Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giá xăng: Làm thế nào để hài hòa lợi ích?

Nỗi ấm ức về chuyện xăng tăng giá của người tiêu dùng, các doanh nghiệp, các chuyên gia vẫn chưa được giải toả.

Khi đưa ra các quyết định tăng giá, các quan chức đã không ngừng khẳng định các yếu tố thị trường đằng sau chuyện tăng giá, đã tích cực đăng đàn giải thích lý do không thể không tăng, và thậm chí đã không ít lần lặp đi lặp lại nguyên tắc “hài hoà lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân”. Thế nhưng, có quá nhiều câu hỏi về lợi ích đằng sau những câu trả lời đó.

Chỉ tính từ đầu tháng 5/2015, xăng đã hai lần tăng giá – vào ngày 5/5 và 20/5 – với mức tăng gộp là 3.150 đồng mỗi lít. Thật ra, trước hai đợt tăng giá này, nhiều người đã dự đoán trước xăng sẽ tăng giá do thuế môi trường đã tăng gấp ba lần kể từ 1/5, từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng mỗi lít xăng, tạo áp lực lên giá bán lẻ trong nước trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới đã tăng đều từ nhiều tuần lễ trước đó. Tính ra xăng đã tăng khoảng 18% so với trước thời điểm áp thuế môi trường mới, và tăng 28% so với mức giá 15.670 đồng/lít vào cuối năm 2014.

Lợi ích Nhà nước

Việc tăng thuế môi trường thực chất là một biện pháp tăng thu ngân sách trong bối cảnh Việt Nam phải giảm thuế nhập khẩu – từ 35% xuống còn 20% – theo các cam kết hội nhập quốc tế. Biện pháp này giúp đảm bảo nguồn thu cho ngân sách không bị sụt giảm khi thuế giảm, hoặc sụt giảm không đáng kể, đồng nghĩa với việc đảm bảo lợi ích của Nhà nước.

Có một thực tế là đối với nguồn thu từ xăng dầu, các bộ ngành luôn nỗ lực tìm mọi giải pháp đảm bảo không để xảy ra thâm hụt, cho dù nhiều chuyên gia kinh tế đã chỉ ra rằng giá xăng thấp tạo nhiều lợi ích cho nền kinh tế, kể cả tăng nguồn thu cho ngân sách từ thuế do doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả hơn.

Giá xăng vượt 20.000 đồng/lít, cao nhất kể từ đầu năm

Từ 20h ngày 20/5, giá bán lẻ xăng trong nước tăng thêm 1.200 đồng/lít. Giá dầu cũng tăng thêm 500 đồng, song áp dụng từ 0h ngày 21/5.

Cụ thể, khi giá dầu thô thế giới xuống thấp dưới 60 đôla Mỹ/thùng, Bộ Tài chính ngay lập tức nâng thuế suất các mặt hàng xăng dầu lên mức cao nhất là 40%, là mức đã được điều chỉnh tăng 10 điểm phần trăm so với mức 30% ở quy định cũ. Và khi dầu thô thế giới giảm sâu, tiệm cận mức 40 đôla Mỹ/thùng, giá xăng trong nước cũng giảm không đáng kể, ở mức 15.670 đồng/lít do trước đó Bộ Công Thương đã tăng mức trích lập vào Quỹ bình ổn giá xăng dầu lên 800 đồng/lít.

Và gần đây nhất là việc áp thuế môi trường ở mức rất cao khi thuế nhập khẩu buộc phải giảm theo cam kết hội nhập quốc tế. Các động thái vừa qua cho thấy ngoại trừ hụt thu từ dầu thô, ngân sách Nhà nước hầu như không bị tác động cho dù giá xăng dầu thành phẩm có biến động như thế nào.

Lợi ích doanh nghiệp

Doanh nghiệp ở đây là các đơn vị đầu mối kinh doanh xăng dầu. Với việc Nhà nước đảm bảo một định mức chi phí kinh doanh hào phóng là 1.050 đồng/lít, với việc lợi nhuận định mức được quy định ổn định là 300 đồng/lít, và với các biện pháp định kỳ điều chỉnh giá xăng hai tuần một lần căn cứ theo giá cơ sở, các doanh nghiệp này không hề phải “vò đầu bứt tai” trong chuyện kinh doanh nhưng vẫn có thể ung dung thu lợi nhuận.

Người tiêu dùng là đối tượng chịu thiệt thòi nhất trong câu chuyện giá xăng.

Người tiêu dùng là đối tượng chịu thiệt thòi nhất trong câu chuyện giá xăng.

Cụ thể, Petrolimex mới đây công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2015, với mức lợi nhuận là 461 tỷ đồng, tăng gần 100% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Giải thích về lợi nhuận tăng vọt, ông Trần Ngọc Năm, Phó tổng giám đốc Petrolimex, cho là nhờ cơ chế, cụ thể là việc đảm bảo lợi nhuận định mức cho doanh nghiệp xăng dầu đầu mối, và việc điều chỉnh tăng chi phí kinh doanh xăng dầu. 

Không chỉ doanh nghiệp đầu mối, mà ngay cả các tổng đại lý cũng “ăn nên làm ra” trong quý I/2015. Báo cáo kết quả kinh doanh của Công ty cổ phần Vật tư – Xăng dầu (Comeco) cho thấy lợi nhuận của công ty này tăng hơn 55% trong quý I/2015 lên 11,5 tỷ đồng, trong khi một tổng đại lý xăng dầu khác là Công ty cổ phần nhiên liệu Sài Gòn (SFC) cũng công bố lợi nhuận ròng tăng gần 30% trong quí I lên 10,6 tỷ đồng, cho dù doanh thu bán hàng và dịch vụ giảm mạnh.

Không cần phải dài dòng chứng minh, có thể thấy với cơ chế kinh doanh hiện hành, lợi ích của các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối đã được đảm bảo như thế nào.

Và lợi ích người tiêu dùng

Trên thị trường, chi phí của người này là doanh thu và lợi nhuận của người kia. Với việc lợi ích của Nhà nước và doanh nghiệp xăng dầu đầu mối được bảo vệ, khó có thể nói là quyền lợi của người tiêu dùng – bao gồm cả các công ty sử dụng xăng dầu – được đảm bảo một cách thích hợp.

Như đã đề cập ở trên, người tiêu dùng không có cơ hội được hưởng xăng dầu giá rẻ tương ứng với biến động của giá thế giới, do chính sách thuế, phí luôn được điều chỉnh để đảm bảo lợi ích của Nhà nước, và định mức lợi nhuận và chi phí kinh doanh luôn được đảm bảo cho doanh nghiệp xăng dầu đầu mối. Mọi gánh nặng thuế, phí đều dồn hết lên vai người tiêu dùng, và lợi ích của họ chỉ là phần còn lại, nếu có, sau khi đã đảm bảo các lợi ích nói trên.

Vui buồn cùng giá xăng

Phải mất gần 4 năm, người tiêu dùng mới được thấy giá xăng giảm xuống dưới 20.000 đồng/lít. Tuy vậy, chỉ sau nửa năm, giá nhiên liệu này lại trở về mốc cũ.

Giá bán xăng hiện nay là 20.430 đồng/lít trong khi giá nhập khẩu chỉ hơn 11.200 đồng. Điều đó cho thấy các loại thuế, phí và lợi nhuận của doanh nghiệp xăng dầu chiếm tới hơn 40% giá xăng.

Báo Tuổi Trẻ trích dẫn số liệu từ Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho biết trung bình mỗi ngày thị trường nội địa tiêu thụ khoảng 38 triệu lít xăng dầu các loại. Với dân số 90 triệu dân, tính ra lượng xăng tiêu thụ đầu người khoảng 0,42 lít/ngày, tương đương khoảng 8.626 đồng tiền xăng mỗi ngày, tức 258.780 đồng tiền xăng mỗi tháng.

Và, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2014 đạt khoảng 2.028 đôla Mỹ, tương đương 169 đôla Mỹ/tháng, và tính ra tiền xăng hiện tại chiếm khoảng 7% thu nhập hằng tháng của người Việt Nam.

Cũng theo Tuổi Trẻ, đây là một tỷ lệ khá cao, nếu so với tỷ trọng chi phí xăng dầu trên thu nhập bình quân của các nước Đông Nam Á chỉ nằm trong khoảng 0,5-3,5% thu nhập, nghĩa là giá xăng dầu Việt Nam rất mắc.

Giá xăng và thu nhập

Để rộng đường so sánh, bảng thống kê về giá xăng ở 60 nền kinh tế trên thế giới của hãng tin kinh tế Bloomberg cung cấp nhiều dữ liệu đáng suy nghĩ.

Theo dữ liệu mà Bloomberg cập nhật đến đầu tháng 12/2014, Thổ Nhĩ Kỳ là nơi có giá xăng đắt nhất thế giới, ở mức 9,89 đôla Mỹ/gallon (3,785 lít), tương đương 56.000 đồng/lít. Trong khi đó, giá xăng rẻ nhất là tại Venezuela, chỉ 0,06 đô la Mỹ/gallon, nghĩa là rẻ như nước lã. Giá xăng tại Việt Nam không nằm trong bảng thống kê, nhưng giá hiện hành tương đương 3,54 đôla Mỹ/gallon.

Tuy nhiên, đáng chú ý là Bloomberg đưa ra bảng so sánh “nỗi khổ tiền xăng” (pain at the pump), tính toán giá một gallon xăng so với thu nhập hàng ngày của người dân. Theo đó, Pakistan, với mức giá 3,98 đôla Mỹ/gallon, và Ấn Độ, với mức giá 5 đôla Mỹ/gallon mới thật sự là hai nơi đắt nhất thế giới do người dân phải chi đến 110% thu nhập đầu người hàng ngày của mình cho một gallon xăng. Vị trí tiếp theo là Philippines với tỷ lệ chi 69% thu nhập hàng ngày cho một gallon xăng có giá 4,89 đôla Mỹ.

Theo số liệu thu nhập đầu người của Việt Nam nêu trên thì chắc chắn Việt Nam sẽ xếp vị trí thứ 4 trên bảng xếp hạng, khi phải chi đến 64,15% thu nhập hàng ngày cho một gallon xăng, thay vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng của Nigeria, nơi với mức giá 2,34 đôla Mỹ/gallon, người dân nước này chỉ phải chi 49% thu nhập hàng ngày cho suất tiêu thụ xăng giả định.

Có một lập luận nữa của các quan chức mà thiết nghĩ cũng cần nhắc lại ở đây, đó là tăng giá xăng để chống buôn lậu qua biên giới do giá xăng ở các nước lân cận cao hơn ở Việt Nam. Việc chống buôn lậu là cần thiết để tránh gây rối loạn thị trường, nhưng không thể chỉ trông chờ vào biện pháp về giá như thế này. Hơn nữa, cho dù không ai khuyến khích buôn lậu, nhưng quả thật, với giá thành xăng dầu như đã đề cập, việc buôn lậu không làm thiệt hại cho Việt Nam, mà thậm chí vẫn mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp, do giá bán vẫn luôn cao hơn giá thành.

Trong cả ba thực thể Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng, rõ ràng nhóm cuối cùng luôn là đối tượng chịu thiệt thòi nhiều nhất. Và do đó, nguyên tắc “hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân” mà các cơ quan Nhà nước trịnh trọng tuyên bố gần đây, cuối cùng, cũng chỉ là một khẩu hiệu.

Thuế đẩy giá xăng tăng hai lần trong 15 ngày

Giá xăng trong nước tăng liên tiếp hai lần trong vòng 15 ngày, với mức 18%.

http://www.thesaigontimes.vn/130892/Gia-xang-lam-the-nao-de-hai-hoa-loi-ich.html

Theo Hoàng Sơn/Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn

Bạn có thể quan tâm