Cập cảng sau 19 ngày đánh bắt hải sản ở ngư trường Trường Sa, ngư dân Huỳnh Văn Bảy (ngụ TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) quyết định tạm dừng ra khơi dịp này. Ông cho biết bị lỗ 50 triệu đồng trong chuyến đi biển vừa qua sau khi trả hết các chi phí như lương bạn thuyền, tiền đá lạnh và xăng dầu.
“Giá xăng dầu và các nguyên liệu khác tăng cao, trong khi giá bán cá rất thấp. Tôi chỉ lỗ 50 triệu vì may mắn trúng luồng cá ngừ sọc dưa, chứ như người khác chắc lỗ nhiều hơn”, ông Bảy nói.
Ông Bảy cho rằng nếu giá xăng dầu không giảm, chắc chắn nhiều ngư dân như ông sẽ phải bỏ tàu vì không kham nổi chi phí cho mỗi chuyến ra khơi.
Cứ ra khơi là lỗ
Tương tự, ông Nguyễn Văn Tính (ngụ thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) cho biết chuyến ra khơi vừa rồi lỗ khoảng 20 triệu. Ông mới vào chợ hải sản Nam Trung Bộ bán cá.
“Đi gần 20 ngày trừ hết chi phí thấy lỗ rồi. Giá xăng dầu chiếm phần lớn chi phí của cả chuyến đi. Nghề nghiệp nên phải bám biển mưu sinh, không riêng gì tôi mà anh em bạn thuyền cũng khó khăn khi thu nhập giảm”, ông Tính tâm sự.
Tàu cá nằm bờ vì ngư dân không kham nổi chi phí khi xăng dầu tăng cao. Ảnh: An Bình. |
Theo ông Tính, mỗi chuyến ra khơi tàu ông cần khoảng 2.500 lít dầu, tốn khoảng 50 triệu đồng.
“Ngoài dầu, chúng tôi còn lo lương cho bạn thuyền, chi phí ăn uống, tiền đá lạnh… Trước khi xăng dầu tăng mỗi chuyến lời khoảng 40-50 triệu, nay chi phí lên cao may mắn thì huề vốn. Nếu vài chuyến lỗ vốn chúng tôi không dám ra khơi nữa”, ông Tính nói.
Hàng trăm ngư dân ở các tỉnh Nam Trung Bộ sống chật vật trong nhiều tháng giãn cách xã hội. Hiện, các quy định giãn cách đã được nới lỏng và họ cũng đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19. Tuy nhiên, phần lớn lâm vào thế khó vì ở nhà không có tiền, còn ra khơi gần như xác định lỗ vốn.
“Nhiều bạn thuyền đến nhà hỏi xem có đi biển không nhưng tôi chưa quyết định vì giá xăng dầu tăng cao quá, không gánh nổi chi phí cho chuyến đi biển dài ngày”, anh Tiến - chủ tàu cá ở Nha Trang - cho biết.
Theo các ngư dân, trung bình mỗi chuyến đi biển kéo dài 15-20 ngày, trong đó chi phí cho xăng dầu chiếm hơn một nửa.
“Dịch Covid-19 kéo dài nên giá thủy sản đang rất rẻ, trong khi giá nhân công, thức ăn, đá lạnh đều nhìn giá xăng dầu để tăng theo. Bám biển 35 năm nay, lần đầu tôi phải đắn đo việc có tiếp tục ra khơi hay nằm bờ mà không phải vì mưa bão, bệnh tật”, ngư dân Huỳnh Văn Bảy nói.
Nỗi lo vỡ nợ
Nhiều chủ thuyền dịp này lỗ nặng, nhưng vẫn quyết định tiếp tục ra khơi vì không đi biển họ không biết làm gì, trong khi nợ nần vẫn phải trả.
“Hai chiếc tàu của tôi vừa cập cảng hôm thứ 7, bán hết cá tôi lỗ gần 200 triệu. Hôm nay tôi vẫn cho tàu tiếp tục ra khơi vì đây là vụ cá không đi không được. Đi biển để còn trả nợ chuyến trước và mình còn lo cuộc sống cho hàng chục bạn thuyền lâu năm khác”, ông Nguyễn Văn Hùng - Phó nghiệp đoàn nghề cá Phước Đồng - cho biết.
Theo ông Hùng, ngư trường cạn kiệt nên các tàu đi biển phải ra khơi xa hơn, đi dài ngày hơn. Do đó, chi phí xăng dầu bị đội lên. “Đi về lỗ vốn nặng, tiền chi cho bạn thuyền ít hơn nên nhiều người cũng không muốn đi”, ông Hùng cho biết thêm.
Theo ban quản lý chợ hải sản Nam Trung Bộ, thời điểm sau giãn cách xã hội, số lượng tàu cá vào bán hải sản ít hơn so với trước khi dịch Covid-19 bùng phát.
Chi phí tăng cao khiến ngư dân gặp khó khăn. Ảnh: An Bình. |
Còn các tiểu thương cho biết nửa tháng nay, nguồn cá tại chợ hải sản Nam Trung Bộ chủ yếu đến từ ngư dân các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên. Những chủ tàu này có cá bán vì họ ra khơi trước thời điểm xăng dầu đạt đỉnh.
Các ngư dân cho biết lúc trước mỗi chuyến ra khơi họ đều vay mượn, cầm cố tài sản để có tiền lo chi phí. Nay giá cả leo thang, mỗi chuyến đi biển đều lỗ vốn khiến cuộc sống bấp bênh, nhiều chủ tàu lâm cảnh nợ nần.
“Dịch bệnh khó khăn nên chẳng ai dư tiền lúc này. Để có tiền lo chi phí cho 2 chiếc tàu tôi cũng phải vay mượn ở ngoài, chuyến vừa rồi lỗ nên xin chủ nợ khất trả dần. Hy vọng chuyến này về dư được xíu để trả lại cho người ta”, ông Hùng buồn bã nói.
Theo ông Mai Thành Phúc, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Phước Đồng (TP Nha Trang), giá cả leo thang nên ngư dân đã khó nay càng khó khăn thêm. Ông nói trước đây Chính phủ có Nghị quyết 48 hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ, trong đó có hỗ trợ dầu theo chuyến.
“Mỗi chủ tàu sau khi đi biển về khai báo sẽ được tổng hợp và nhận tiền hỗ trợ theo quý 3 tháng một lần”, ông Phúc nói. Tuy nhiên, theo ông Phúc từ tháng 8 đến nay ngư dân chưa nhận được số tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 48 như trước nay.
“Khoản hỗ trợ không nhiều nhưng sẽ giúp ích lớn trong thời điểm giá xăng dầu tăng cao như hiện nay. Mốt số người cụt vốn, không thể vay thêm nên buộc phải cho tàu nằm bờ, chờ hỗ trợ”, ông Phúc nói.
Ông cho rằng Nhà nước, Chính phủ nên xem xét có chính sách hỗ trợ cho ngư dân dịp này để họ yên tâm bám biển, vượt qua khó khăn ổn định cuộc sống.