Năm nay, giá hàng hoá bình ổn tiếp tục giảm, đặc biệt cận Tết sẽ có nhiều mặt hàng tiếp tục giảm thêm, đồng thời có thêm nhiều điểm bán mới mở thêm để đáp ứng đủ nhu cầu người dân thành phố.
Nhiều mặt hàng điều chỉnh giá, thêm khuyến mãi
Thông tin vui cho người tiêu dùng khi mới đây, do tác động của giá xăng dầu và nhằm kích thích tiêu dùng, Sở Tài chính và Sở Công thương TP.HCM vừa quyết định điều chỉnh giá một số mặt hàng bình ổn.
Cụ thể, mặt hàng gạo (gạo trắng thường và gạo Jasmine) giảm 100-200 đồng/kg, tùy loại. Mặt hàng thịt heo (thịt heo đùi, thịt vai, thịt nách, thịt nạc, thịt cốt lết, sườn già, chân giò, thịt heo ba rọi) giảm 500 đồng/kg và thịt gà công nghiệp nguyên con giảm 3.000 đồng/kg, còn 43.000 đồng/kg.
Ghi nhận của chúng tôi tại một số siêu thị lớn trong thành phố, trong sáng 20/1, nhiều loại nhu yếu phẩm (thịt, trứng gia súc, gia cầm, gạo, đường, sữa) đã được thay giá mới. Tại siêu thị Co.opmart Rạch Miễu (quận Phú Nhuận), hàng loạt mặt hàng bình ổn thị trường như thịt heo các loại đã thay giá mới, gạo và nhiều mặt hàng khác cũng đồng hành giảm giá.
Khách chọn mua hàng trong siêu thị. |
Trong khi đó, tại Big C Miền Đông (quận 10), nhóm hàng trứng gia cầm không giảm giá nhưng các doanh nghiệp lại chuẩn bị phương án khuyến mãi cho người dân để ai cũng có thể mua sắm hàng hoá với mức giá rẻ nhất.
Tương tự, tại cửa hàng Vissan (đường Phan Huy Ích, quận Gò Vấp) ngay từ sáng ngày 19/1, nhiều giá mặt hàng thịt heo đã được nhân viên tại đây điều chỉnh đúng như giá cam kết theo chương trình bình ổn.
Ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt cho hay, cam kết giữ giá hàng bình ổn trước và sau Tết 2 tháng, người dân có thể an tâm đến mua sắm tại các điểm bán hàng bình ổn mà không sợ tăng giá vào dịp Tết. Đặc biệt vào khoảng 10 ngày trước Tết, các mặt hàng trứng, thịt, các nhóm hàng bình ổn sẽ đồng loạt thực hiện khuyến mãi, giảm giá thêm để người dân nghèo có cơ hội mua được hàng hoá giá rẻ.
Tăng thêm 286 điểm bán hàng bình ổn
Nhằm đảm bảo cung ứng hàng hóa Tết các siêu thị tham gia bình ổn thị trường sẽ kéo giãn thời gian phục vụ khách hàng tại các hệ thống Siêu thị Sàigòn Co.op và một số hệ thống phân phối khác. Cụ thể từ 20 tháng chạp - 26 tháng chạp (âm lịch) sẽ mở cửa 7-23h đêm, từ ngày 27 tháng chạp đến 29 tháng chạp mở cửa từ 6h sáng đến 24h đêm.
Riêng ngày 30 Tết mở cửa từ 6h sáng đến 12h trưa. Sáng mồng 2 Tết khai trương mở cửa bán hàng từ 8h sáng đến 12h trưa đến ngày mồng 5 Tết và mồng 6 Tết trở lại hoạt động kinh doanh bình thường.
Năm nay, với mục tiêu đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng góp phần ổn định thị trường các doanh nghiệp đăng ký dự kiến phát triển thêm 286 điểm bán (01 siêu thị, 18 cửa hàng tiện lợi, 24 cửa hàng liên kết Phụ nữ, 2 cửa hàng liên kết Thanh niên, và 241 điểm bán của doanh nghiệp) vào dịp Tết.
Kiểm tra, xử lý ngay đơn vị bán hàng không đúng giá
Ông Nguyễn Thanh Bình, chánh thanh tra Sở Tài chính TP.HCM cho biết sẽ có những đợt kiểm tra các địa điểm bán hàng bình ổn giá trước, trong và sau Tết để đảm bảo các mặt hàng bình ổn sẽ đến tay người tiêu dùng với đúng mức giá quy định. Ông Bình nói: “Chúng tôi thành lập 10 tổ, mỗi tổ phụ trách 2-3 quận để kiểm tra. Nếu đơn vị nào không làm đúng thì kiên quyết xử lý. Gần Tết thì chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra các địa điểm bán hàng bình ổn giá, chợ truyền thống và cả các bến xe”, ông Bình nói thêm.
Gian hàng trứng gia cầm bình ổn giá tại siêu thị Co.op mart Đinh Tiên Hoàng (quận 1). |
Đến thời điểm này, theo Sở Công thương TP.HCM, đã cơ bản hoàn thành kế hoạch cung ứng hàng hóa phục vụ Tết Ất Mùi 2015. Nhiều mặt hàng chuẩn bị lượng lớn chi phối từ 30 - 60% nhu cầu thị trường như: thịt gia cầm (63,4%), dầu ăn (65,5%), đường (57,7%), thực phẩm chế biến (52,7%), trứng gia cầm (42,3%), thịt gia súc (29%). Hiện nay xu hướng tiêu dùng đã có sự thay đổi khẩu phần sử dụng nhiều về mặt hàng rau, củ, quả do đó lượng hàng chuẩn bị tăng trên 121,1%...
Tại Hà Nội Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết nhiều năm nay, từ ngày 23 đến 28 tháp Chạp, theo khảo sát của ông các mặt hàng có lượng cầu lớn trong Tết như gà ta, thịt thăn, thủy hải sản tươi sống, rau củ quả cao cấp, giò bò - giò nạc và cam sành thường tăng giá khoảng 20-30% vì thị trường không có lực lượng nào trữ đủ hàng, chỉ có tiểu thương chuẩn bị là chính.
Theo ông Phú, với 273 tỷ đồng dùng cho chương trình bình ổn giá quanh năm ở các siêu thị thì không đủ để dự trữ những mặt hàng thiết yếu cho Tết, nhất là 6 mặt hàng kể trên.
Ông Phú cho rằng bốn nguyên tắc để thực hiện bình ổn giá là phải mua được hàng giá cạnh tranh, số lượng hàng áp đảo (50-60% thị trường), tung hàng đúng thời điểm và có mạng lưới rộng khắp phục vụ nhân dân nội ngoại thành. Có như vậy thì mới hàng bình ổn giá đến được tay người tiêu dùng có thu nhập trung bình, thấp.