóng cửa để bảo trì.
Một thách thức khác đối với doanh nghiệp trong năm 2014 là nhiều khả năng Chính phủ sẽ rút dần các khoản trợ giá năng lượng do thâm hụt ngân sách.
Nếu theo dự thảo Nghị định thay thế nghị định 84/2009 về kinh doanh xăng dầu được Bộ Công thương hoàn thiện trước đó, cơ chế điều hành giá xăng dầu có nhiều điểm mới, trong đó giá xăng dầu được điều chỉnh linh hoạt hơn, tăng quyền tự quyết cho doanh nghiệp...
Cụ thể giá xăng dầu là giá cơ sở (căn cứ để điều chỉnh giá xăng dầu, gồm giá thế giới, thuế, phí, lợi nhuận định mức...) sẽ được tính bình quân 15 ngày thay vì 30 ngày như trước đây. Đặc biệt, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu được tự quyết tăng giá đến 7% nếu giá cơ sở tăng đến 7% (chỉ cần gửi phương án giá, quyết định điều chỉnh đến cơ quan quản lý nhà nước).
Bình luận về dự thảo nghị định mới, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng dù có tiến bộ, nhưng với cơ chế cho doanh nghiệp tự quyết tăng giá đến 7%, thời gian tính giá bình quân chỉ 15 ngày thay vì 30 ngày, giá trong nước sẽ tăng nhanh hơn so với trước đây, dù giảm cũng sẽ giảm nhanh hơn.
Trong năm 2013 vừa qua, dù có 4 đợt tăng giá, 6 đợt giảm nhưng nhìn chung vẫn theo điệp khúc "giảm ít, tăng nhiều", tính chung cả năm, giá xăng dầu vẫn tăng mạnh 2,18%, góp vào CPI chung cả nước mức tăng 0,08%.
Ngay trong ngày cuối cùng của năm 2013, Bộ Tài chính đã phát đi thông báo yêu cầu giữ nguyên giá bán xăng dầu và cho sử dụng Quỹ Bình ổn, các doanh nghiệp tiếp tục không tính lợi nhuận định mức trong cơ cấu giá cơ sở đối với mặt hàng xăng, dầu diezel, dầu hỏa. Thuế suất thuế nhập khẩu, mức trích Quỹ Bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng, dầu được áp dụng như hiện hành.