Một trang web có tên miền Samsungvietnam.on**** đang rao bán mẫu Galaxy Note10+ phiên bản trải nghiệm. Theo thông tin từ trang web này, máy được giảm 50%, từ 9 triệu đồng, còn 4,5 triệu đồng.
Lừa người ham rẻ
“Nhìn sơ qua, rất khó biết được đây là trang web giả vì nó được thiết kế chuyên nghiệp, có giá cả, hình ảnh thực tế và thông số kỹ thuật đầy đủ. Nếu ai ham rẻ sẽ bị lừa ngay”, anh Trần Công Danh (quận Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ.
Trong phần giới thiệu về sản phẩm, trang web này cho biết Galaxy Note10+ có 3 màu là đen, xám và tím. Ngoài đặt hàng qua web, người dùng có mua máy tại Shopee. Tuy nhiên, khi người viết nhấn vào Shopee thì chỉ hiện ra ảnh gif và không thể mua hàng.
Trang web giả rao bán Galaxy Note10+ giá 4,5 triệu đồng. |
Bên cạnh đó, nếu tinh ý và am hiểu về công nghệ, bạn sẽ dễ dàng nhận ra được những dấu hiệu bất thường của trang web này. Cụ thể, có một số hình ảnh trên website không đúng của Galaxy Note10+. Các góc cạnh của sản phẩm được làm cong giống như dòng S thay vì vuông vức như dòng Note.
Sai cấu hình sản phẩm
Theo thông tin từ trang web, máy có màn hình 6,3 inch, Full HD, RAM 8 GB và pin 3.500 mAh nhưng thông số này không chính xác. Cấu hình chuẩn của Galaxy Note10+ bao gồm màn hình 6,8 inch, 2K, RAM 12 GB và pin 4.500 mAh.
“Mình nhìn vào thì biết đây là trang web giả. Một trang web lớn như Samsung không có chuyện bị lỗi phông chữ. Một số hình ảnh cũng không đúng như sản phẩm thực tế. Ngoài ra, những mẫu điện thoại mới thường không có chuyện giảm đến 50%”, anh Lê Hoài (quận Phú Nhuận, TP.HCM) nói.
Hình ảnh và thông tin sai của Galaxy Note10+ trên trang web giả. |
Đại diện Samsung Việt Nam cho biết đây không phải lần đầu tiên có một trang web giả Samsung để bán hàng, lừa đảo người dùng. Vị này cảnh báo người dùng nên cảnh giác, tìm đến trang web chính thức để nhận được sản phẩm tốt nhất.
Bán hàng giảm giá khủng là chiêu lừa đảo thường xuyên diễn ra tại Việt Nam. Đầu tháng 8/2019, bà Phương Chi, một khách hàng ở Hà Nội đã mua phải chiếc điện thoại giả mạo Samsung Galaxy A70 dùng IMEI của điện thoại OPPO. Chiếc điện thoại này được bán ở website samsunga70.dealhot24h.com, vốn được thiết kế bắt mắt như một trang thương mại điện tử uy tín.
Sản phẩm đến tay khách hàng nhìn rất "dại", ngoài hộp ghi sản xuất tại Việt Nam nhưng lưng máy lại là sản xuất tại Brazil. Ảnh: Phương Chi. |
Để tiếp cận "con mồi", kẻ lừa đảo lập hàng loạt trang Facebook, chạy quảng cáo dẫn dụ khách hàng về web, giả mạo cả vận đơn và hóa đơn của đơn vị giao hàng.
Chia sẻ với Zing.vn, bà Chi cho biết mình tình cờ bấm vào một quảng cáo khi đang sử dụng điện thoại. Quảng cáo này dẫn tới trang web có nội dung "Xả kho trưng bày hàng mẫu Galaxy A70", với mức giá giảm 49%.
Trên trang web này, người dùng cần điền tên, địa chỉ, số điện thoại và chọn màu của sản phẩm. Sau khi nhập các thông tin và bấm xác nhận, sẽ có người gọi điện chốt đơn hàng.
"Khi gọi điện xác nhận, giao dịch viên khẳng định chắc nịch là hàng chính hãng. Giao đến nơi, tôi thanh toán tiền mặt, thấy cả phiếu giao hàng của đơn vị vận chuyển ghi được mở gói hàng nhưng không được bóc seal, mở hộp sản phẩm. Do chủ quan, tôi không kiểm tra sản phẩm. Sau đó, khi mở ra mới nhận thấy hộp, máy và phần mềm đều có điểm không giống sản phẩm Samsung. Nhờ bạn kiểm tra IMEI, tôi nhận được kết quả là điện thoại Oppo F9 Pro", bà Chi nói.
Theo ông Lê Minh Hiệp, quản trị viên của một nhóm chuyên chia sẻ kinh nghiệm bán hàng online, hình thức lừa đảo này không phải mới, đánh vào sự cả tin và ham rẻ của người dùng.