Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giá xăng dầu, điện phải công khai yếu tố đầu vào

Tại phiên họp thường kỳ tháng 1/2014 của Chính phủ, Thủ tướng đề ra các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho kinh tế.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu phải thực hiện công khai về giá cả theo thị trường, giá xăng dầu và điện phải công khai minh bạch các yếu tố đầu vào, phối hợp truyền thông rộng rãi đến người dân.

Theo Bộ KH&ĐT, trong tháng 1, cả nước có khoảng 6.900 doanh nghiệp (DN) được thành lập với số vốn đăng ký trên 43.700 tỷ đồng, tăng 27,7% về số DN và tăng 79,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Hầu hết các DN thưởng Tết cho người lao động 1 tháng lương (mức bình quân 4,4 triệu đồng/người), tăng 20% so với mức thưởng năm 2013...

CPI không cao do kiểm soát giá tốt

Về tình hình kinh tế-xã hội tháng 1/2014, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2014 tăng 0,69% so với tháng 12/2013, đây là mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh đánh giá CPI tháng Tết Nguyên đán tăng không cao là nhờ việc chuẩn bị tốt nguồn cung hàng hóa, phong phú về chủng loại, đa dạng về mẫu mã cùng với việc sức mua tăng không cao (20-25% so với ngày thường), tập trung vào những ngày sát Tết.

Việc tiếp tục thực hiện chương trình bình ổn giá cũng góp phần ổn định thị trường và giá cả. Các thành viên Chính phủ đều nhận định CPI tháng 1 tăng thấp do kiểm soát giá cả tốt. Trong đó, CPI của TP.HCM thấp hơn cả nước, cho thấy quản lý giá rất tốt.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cùng các Bộ đánh giá chương trình bình ổn giá của TP.HCM đang làm (phương án chuẩn bị hàng Tết giữa TP.HCM với 13 tỉnh miền Tây Nam bộ) có tác động rất tốt, DN, chính quyền cùng phối hợp, dân được lợi. Tinh thần là không bù ngân sách, chỉ ngân hàng và DN, chính quyền phối hợp. Cách làm này kiểm soát tốt giá cả và chất lượng hàng hóa, nên đề nghị ngay từ đầu năm nhân rộng các địa phương khác triển khai.

Đánh giá hoạt động của khu vực dịch vụ, ông Vinh cho biết lĩnh vực này tiếp tục phát triển khá. Trong tháng 1/2014, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 13% so với cùng kỳ năm 2013, loại trừ yếu tố giá còn tăng khoảng 5,8% (cùng kỳ tăng 1%). Các hoạt động du lịch, vận tải và dịch vụ khác tiếp tục phát triển, đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Đáng chú ý, trong tháng 1, cả nước có khoảng 6.900 DN được thành lập với số vốn đăng ký trên 43.700 tỷ đồng, tăng 27,7% về số DN và tăng 79,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Cũng trong tháng 1, có khoảng 2.400 DN tạm ngừng hoạt động đã trở lại hoạt động. Về hoạt động của các DN, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, nhìn chung hoạt động của các DN còn gặp nhiều khó khăn. Vẫn có nhiều DN ngừng hoạt động trong tháng 1/2014.

Về tình hình lương thưởng Tết, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết số người lao động không có thưởng rất lớn, mức thưởng tăng cũng không nhiều (năm ngoái mức thưởng cao nhất là 600 triệu đồng, năm nay cao nhất là 900 triệu đồng, của DN FDI), chủ yếu vẫn là tháng lương thứ 13. Ước tính có khoảng 141.000 người lao động không có thưởng Tết.

Sau Tết bắt tay ngay vào việc

Trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng, tính đến 20/1/2014, tổng phương tiện thanh toán ước tăng 0,82% so với tháng 12/2013. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tương đối ổn định do thanh khoản của hệ thống tiếp tục được cải thiện. Lũy kế 15 ngày đầu tháng 1/2014, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 27.270 tỷ đồng, bằng 3,5% dự toán (cùng kỳ đạt 3,1%); tổng chi ngân sách nhà nước ước đạt 33.400 tỷ đồng, bằng 3,3% dự toán.

Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình cũng cho biết tín dụng tháng 1 và tháng 2 thường có áp lực lớn, nhưng tình hình hiện vẫn ổn định, dù lãi suất có tăng nhưng vẫn nằm trong kiểm soát: "Năm nay kiên quyết không in tiền lẻ mới, cung cấp đủ tiền nhưng không có tiền mới. Dù có nhiều ý kiến, nhưng dư luận đồng tình ủng hộ. Một số khu công nghiệp có hiện tượng nghẽn ATM do lượng người rút tiền đông, vì vậy Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo ngân hàng thương mại ở một số điểm mang bàn trả tiền đến tại chỗ".

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu đầu năm ngân hàng cần đẩy mạnh cho vay sản xuất. "Ngư dân miền Trung đi vay nặng lãi để đi biển; phải ngăn chặn tình trạng cho vay nặng lãi và tạo điều kiện cho dân tiếp cận tín dụng ngân hàng, dân đi biển cực lắm", Thủ tướng lưu ý và cho rằng cuối năm 2013, chúng ta đặt mục tiêu kiểm soát CPI năm 2014 là 7%, nhưng qua 3 tháng gần đây cho thấy có thể ở mức dưới 7%.

"Sau Tết cần bắt tay ngay vào việc, chỉ đạo, thực hiện theo nhiệm vụ được giao và theo tinh thần Nghị quyết 01. Phải đảm bảo vững chắc hơn kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát bền vững, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tái cơ cấu nền kinh tế", Thủ tướng chỉ đạo.

Trong đó, cần tập trung tái cơ cấu DN nhà nước, đây là nội dung rất quan trọng để tái cơ cấu nền kinh tế. Các đề án tái cơ cấu DN nhà nước đã được phê duyệt thì phải nghiêm túc thực hiện, phải mạnh dạn cổ phần hóa như mới đây đưa lên sàn của Ngân hàng BIDV rất thành công. Thủ tướng nhắc nhở hai TP lớn là Hà Nội và Tp.HCM rất chậm chạp trong cổ phần hóa, tái cơ cấu DN nhà nước.

Thủ tướng cũng yêu cầu phải thực hiện công khai về giá cả theo thị trường, giá xăng dầu và điện phải công khai minh bạch các yếu tố đầu vào, phối hợp truyền thông rộng rãi đến người dân, cần nhấn mạnh giá điện đã theo thị trường, sẽ hỗ trợ cho người nghèo (năm 2013 đã chi hơn 1.000 tỷ đồng để hỗ trợ giá điện cho người nghèo).

http://ndh.vn/

Theo Thời Báo Kinh Doanh

Bạn có thể quan tâm