'Giá xăng dầu có thể sẽ giảm'
Theo Vụ phó Vụ thị trường trong nước, Bộ Công thương, nếu các yếu tố đầu vào tiếp tục giảm, các doanh nghiệp xăng dầu chắc chắn phải giảm giá bán trong nước.
Chiều nay, Bộ công thương đã tổ chức cuộc họp báo thường kỳ để trả lời các vấn đề liên quan đến tình hình quản lý cá tầm, tăng giá xăng cũng như tăng giá điện. Đúng như dự kiến, rất nhiều câu hỏi về vấn đề tăng giá điện đã được các cơ quan truyền thông chuyển tới cho đại diện Bộ, trong đó có yêu cầu công khai chi phí sản xuất điện của tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hiệu lực của thông tư 19 (về biểu giá điện mới áp dụng từ ngày 1/8), so sánh giá điện của Việt Nam hiện tại với giá điện tại Lào và Indonesia ... Tuy nhiên, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho biết do các nội dung này đã được trả lời trong nhiều cuộc phỏng vấn liên tục từ ngày 30/7 đến 4/8 với Bộ trưởng Bộ Công thương và lãnh đạo các doanh nghiệp, cơ quan liên quan, nên sẽ không tiếp tục trao đổi trong cuộc họp thường kỳ lần này.
Trước đó, theo báo cáo tài chính ước tính của EVN, tập đoàn này đã cơ bản cân bằng được tài chính trong 6 tháng đầu năm 2013, doanh thu đạt trên 81.600 tỷ đồng (tăng 23% so với cùng năm trước).
Trả lời về vấn đề có giảm giá xăng dầu trong nước hay không, Phó vụ trưởng Vụ thị trường trong nước Nguyễn Xuân Chiến cho biết việc quản lý giá xăng dầu do Bộ Tài chính thực hiện là chính. Với chức năng cùng phối hợp, Bộ Công thương cũng sẽ có những theo dõi và tham mưu để có điều chỉnh thích hợp.
“Giá xăng dầu thế giới cuối tháng 7 có giảm, nhưng việc điều chỉnh giá trong nước lại phụ thuộc vào giá bình quân thế giới 30 ngày và các yếu tố khác như thuế nhập khẩu, mức trích quỹ bình ổn… Nếu trong thời gian tới, các yếu tố đầu vào này tiếp tục giảm thì tất nhiên doanh nghiệp trong nước phải giảm giá, theo đúng quy định tại Nghị định 84”, ông Chiến cho biết.
Riêng về dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung cho Nghị định 84 về Quản lý Kinh doanh xăng dầu, ông Chiến cho biết dự thảo lần thứ 4 đã hoàn thành. Tuy nhiên, do dự thảo mới có tới 23 điều sửa đổi, bổ sung 2 điều trong tổng số 35 điều nên sẽ không ban hành nghị định bổ sung này, mà Bộ Công thương được giao nghiên cứu, đưa ra một nghị định mới và trình Chính phủ vào ngày 30/9 tới. Hiện dự thảo lần thứ 5 đang được hoàn tất và sẽ trình lên Bộ Tư pháp trước khi thông qua Chính phủ.
Về tình trạng nhập lậu cá tầm vào trong nước, ông Đỗ Thanh Lam, Cục phó Cục quản lý thị trường cho biết, nếu như năm 2012, quản lý thị trường và các lực lượng chức năng đã tịch thu, tiêu hủy 15 tấn thủy hải sản các loại thì con số từ đầu năm 2013 đã là 129 tấn, trong đó riêng quản lý thị trường xử lý 30 tấn.
“Cá tầm một khi đã vào nội địa thì việc phân biệt hàng nhập lậu và hàng trong nước là rất khó. Đó là còn chưa kể đến việc các đối tượng buôn lậu ngày càng sử dụng các phương thức rất tinh vi, có sự móc nối, thậm chí sử dụng giấy kiểm dịch khống. Trong khi đó, muốn xác minh nguồn gốc, chất lượng thì cần phải có thời gian, nhưng đây lại là loại hàng hóa dễ hỏng, nên hoạt động kiểm tra, kiểm soát gặp rất nhiều khó khăn”, ông Lam cho hay.
Trần Bình
Theo Infonet